Vạch kẻ đường ở TPHCM được sơn phản quang đỏ: Luật nào quy định?

Khả Vân

(Dân trí) - Nhiều người dân cảm thấy khá ngạc nhiên khi trên đường xuất hiện vạch phản quang màu đỏ, một màu sắc không thấy quy định trong luật giao thông và băn khoăn về tính hiệu quả của nó.

Mới đây, tại TP Hồ Chí Minh hàng loạt vạch kẻ đường cho người đi bộ sang đường ở cổng các trường học trên địa bàn quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, Tân Bình, TP Thủ Đức và hai huyện Hóc Môn, Củ Chi đã được sơn phản quang màu đỏ.

Vạch kẻ đường ở TPHCM được sơn phản quang đỏ: Luật nào quy định? - 1

Vạch phản quang trước trường học trên đường Lê Văn Việt, đoạn trước Đại học Giao thông Vận tải (Ảnh: Sở GTVT TPHCM).

Cụ thể, vạch kẻ cho người đi bộ qua đường, ngoài màu trắng như trước được sơn thêm vạch phản quang màu đỏ hoặc lát gạch tự chèn cường độ cao, giúp tăng ma sát, chống trơn trượt. Những nơi này cũng được lắp đặt đèn chớp vàng dùng năng lượng mặt trời; bổ sung biển báo với nội dung như "khu vực trường học", "trẻ em", "đi chậm", "chú ý quan sát"... Một số vị trí đông xe chạy qua có thêm hàng rào phân cách dẫn hướng...

Theo đại diện Trung tâm quản lý hạ tầng giao thông đường bộ TP.HCM - đơn vị thực hiện vấn đề này cho biết, mục đích của các vạch sơn là gia tăng cảnh báo cho người dân, học sinh di chuyển thuận tiện trong khu vực trường học. Đồng thời, Trung tâm cũng sơn màu sắc phản quang để người dân phân biệt, chú ý khi di chuyển qua khu vực trường học.

Nhiều người dân cảm thấy khá ngạc nhiên khi bỗng nhiên trên đường xuất hiện vạch phản quang màu đỏ, một màu sắc không thấy quy định trong luật giao thông và băn khoăn về tính hiệu quả của cách làm này. Bên cạnh đó cũng có ý kiến bày tỏ sự đồng tình và cho rằng đây là một cách làm thông minh và hiệu quả, là sáng kiến đề cao con người trong tham gia giao thông.

Sáng tạo và hợp lý!

Tài khoản có tên Lê Na cho rằng: "Cách làm này đỡ hơn mấy cái gạch màu vàng giảm tốc. Cái gạch màu vàng giảm tốc độ ai nhà ở gần đi vào nhiều thấy thật khó chịu, tôi còn tăng tốc thêm để nó khỏi xóc".

Một ý kiến khác đồng quan điểm: "Cái này hữu ích lắm, từ xa tôi đã thấy vạch sơn này để điều chỉnh lại tốc độ. Đi qua cũng không bị cấn xóc lên như những kiểu giảm tốc khác".

Dẫn chứng cách làm này đã được một số quốc gia triển khai tương tự, tài khoản Như Ý viết: "Bên Úc làm hẳn làn đường màu đỏ dành cho xe bus luôn ấy chứ. Nên màu đỏ hiện rất thịnh hành cho làn ưu tiên. Vấn đề này nhiều nước Châu Âu đã làm từ lâu thậm chí họ cố tình tạo phần vạch đi bộ cao hơn mặt đường từ 1-2cm để bắt buộc các xe phải giảm tốc độ, và việc nhường đường cho người đi bộ qua đường trên phần kẻ vạch ấy là tuyệt đối".

"Tôi lái xe qua nhìn thấy màu đỏ vừa lạ lạ và sờ sợ. Như vậy là đã hoàn thành mục tiêu tăng sự chú ý của mọi người rồi, lái xe nào muốn vượt người đi bộ mà nhìn thấy vạch này cũng sẽ chùn tay hơn. Hoàn toàn ủng hộ, cần nhân rộng mô hình. Thậm chí, nếu kinh phí cho phép có thể sơn màu cho làn dành riêng cho xe máy, xe đạp hoặc xe bus (xe máy hoặc xe máy & xe đạp màu xanh dương nhạt, xe đạp màu xanh lá nhạt, xe bus màu xanh lá). Trông thành phố sẽ rất có màu sắc, người đi ô tô sẽ bớt lấn làn xe máy".

 "Ý thức giao thông là vấn đề nhức nhối nhất ở ta hiện nay. Tô màu là tốt nhưng chỉ là bề nổi và cục bộ, quan trọng có ai hiểu và chấp hành nhường đường cho người đi bộ qua đường trên vạch hay không? Màu gì không quan trọng, quan trọng là ý thức chấp hành và biện pháp trừng phạt những kẻ ngoan cố không chấp hành, nếu không sẽ vô nghĩa, lãng phí.

Theo tôi, việc quan trọng vẫn là giáo dục, tuyên truyền và thắt chặt đầu ra của bằng lái xe. Chúng ta cần tổng kết giải pháp để làm đồng loạt thì mới mong văn minh lên được", tài khoản có tên Hải Trang chia sẻ.

Vạch kẻ đường ở TPHCM được sơn phản quang đỏ: Luật nào quy định? - 2

72 vạch phản quang màu đỏ ở cổng các trường học trên địa bàn quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, Tân Bình, TP Thủ Đức và hai huyện Hóc Môn, Củ Chi TP.HCM (Ảnh: plo.vn)

Màu sơn cần làm đúng theo luật và có sự thống nhất chung

Nhiều ý kiến bày tỏ sự băn khoăn về màu đỏ của vạch kẻ đường bởi cùng với các loại biển báo, vạch sơn kẻ đường cũng là một dạng ký hiệu giao thông mà người lái xe cần phải tuân thủ khi di chuyển trên đường. Theo QCVN 41:2016/BGTVT - Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ thì màu sơn vạch kẻ đường được chia thành hai màu sắc là vàng và trắng.

"Màu đỏ là màu cấm, màu vàng mới cảnh báo. Việc sơn màu đỏ phản quang này có thể khiến tài xế rối mắt, nhầm lẫn và không phát hiện ra hình dáng người sang đường, có tác dụng ngược với ý tưởng ban đầu.

Thêm nữa, cách vẽ này rất xấu mặt đường và các vạch kẻ đường. Mọi quốc gia trên thế giới đều tôn trọng vạch kẻ đường màu trắng và vàng đúng quy cách và họ cũng không vẽ vời gì ở nơi sang đường.

Tôi xin khẳng định, màu đỏ không phải màu cảnh báo, đó là màu rối mắt. Cần đánh giá lại tác dụng của công việc này, nếu các chỉ số hiệu quả không có tác dụng gì so với trước thì cần loại nó đi", bạn đọc Vũ Nhật Anh nêu quan điểm.

"Quy định vạch kẻ đường đã có trong luật, do đó không nên làm khác. Có thể sử dụng các miếng dán 3D như nước ngoài sử dụng để người đi đường chú ý hơn, hoặc các cách làm khác như đèn chớp giao thông, thêm biển báo... là phù hợp và tăng cường xử phạt cho những hành vi không tuân thủ luật giao thông".

Vạch kẻ đường cần theo chuẩn quốc tế để du khách các nước đến còn có thể hiểu được, đó là ý kiến của một tài khoản có tên Khánh Huyền: "Sử dụng các màu trong hướng dẫn giao thông cho phương tiện và người đi bộ đều có quy định hết và người nước ngoài đều đọc hiểu chứ không phải muốn vẽ sao thì vẽ.

Màu đỏ trắng thường vẽ dọc theo hông những dải phân cách để các phương tiện chú ý nguy hiểm, còn đây là dành riêng cho người đi bộ mà vẽ như vậy không khéo khách bộ hành du lịch không biết đi như thế nào. Tôi cũng cho rằng vấn đề không nằm ở vạch màu gì, đó là ý thức người giao thông khi thấy có người đang đi qua vạch sang đường thì phải dừng lại nhường đường, còn nếu ý thức không có thì vạch màu gì cũng vậy".

Cho rằng diện tích sơn quá lớn sẽ làm đường trơn, nguy hiểm, một tài khoản viết: "Nếu muốn cho nổi hơn thường ta sẽ dùng màu vàng giống như các "tiểu đảo" thường được sơn màu vàng và sơn theo đường chéo hướng xe di chuyển để tránh tình trạng bánh xe tiếp xúc quá dài trên lớp sơn. Cần biết thêm, tại vị trí được sơn đường sẽ mất đi độ bám dính lớp sơn càng dày thì đường càng trơn, mình thấy ở đây diện tích sơn lớn quá có nghĩa độ nguy hiểm sẽ cao".

Cũng có ý kiến cho rằng, việc sơn cảnh báo thế này chỉ nên thực hiện ở một số điểm nhất định, còn nhân rộng khắp nơi thì chính màu sơn đỏ cũng sẽ dễ kích thích sát khí hoặc tâm lí bạo lực của nhiều người hơn.

Quan điểm của bạn về vấn đề này thế nào? Hãy gửi vào khung bình luận bên dưới nhé!