Vấn đề pháp lý mấu chốt vụ siêu xe Rolls-Royce bị tông móp cửa tại Hà Nội

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Theo luật sư, hai vấn đề mấu chốt cần làm rõ để xác định trách nhiệm pháp lý của tài xế xe Hyundai Kona là yếu tố lỗi của tài xế và tổng giá trị tài sản bị thiệt hại sau vụ va chạm

Như Dân trí thông tin, sáng 24/9, xe ô tô Hyundai Kona BKS 30G-091.xx khi di chuyển trên phố Lê Thánh Tông (phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), va chạm với siêu xe Rolls-Royce Ghost đỗ bên đường và khiến cánh cửa sau của siêu xe bị xước, móp méo nặng. Tiếp nhận tin báo, Đội CSGT đường bộ số 1 đã cử cán bộ xác minh, lập hồ sơ và bàn giao cho Công an quận Hoàn Kiếm điều tra theo thẩm quyền. 

Với việc siêu xe Rolls-Royce Ghost có giá trị rất lớn, chi phí sửa chữa có thể lên tới hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng, chủ xe Kona có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý ra sao?. 

Vấn đề pháp lý mấu chốt vụ siêu xe Rolls-Royce bị tông móp cửa tại Hà Nội - 1

Cánh cửa sau của siêu xe bị móp méo sau cú tông (Ảnh: Hoàng Lê).

Luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá đây là sự việc đáng tiếc, nằm ngoài mong muốn của chủ các phương tiện. Tuy nhiên, do thiệt hại ước tính xảy ra có thể là rất lớn, việc lực lượng CSGT tiến hành xác minh, lập hồ sơ và bàn giao cho cơ quan điều tra tiếp tục giải quyết theo quy định là động thái cần thiết, phù hợp quy định của pháp luật. 

Bình luận dưới góc độ pháp lý, ông Giáp cho rằng để xác định trách nhiệm pháp lý của tài xế xe Kona, có 2 vấn đề cần làm rõ như sau: 

Thứ nhất, cần làm rõ có hay không yếu tố lỗi của tài xế xe Kona trong vụ va chạm, trong đó bao gồm nhiều yếu tố như việc tài xế có tập trung quan sát, giữ khoảng cách khi lái xe không; đã đi đúng làn đường, tốc độ cho phép; đã có giấy phép lái xe phù hợp hay đã áp dụng các phương án xử lý tối ưu nhằm hạn chế tối đa thiệt hại khi có va chạm hay chưa.

Thứ hai, cần xác định tổng giá trị thiệt hại của tài sản là bao nhiêu. Đây sẽ là căn cứ quan trọng để xác định vụ việc có hay không dấu hiệu hình sự. 

"Theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây hậu quả chết người, gây tổn hại sức khỏe cho người khác từ 61% trở lên hay gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên có thể bị xử lý hình sự. Do đó, đối với trường hợp này, 2 vấn đề mấu chốt cần làm rõ là yếu tố lỗi của tài xế và tổng giá trị tài sản bị thiệt hại sau vụ va chạm. 

Trong trường hợp xác định tài xế có lỗi khi điều khiển phương tiện dẫn tới thiệt hại và giá trị tài sản thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên, người này có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ", luật sư phân tích. 

Về trách nhiệm dân sự, việc bồi thường ưu tiên ý chí tự nguyện, dựa trên sự thỏa thuận, thương lượng giữa các bên. Trong trường hợp không thể thỏa thuận, cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành định giá chính xác tổng thiệt hại bởi hành vi vi phạm, và người vi phạm sẽ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng đối với hành vi có lỗi của mình gây ra. 

Ngoài ra, căn cứu Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, hành vi vi phạm theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 không thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại. Do đó, dù các bên có thỏa thuận được, phía bị hại không có yêu cầu xử lý hình sự nhưng nếu xét thấy có dấu hiệu hình sự, cơ quan điều tra vẫn có thể xem xét khởi tố vụ án theo quy định của pháp luật. 

Vấn đề pháp lý mấu chốt vụ siêu xe Rolls-Royce bị tông móp cửa tại Hà Nội - 2

Hiện trường vụ va chạm (Ảnh: Hoàng Tuấn).

Rolls-Royce nổi tiếng với những chiếc xe hơi sang trọng bậc nhất thế giới và là biểu tượng của ngành công nghiệp ô tô Anh quốc.

Rolls-Royce Ghost được biết đến là mẫu xe thành công nhất trong lịch sử của thương hiệu Rolls-Royce Motor Cars, ra đời lần đầu vào năm 2010. Xe đang ở vòng đời thứ 2, được giới thiệu từ năm 2020.

Giá xe Rolls-Royce Ghost tại Việt Nam ở mức vô cùng đắt đỏ với con số khởi điểm từ 29,9 tỷ đồng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm