Biển chỉ dẫn giao thông không thể kiêm quảng cáo
Vừa qua, có lẽ do “sáng kiến” cộng với sức ép đồng tiền của nhà tài trợ bỏ ra, cho nên cơ quan hữu trách ở Hà Nội đã đồng ý cho 564 biển chỉ dẫn giao thông đường bộ kiêm biển quảng cáo (tên, lô-gô nhà tài trợ…), sẽ lắp đặt trên 37 tuyến phố Thủ đô.
Tôi nghĩ rằng đây là một việc làm lợi bất cập hại - ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn giao thông. Bởi vì những biển này phục vụ cho mục đích quảng cáo làm người đi trên đường chú ý quan sát những chi tiết đập vào mắt cho nên thường đi chậm lại, thậm chí có người đi bộ trên vỉa hè dừng lại để tò mò “chiêm ngưỡng” lô-gô, đọc tên nhà tài trợ… , gây cản trở sự đi lại. Đặc biệt đối với những người lái xe cơ giới (kể cả ô tô, mô tô, xe gắn máy) thì tác hại còn lớn hơn nhiều. Họ phải giảm hẳn tốc độ mới ngắm nhìn được lô-gô và đọc được tên nhà tài trợ, làm cho tầm nhìn người lái xe bị phân tán, dễ dẫn đến tai nạn giao thông và tắc đường.
Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn |
Tôi nhớ lại cách đây không lâu, có 1 người đề xuất: Tại những giao lộ đặt đèn tín hiệu, nên dựng thêm pa-nô ghi các hàng chữ… nhằm phổ biến Luật Giao thông cho những người đi đường tranh thủ đọc trong thời gian gặp đèn đỏ bật sáng (họ phải dừng xe chờ đợi đèn xanh). Song thực tế đề xuất này cũng khó khả thi. Vì khi đèn đỏ bật sáng đã vậy, còn khi đèn xanh bật sáng, vẫn không loại trừ một số người có thể đi “đủng đỉnh”- cố tình đi chậm lại để đọc nốt các dòng đang đọc dở trên pa-nô, dễ gây ra ùn tắc giao thông…
Trở lại biển chỉ dẫn giao thông, để phát huy tác dụng cho mọi người đi đường, đã có quy định rất chi tiết trong Điều lệ Báo hiệu đường bộ (thuộc hệ thống Luật lệ Giao thông đường bộ Việt Nam), bao gồm 48 kiểu biển, có dạng hình chữ nhật hoặc hình vuông, nền màu xanh lam. Biển chỉ dẫn giao thông - báo cho mọi người đi đường biết những định hướng cần thiết trong lộ trình. Ngoài ra đối với từng biển chỉ dẫn cụ thể, còn được quy định rõ ràng kích thước (chiều cao, chiều rộng) và màu sắc của hình vẽ theo quy định trên biển…
Cho nên không thể “ tuỳ hứng sáng tác” biển chỉ dẫn giao thông ngoài quy định của Điều lệ báo hiệu đường bộ và không thể kiêm cả biển quảng cáo lô-gô, tên nhà tài trợ… để bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Đề nghị UBND thành phố Hà Nội quan tâm chỉ đạo cơ quan chức năng, loại bỏ phần quảng cáo được ghi trên 564 biển chỉ dẫn giao thông nêu trên.
Nguyễn Thành Lập
(Hà Nội)
LTS Dân trí - Lời cảnh báo về sự mất an toàn đối với loại biển hướng dẫn giao thông “kiêm nhiệm” cả mục đích quảng cáo là điều đáng lưu tâm và không nên cho thực hiện ở thủ đô Hà Nội cũng như ở các thành phố khác. Tuy việc “kết hợp” này có tiết kiệm được một số tiền làm biển chỉ dẫn giao thông nhưng đúng là “lợi bất cập hai” như bài viết trên đây đã phân tích.
Mong rằng các cơ quan có trách nhiệm quản lý an toàn giao thông lưu ý chỉ đạo việc làm các biển chỉ dẫn giao thông theo đúng những quy định của Điều lệ báo hiệu đường bộ.