Vấn đề pháp lý vụ người phụ nữ tử vong, bị giấu xác trong bể nước

PV

(Dân trí) - Theo Bộ luật Hình sự 1999, cần làm rõ thời hiệu xử lý hình sự với nghi phạm Thành. Nếu truy tố về các tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, mức phạt cao nhất có thể áp dụng là 18 năm tù.

Như Dân trí đã thông tin, Công an TP Hải Phòng đang tạm giữ hình sự Bùi Trung Thành (30 tuổi, ở huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) để điều tra về cái chết của chị N.T.T. (SN 1988) vào năm 2010.

Theo công an, đầu tháng 12/2010, Thành lên kế hoạch cướp tài sản của chị T. để trả nợ và tiêu xài cá nhân. Ngày 3/12/2010, nghi phạm trực tiếp tới cửa hàng của nạn nhân và yêu cầu chở đến nhà mình một bình gas. Khi chị T. mang gas đến nhà, Thành túm sợi dây chuyền rồi giật mạnh khiến nạn nhân đập đầu xuống đất bất tỉnh. Cho rằng chị T. đã tử vong, nghi phạm bế nạn nhân ra bể nước sau nhà và giấu xác tại đây.

Sau hơn 13 năm, ngày 7/12, hài cốt của chị T. được người dân phát hiện. Ngày 15/12, cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và bắt giữ nghi phạm Thành sau đó 5 ngày.

Theo dõi sự việc, độc giả Dân trí đặt câu hỏi, với những diễn biến hành vi như trên, Thành có thể chịu trách nhiệm ra sao theo quy định của pháp luật?

Vấn đề pháp lý vụ người phụ nữ tử vong, bị giấu xác trong bể nước - 1

Nghi phạm Bùi Trung Thành thực nghiệm lại hành vi giấu xác nạn nhân trong bể nước (Ảnh: Công an cung cấp).

Căn cứ pháp lý để xử lý nghi phạm

Theo luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội), do thời điểm Thành tước đoạt tính mạng của chị T. là ngày 3/12/2010, việc áp dụng chế tài của pháp luật để xử lý nghi phạm sẽ căn cứ Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.

Về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, căn cứ khoản 1 Điều 12 Bộ luật Hình sự 1999 quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Do đó, dù mới 17 tuổi ở thời điểm gây án, Thành vẫn phải chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi mình đã gây ra với nạn nhân.

Về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, căn cứ khoản 2 Điều 23 Bộ luật này, mỗi hành vi, tùy thuộc tính chất và mức độ nghiêm trọng, sẽ có thời hiệu truy cứu khác nhau. Cụ thể, thời hiệu đối với tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng lần lượt là 5 và 10 năm trong khi đối với tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, thời hiệu lần lượt là 15 và 20 năm.

Về tính chất hành vi, khoản 3 Điều 8 Bộ luật này quy định tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có khung hình phạt cao nhất ở mức 3 năm tù. Đối với các tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, mức phạt cao nhất đối với người phạm tội lần lượt là 7 năm tù, 15 năm tù và trên 15 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Như vậy, để có căn cứ xử lý nghi phạm Thành, trước tiên cần nhận định chính xác tội danh cũng như tình tiết định khung đối theo Bộ luật Hình sự 1999, từ đó xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm trách nhiệm hình sự đối với nghi phạm. Đây là vấn đề cơ bản nhưng tối quan trọng, cần được làm rõ để quyết định số phận pháp lý đối với nghi phạm.

Vấn đề pháp lý vụ người phụ nữ tử vong, bị giấu xác trong bể nước - 2

Nghi phạm Bùi Trung Thành (Ảnh: Công an cung cấp).

Về hành vi của Thành, theo cơ quan chức năng, nghi phạm khai nhận chủ ý cướp tài sản của chị T. nên đã lừa nạn nhân giao gas đến nhà rồi giật dây chuyền khiến người phụ nữ ngã đập đầu xuống đất tử vong. Sau đó, nghi phạm lấy sợi dây chuyền và mang thi thể chị T. ra bể nước sau nhà để giấu xác.

Từ lời khai trên, có thể thấy ý chí chủ quan của Thành là cướp tài sản của nạn nhân. Do đó, có cơ sở để xem xét trách nhiệm pháp lý của nghi phạm về tội Cướp tài sản theo Điều 133 Bộ luật Hình sự 1999.

Cụ thể, Điều luật này quy định người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự nhằm chiếm đoạt tài sản thì bị phạt tù 3-10 năm. Trường hợp hành vi gây thương tích cho người khác từ 61% trở lên hoặc làm chết người, khung hình phạt áp dụng là 18-20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục củng cố lời khai, thực nghiệm lại hiện trường để làm rõ việc Thành có chủ ý tước đoạt tính mạng của nạn nhân hay không thông qua ý chí chủ quan, cách thức và phương thức thực hiện hành vi phạm tội. Nếu kết quả điều tra cho thấy nam thanh niên có chủ ý tước đoạt mạng sống của chị T., có thể xem xét đồng thời trách nhiệm hình sự về các tội Giết người (Điều 93) và Cướp tài sản (Điều 133) tại Bộ luật Hình sự 1999.

Áp dụng chế tài ra sao?

Tương tự, luật sư Lưu Thị Kiều Trang (Giám đốc Công ty Luật Khải Hoàn Tâm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cũng cho rằng, cần tiếp tục củng cố tài liệu điều tra để xác định chính xác tội danh cũng như tình tiết định khung, từ đó xác định số phận pháp lý của nghi phạm.

Về mức hình phạt, theo luật sư Trang, do Thành là người chưa thành niên ở thời điểm phạm tội (căn cứ Điều 18 Bộ luật Dân sự 2005), nghi phạm sẽ không bị áp dụng mức phạt tù chung thân hoặc tử hình nếu bị truy tố về các tội danh có khung hình phạt cao nhất tương đương các mức phạt này, căn cứ quy định tại các Điều 34, 35 và 69 Bộ luật Hình sự 1999.

Ngoài ra, Điều 74 Bộ luật này cũng quy định đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật áp dụng mức phạt cao nhất là chung thân hoặc tử hình, mức phạt cao nhất áp dụng đối với người phạm tội là 18 năm tù. Trường hợp hình phạt được tuyên là tù có thời hạn, mức hình phạt cao nhất sẽ không quá 3/4 mức phạt tù mà điều luật quy định.

Như vậy, nếu bị cơ quan chức năng quy kết tội danh về các hành vi có khung hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, mức phạt cao nhất Thành có thể đối mặt là 18 năm tù. Trường hợp áp dụng các tội danh có mức phạt cao nhất là tù có thời hạn, chế tài áp dụng sẽ không quá 3/4 mức phạt tù mà điều luật quy định.

Hoàng Linh