Vì sao nghề giáo đào tạo nhân sự cho mọi nghề mà đãi ngộ gần như thấp nhất?

PV

(Dân trí) - Nhiều bạn đọc cho rằng chế độ lương và đãi ngộ không tương xứng đối với nghề giáo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục.

Sáng 15/8, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có cuộc gặp gỡ, đối thoại với các nhà giáo, cán bộ toàn ngành giáo dục tại 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc dưới hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.

Trong số nhiều vấn đề được nêu ra trong buổi đối thoại này, đã có tới gần 2.000 ý kiến đề nghị xem xét vấn đề lương, chế độ thấp của giáo viên khiến nhiều giáo viên phải làm thêm. Thậm chí có tới 16.000 giáo viên phải bỏ nghề, trước thực tế cả nước còn thiếu 106.945 giáo viên.

Thu nhập của giáo viên từ lâu đã là chủ đề thu hút sự quan tâm lớn của xã hội. Gửi bình luận (comment) về báo Dân trí, nhiều độc giả đồng ý với việc lương và chế độ đãi ngộ dành cho giáo viên còn thấp, khiến nhiều người bỏ nghề hoặc phải làm thêm để sống.

Điều này đồng nghĩa với việc giáo viên không thể toàn tâm toàn ý vào công việc giáo dục.

Vì sao nghề giáo đào tạo nhân sự cho mọi nghề mà đãi ngộ gần như thấp nhất? - 1

Chia sẻ với PV Dân trí, một đôi vợ chồng cùng làm nghề giáo cho biết họ vừa dạy học vừa cấy lúa để bám nghề, không dám sinh con vì lương thấp (Ảnh minh họa).

Độc giả Phùng Thị Quỳnh Anh viết: "Cơ chế đãi ngộ thấp, giáo viên không đủ tiền để trang trải cuộc sống, chính vì vậy mới sinh ra dạy thêm học thêm. Nếu không thay đổi cơ chế đãi ngộ thì sẽ còn nhiều hệ lụy: nhiều giáo viên bỏ nghề vì lương không đủ sống (vì miền núi thì làm gì có dạy thêm học thêm), vấn nạn dạy thêm học thêm tại các thành phố lớn làm tăng áp lực học cho học sinh, chất lượng giảng dạy tại các vùng miền không đồng đều".

Độc giả VFX Khánh: "Nói đi nói lại thì cũng là thu nhập quá thấp so với chi phí sinh hoạt. Lương mấy năm mới tăng được một ít, không thấm thía gì so với sự leo thang của vật giá sinh hoạt!".

"Người thầy giáo già của tôi nếu tính lương đến thời điểm này chưa được 10 triệu, còn tôi thì bỏ nghề lâu rồi. Thực trạng của giáo viên hiện nay là lương quá thấp; Quá nhiều trách nhiệm; Đổi mới chương trình quá nhiều; Không được đánh giá học sinh theo đúng sự thật. Điều này khiến giáo viên giỏi bỏ việc và đầu vào các khối trường sư phạm rất thấp", độc giả Kevin Nguyen.

Nâng lương không chỉ để giữ chân giáo viên, mà nhìn về tương lai xa hơn là thu hút nhân tài

Chia sẻ câu chuyện gia đình với người mẹ làm nghề giáo viên, độc giả Quân Lê: "Thời trước mẹ mình làm giáo viên, cứ dạy xong là tất tả làm thêm, nào là trồng rau, nuôi lợn.

Nhà chả có khi nào dư dả, toàn chạy ăn từng bữa, nhưng rất trân quý nghề giáo của mẹ. Sau lớn lên lấy vợ cũng giáo viên, cuộc sống cũng khó khăn không kém. Lương giáo viên thấp quá, nên giờ mấy ai thi vào sư phạm đâu. Các cháu giỏi nó thi tài chính, ngân hàng..., chỉ còn lại các cháu làng nhàng thi sư phạm, dẫn đến có thời gian điểm vào sư phạm thấp, quá thấp - tương đương chất lượng giáo viên sau này cũng thấp. Các cấp họp không biết bao nhiêu lần rồi mà chưa thấy giải quyết được gì".

Vì sao nghề giáo đào tạo nhân sự cho mọi nghề mà đãi ngộ gần như thấp nhất? - 2

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết dự kiến tăng ưu đãi phụ cấp cho giáo viên mầm non lên 10% và tăng 5% cho giáo viên tiểu học (Ảnh: Bộ GD&ĐT).

Là một giáo viên, độc giả Đặng Thị Thu Hà cảm thấy tủi thân bởi "16.000 giáo viên của ngành bỏ việc trong khu nhà nước và ngành giáo dục chỉ mới ở mức đề nghị thì thử hỏi nhà nước đã thực sự quan tâm đến giáo dục nước nhà hay chưa?. Một câu hỏi mà từ ngày mình vào ngành đến tận bây giờ chuẩn bị về hưu vẫn chưa thấy lời đáp".

Độc giả Lê Văn Biên băn khoăn: "Tại sao một nghề rèn giũa nên bao thế hệ tri thức, đào tạo nhân sự cho mọi nghề mà mức đãi ngộ lại thuộc hàng gần như thấp nhất?".

Độc giả Vũ Nguyễn lo lắng: "Vợ mình đi dạy 2 năm rồi, tính cả phụ cấp… chưa được 4 triệu, có ăn học mà không bằng lương công nhân. 10 giáo viên thì có 9 người phải đi làm thêm việc khác, vậy thử hỏi làm sao có thể một người giáo viên dành hết tâm huyết cho giáo dục?. Trước mình sống ở Nhật thì lương giáo viên thuộc hàng cao nhất".

Độc giả Tùng: "Nâng lương không chỉ để giữ chân giáo viên, mà nhìn về tương lai xa hơn nữa là thu hút nhân tài. Nếu không có chính sách đó thì chỉ có người dốt dạy con cháu chúng ta, vì người tài họ kiếm việc khác nhiều tiền, một tương lai con cháu chúng ta sẽ mất gốc, bạo lực học đường có thể sẽ xảy ra".

Bàn về mức lương của giáo viên, độc giả Tuan Do cho rằng: "Bộ GD nên kiến nghị bỏ bậc lương tối đa (mức trần). Giáo viên vẫn làm việc hiệu quả mà đến hệ số 4.99 là không được tăng nữa".

Cũng trong phiên họp sáng 15/8, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thông tin đang chờ ý kiến của Bộ Tài chính về dự kiến tăng ưu đãi phụ cấp cho giáo viên mầm non lên 10% và tăng 5% cho giáo viên tiểu học. Theo Bộ trưởng, việc kiến nghị phụ cấp cho giáo viên phải tiến hành từng bước nhưng mong muốn của ông là giáo viên mọi bậc học đều có thêm phụ cấp ưu đãi.

Hải Đăng