Người vi phạm nồng độ cồn không chịu nộp phạt, xử lý như thế nào?

PV

(Dân trí) - Theo luật sư, nếu người vi phạm cố tình không chấp hành, phương tiện vi phạm có thể bị kê biên, bán đấu giá còn giấy phép lái xe sẽ bị thu hồi theo quy định pháp luật.

Nếu tài xế vi phạm luật giao thông không chịu nộp phạt đối với hành vi vi phạm, cơ quan chức năng sẽ xử lý như thế nào?

Trả lời:

Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội cho biết, Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thời hạn thực hiện nghĩa vụ nộp phạt vi phạm hành chính là 10 ngày, từ ngày nhận quyết định xử phạt. Trường hợp quyết định xử phạt có ghi thời hạn nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.

Người vi phạm nồng độ cồn không chịu nộp phạt, xử lý như thế nào? - 1

Một người đàn ông không ở TP HCM chịu đo nồng độ cồn, tấn công CSGT vừa bị khởi tố về tội Chống người thi hành công vụ (Ảnh: Hoàng Hướng).

Cá nhân, tổ chức vi phạm phải tự nguyện thực hiện nghĩa vụ nộp phạt. Trường hợp không tự nguyện chấp hành, họ sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính theo Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Cụ thể, các biện pháp cưỡng chế có thể áp dụng bao gồm khấu trừ một phần lương, thu nhập hoặc tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm; kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá; thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản hay buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1, Điều 28 của Luật này.

Ngoài các biện pháp trên, người vi phạm còn có thể bị thu tiền chậm nộp phạt nếu tiếp tục cố tình không chấp hành nghĩa vụ nộp phạt. Theo Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, đối với mỗi ngày chậm nộp phạt, người vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.

Về việc tạm giữ phương tiện và giấy phép lái xe, khoản 6, Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền thì người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ giấy phép lái xe, giấy phép lưu hành phương tiện, giấy tờ liên quan tang vật hoặc phương tiện giao thông tới khi cá nhân, tổ chức đó chấp hành xong quyết định xử phạt. Theo khoản 1 Điều này, việc tạm giữ để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt, thời hạn tạm giữ không vượt quá thời hạn ra quyết định và sẽ kết thúc khi quyết định được thi hành xong.

Khoản 65, Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, bổ sung năm 2020 quy định đối với tang vật, phương tiện vi phạm bị tạm giữ để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt thì khi hết thời hạn thi hành, nếu cá nhân, tổ chức vi phạm không nộp phạt thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn, tang vật sẽ được chuyển cho người có thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt để quyết định việc kê biên, bán đấu giá.

Đối với giấy phép, chứng chỉ hành nghề thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ hoặc hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt, người có thẩm quyền phải chuyển cho cơ quan đã cấp các loại giấy tờ đó để tiến hành thu hồi theo quy định của pháp luật và thông báo cho người vi phạm biết.

Như vậy, giấy phép lái xe và phương tiện của người vi phạm nồng độ cồn được tạm giữ nhằm đảm bảo thi hành quyết định xử phạt. Trường hợp người vi phạm cố tình không nộp phạt, phương tiện có thể bị kê biên, bán đấu giá để cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, còn giấy tờ sẽ bị chuyển cho cơ quan đã cấp các loại giấy tờ đó để thu hồi theo quy định.

Hoàng Diệu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm