Vi phạm nồng độ cồn có thể bị giữ phương tiện trong bao lâu?

PV

(Dân trí) - Nếu vi phạm quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông, người vi phạm có thể bị tạm giữ phương tiện trong bao lâu?

Trả lời

Theo luật sư Trần Xuân Tiền (Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội), Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định áp dụng biện pháp tạm giữ tang vật vi phạm hành chính trong các trường hợp sau: Để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt; Để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, hoặc Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 6 Điều này.

Thời hạn tối đa tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là 7 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ. Trường hợp phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn tối đa kể từ ngày tạm giữ là 10 ngày. Đối với vụ việc mà cá nhân, tổ chức có yêu cầu giải trình hoặc phải xác minh các tình tiết có liên quan thì có thể gia hạn tạm giữ nhưng thời hạn không được quá 1 tháng.

Trường hợp cá nhân, tổ chức có yêu cầu giải trình hoặc phải xác minh các tình tiết có liên quan mà đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp, cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì thời hạn tạm giữ tối đa là 2 tháng.

Khoản 8 Điều này cũng quy định thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm không vượt quá thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Trường hợp tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt thì thời hạn tạm giữ kết thúc khi quyết định xử phạt được thi hành xong.

Về thời hạn thi hành quyết định xử phạt, Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải chấp hành trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt. Trường hợp quyết định xử phạt có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.

Đối chiếu với những quy định trên, người vi phạm nồng độ cồn thuộc trường hợp bị tạm giữ phương tiện để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt. Khi đó, việc tạm giữ phương tiện sẽ được tiến hành tới khi quyết định xử phạt được thi hành xong, tức là người vi phạm chấp hành xong việc nộp phạt. Thời hạn nộp phạt theo quy định tại Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.

Trong trường hợp người vi phạm không chấp hành thì khi hết thời hạn thi hành, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày hết thời hạn, tang vật, phương tiện sẽ được chuyển cho người có thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt để quyết định việc kê biên, bán đấu giá.

Đối với giấy phép, chứng chỉ hành nghề thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ hoặc hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt, người có thẩm quyền phải chuyển cho cơ quan đã cấp các loại giấy tờ đó để tiến hành thu hồi theo quy định của pháp luật và thông báo cho người vi phạm biết.

Hoàng Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm