Mở cửa ô tô bất cẩn, coi chừng mở cánh cửa nhà tù

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Mở cửa ô tô bất cẩn gây tai nạn, thậm chí tai nạn chết người, không phải chuyện hiếm gặp. Không ít trường hợp đã bị xử lý, song dường như một bộ phận người dân chưa thể ý thức hậu quả hành vi này.

Thời gian qua, những vụ tai nạn chết người liên quan tới hành vi mở cửa xe bất cẩn khiến nhiều người không khỏi xót xa. 

Ngày 13/10, một tài xế taxi tại TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) mở cửa xe bất cẩn đã hất văng một phụ nữ đi xe máy ra giữa đường khiến người này bị ô tô con đi từ phía sau cán vào, kéo lê trên đường và tử vong. Tới ngày 19/10, một chiếc taxi khác khi dừng đỗ tại khu vực đường Trần Thủ Độ (TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) bất ngờ mở bung cánh cửa sau bên tay trái, hất ngã một người đàn ông, làm người này bị xe bus đi từ sau tới cán tử vong. 

Hai tình huống trên là những điển hình cho sự chủ quan, cẩu thả của người ngồi trên xe ô tô. Dù là lái xe hay hành khách, người thực hiện hành vi đều cần phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. 

Mở cửa ô tô bất cẩn, coi chừng mở cánh cửa nhà tù - 1

Toàn cảnh hiện trường vụ mở cửa xe gây tai nạn ở Bà Rịa - Vũng Tàu (Ảnh cắt từ clip).

Trước tiên, đối với người điều khiển phương tiện, khoản 3 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định người điều khiển phương tiện khi dừng, đỗ xe trên đường phải tuân thủ các quy tắc an toàn, không được phép mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa đảm bảo điều kiện an toàn. 

Mọi hành vi mở cửa xe hoặc để cửa xe mở mà thiếu quan sát, xâm phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, làm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn đều là vi phạm pháp luật và sẽ bị áp dụng các chế tài phù hợp, tùy thuộc mức độ, tính chất của hành vi vi phạm. 

Theo khoản 2, Điều 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, mức phạt tiền đối với hành vi mở cửa xe, để cửa xe mở không đảm bảo an toàn là 400.000 - 600.000 đồng. Trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng như làm chết người, gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên hay gây thương tích cho người khác từ 61% trở lên, người vi phạm thậm chí có thể bị xử lý hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015. 

Từ quy định trên, có thể thấy việc áp dụng Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 để xử lý hành vi mở cửa xe cẩu thả, gây tai nạn chết người chỉ có thể áp dụng đối với người đang tham gia giao thông đường bộ, tức người điều khiển phương tiện. Vậy đối với những hành khách khác trên xe như trong vụ việc xảy ra ở TP Thái Bình, họ có thể bị xử lý ra sao khi gây tai nạn làm chết người?. 

Mở cửa ô tô bất cẩn, coi chừng mở cánh cửa nhà tù - 2

Hình ảnh ghi lại khoảnh khắc cánh cửa taxi tại Thái Bình bất ngờ mở bung khiến người đàn ông bị ngã xuống đường (Ảnh cắt từ clip).

Đối với trường hợp người mở cửa xe là hành khách, dù không được coi là người tham gia giao thông nhưng nếu mở cửa xe gây tai nạn, tùy thuộc hậu quả xảy ra, người vi phạm vẫn có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội Vô ý làm chết người hoặc Vô ý gây thương tích. 

Theo đó, Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người nào vô ý làm chết người thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1-5 năm. 

Còn theo Điều 138 Bộ luật này, người nào vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể ở mức 31-60% thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền 5-20 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Trường hợp gây thương tích cho người khác từ 61% trở lên hoặc gây thương tích cho từ 2 người trở lên mà tỷ lệ thương tật mỗi người từ 31% trở lên, mức phạt cao nhất có thể áp dụng là phạt tù 3 năm. 

Như vậy, dù không phải người lái xe song nếu mở cửa xe cẩu thả gây tai nạn, người ngồi trên xe vẫn có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự. 

Ngoài ra, cần lưu ý rằng trong nhiều sự việc, việc mở cửa xe không phải nguyên nhân trực tiếp làm chết người mà hậu quả xảy ra do xe từ phía sau đi tới và cán vào nạn nhân. Tuy nhiên, đây không phải căn cứ xem xét miễn trách nhiệm hình sự bởi hành vi mở cửa chính là nguyên nhân chính dẫn tới tai nạn, và nếu không có hành vi đó thì hậu quả chết người khó có thể xảy ra. Do đó, người thực hiện hành vi vẫn có thể bị xử lý hình sự. 

Nhằm nâng cao văn hóa giao thông, mỗi người dân đều cần nâng cao kiến thức, hiểu biết về pháp luật, không chỉ người điều khiển phương tiện mà đối với tất cả người ngồi trên phương tiện nói chung. Trong một xã hội văn minh và thượng tôn pháp luật, việc nắm vững kiến thức pháp luật là hết sức cần thiết, trước tiên là để bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân, phòng ngừa những rủi ro pháp lý, và sau đó là đảm bảo an ninh trật tự xã hội, an toàn tính mạng, sức khỏe của người khác.