Vấn nạn về loại biển chỉ dẫn “vớ vẩn” trên đường

Tôi đã có dịp đi qua Thái Nguyên, nơi đang được cho phép thi công lắp đặt loại biển “vớ vẩn” đã phản ảnh trên Diễn đàn Dân trí.

Quả thật tôi có băn khoăn là không biết đến bao giờ nước ta mới có được những biển chỉ dẫn giao thông đường bộ có quy cách và chất liệu đạt tiêu chuẩn quốc tế.

 

Vấn đề nên hay không nên cho làm loại biển không đạt chuẩn hay kết hợp cả biển quảng cáo thì hãy để cho các nhà chức trách có ý kiến. Ở đây tôi chỉ muốn nói đến một bộ mặt về giao thông mới do loại biển "vớ vẩn" kia mang lại.

 

Nhiều lần tôi đã rất khốn khổ vì đi buổi tối nên không tìm thấy đường rẽ, vì thế thay vì đi từ Quảng Ninh sang Hải Phòng thì tôi đã đi Quảng Ninh về Sao Đỏ rồi sau đó lại quay lại để tìm đường sang Hải Phòng.

 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Hôm đó ngồi trên xe của chúng tôi có các khách nước ngoài, và một vị quan chức Chính phủ. Nguyên nhân của việc lòng vòng đó là vì đường thì tối, đèn đường thì không có, và đặc biệt là kể cả đến ngã ba đi Hải Phòng rồi mà chúng tôi không tài nào tìm được một tấm biển chỉ dẫn giao thông chỉ đường. Phải mất 5 lần xuống xe để hỏi người dân, chúng tôi mới tìm thấy ngã rẽ, và tìm mãi chúng tôi mới thấy 1 tấm biển chỉ dẫn nhỏ, mờ và nằm tít trong góc khuất mà với tốc độ đi xe đạp cũng khó có thể phát hiện.

 

Trong bối cảnh kinh tế nước ta đang còn nhiều khó khăn, chúng ta đã mở cửa đón nhận các nguồn vốn nước ngoài, trong đó có ưu tiên cho việc xây dựng cơ sở hạ tằng như đường sá, cầu cống nhưng không hiểu sao mà việc làm cái biển chỉ dẫn giao thông vẫn không đạt chuẩn, nhiều loại biển “vớ vẩn” vẫn tồn tại ở nơi này nơi khác.

 

Trong khi chúng ta thực hiện chủ trương xã hội hóa việc thu hút các nguồn vốn khác nhau để thực hiện nhiều dự án, xây dựng hàng loạt công trình lớn, huống chi đầu tư cho việc xây dựng và chuẩn hóa một loạt hệ thống bảng chỉ dẫn giao thông trên hệ thống đường sá.

 

Có một điều “tế nhị” ở đây là hằng năm cơ quan quản lý đường bộ Việt Nam (Cục Đường bộ), được nhà nước rót nguồn tiền không nhỏ để duy tu, tôn tạo, xây dựng và lắp mới nâng cấp hệ thống đường bộ, mà  chưa làm hết việc, nhưng hình như lại sợ có một cơ quan khác, nhất là của nước ngoài tham gia vào lĩnh vực này thì sẽ động chạm đến quyền lợi của mình. Nhưng hầu như lĩnh vực nào cũng vậy, nếu để tồn tại tình trạng độc quyền, thiếu sự cạnh tranh, thì thường rất trì trệ.

 

Như chúng ta đã biết, trước kia lĩnh vực viễn thông, nhà nước giao vai trò độc quyền cho bên Bưu chính Viễn thông, nhưng cuối cùng sau một thời gian dài đấu tranh, ông lớn Bưu chính viễn thông Việt Nam cũng phải nhường miếng cơm, chia sẻ với các doanh nghiệp mới như Sphone, Viettel... thì thấy tình hình được cải thiện rõ rệt. Công việc xây dựng hệ thống biển chỉ đường cũng tương tự thôi, vấn đề là ở quan điểm và cách nhìn của các cấp lãnh đạo quản lý để quyết định phương án đầu tư đúng mà thôi. 

 

Nguyen Anton 

 

LTS Dân trí - Hệ thống biển chỉ dẫn đi đường là một bộ phận hữu cơ của hệ thống giao thông đường bộ. Có thể coi đó là “người chỉ đường” thường xuyên có mặt để hướng dẫn việc đi lại, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an toàn giao thông.

 

Hệ thống biển chỉ dẫn giao thông đã ra đời và phát triển cùng với hệ thống đường bộ, ngày nay đã đạt tới trình độ hoàn thiện và có tính quốc tế hóa. Thiết nghĩ, nước ta nên sớm học tập các nước phát triển trong việc chuẩn hóa hệ thống các biển chỉ dẫn giao thông, chấm dứt tình trạng để tồn tại những loại biển “vớ vẩn” không đạt chuẩn trên đường, dù đó là quốc lộ hay đường nội tỉnh.