Vi phạm nồng độ cồn, "cù nhây" đốt luôn xe máy: Đừng đùa với luật pháp!

Khả Vân

(Dân trí) - Khi bị lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn, nam thanh niên mở ngay nắp bình xăng rồi châm lửa đốt. Hành vi dại dột này sẽ phải trả cái giá không hề nhẹ!

Như Dân trí đã thông tin, khoảng 20h20 ngày 18/11, tại đường 23/3, phường Nghĩa Đức (TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) tổ công tác liên ngành Công an tỉnh Đắk Nông đề nghị dừng xe đối với N.X.Đ (trú phường Nghĩa Đức) đang điều khiển xe gắn máy BKS 48E1-342.00 để kiểm tra nồng độ cồn, phía sau có chở N.H.P. (chủ xe).

Sau khi đo nồng độ cồn, N.X.Đ. bị lỗi cao nhất (vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở) nên theo quy định, người này bị phạt số tiền 6-8 triệu đồng.

Tổ công tác đã lập biên bản xử lý người điều khiển vi phạm nồng độ cồn, quyết định tạm giữ phương tiện. Sau đó, N.H.P. xin phép lấy đồ trong cốp xe. Tuy nhiên, sau khi mở yên xe, P. bất ngờ mở nắp bình xăng, lấy bật lửa và tự đốt xe của mình.

Vi phạm nồng độ cồn, cù nhây đốt luôn xe máy: Đừng đùa với luật pháp! - 1

Chiếc xe máy bị đốt cháy rụi (Ảnh chụp màn hình).

 Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội, Giám đốc Công ty Luật Pháp Trị) cho biết, trong trường hợp này, ngoài bị xử lý vì điều khiển xe khi nồng độ cồn vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở; Đ. và P. có thể bị khởi tố bởi hành vi đốt xe.

"Theo quy định pháp luật dân sự mọi người đều có quyền tự định đoạt về tài sản riêng của mình. Tuy nhiên, hành động đốt xe của 2 thanh niên được xác định là hành vi xâm hại đến trật tự công cộng và có thể gây nguy hiểm cho xã hội. Theo quy định, hành vi này có thể bị phạt hành chính hoặc truy tố về tội Gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 Bộ luật hình sự", Luật sư Lực nhận định.

Bên cạnh đó, tại thời điểm vi phạm, phương tiện là tang vật và là cơ sở để lực lượng CSGT có thể tiến hành lập biên bản sự việc vi phạm hoặc tạm giữ phương tiện để xử lý vi phạm. Do đó, hành vi đốt xe của P. đã trực tiếp gây cản trở cho người đang thi hành nhiệm vụ, nên có thể khởi tố về tội Chống người thi hành công vụ theo Điều 330, Bộ luật hình sự.

Theo đó, tại Khoản 1 Điều 330 Bộ Luật hình sự 2015 (có hiệu lực ngày 01/01/2018) thì người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Trước diễn biến sự việc, nhiều bạn đọc cũng cho rằng cần phải xử lý nghiêm trường hợp này, cần thiết phải truy tố ra trước pháp luật với hành vi chống người thi hành công vụ, hủy hoại tài sản, gây mất trật tự trị an. Cũng có ý kiến cho rằng cần điều tra thêm về nguồn gốc của chiếc xe bị đốt.