Ứng xử thế nào khi gặp phải khách hàng "Chí Phèo" hay bùng nợ?
(Dân trí) - Nhiều khách hàng sau khi được cung cấp dịch vụ có biểu hiện quỵt tiền, thậm chí thách thức các chủ cửa hàng đi kiện. Nếu không kìm chế được cơn giận, chủ cửa hàng sau đó còn bị tố ngược.
Khách hàng mang xe máy đến cửa hàng để sửa chữa, bảo dưỡng. Đến lúc trả tiền thì khách nói không có tiền để trả. Vậy tôi có quyền giữ xe của khách, bắt họ mang tiền đến chuộc hay không? Tôi thấy nhiều chủ cửa hàng vì khách không trả được tiền đã giữ tài sản của họ sau đó bị công an bắt về tội cưỡng đoạt tài sản.
Trả lời:
Hiện nay tình trạng khách hàng sau khi được cung cấp dịch vụ có biểu hiện quỵt tiền, thậm chí còn thách thức các chủ cửa hàng đi kiện. Trường hợp chủ cửa hàng không kìm chế được mạt sát, làm nhục khách hàng nhiều khi còn bị tố ngược.
Thậm chí khi có hành động giữ tài sản, giam giữ người với mục đích để đòi được nợ còn bị cơ quan có thẩm quyền xử lý về hành vi giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản. Nếu chủ cửa hàng không có biện pháp giữ người, giữ tài sản mà để cho khách hàng mang theo tài sản đi thì sau đó cũng xác định bỏ không thể thu hồi được số tiền khách nợ.
Theo Luật sư Quách Thành Lực, Công ty luật Pháp trị thì đây là tình cảnh tiến thoái lưỡng nan, ngậm đắng nuốt cay mà không ít các chủ cửa hàng, người cung cấp dịch vụ từng gặp phải. Trước ngày 01/01/2017, không có giải pháp nào để chủ các cửa hàng, người cung cấp dịch vụ bảo vệ quyền lợi của mình trước những khách hàng "Chí Phèo" như vậy.
Chỉ đến khi Bộ Luật dân sự năm 2015 quy định biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thông qua việc Cầm giữ tài sản tại.
Cụ thể: "Cầm giữ tài sản là việc bên có quyền (sau đây gọi là bên cầm giữ) đang nắm giữ hợp pháp tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ được chiếm giữ tài sản trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ" (Điều 346 Bộ luật dân sự năm 2015).
Như trong trường hợp bạn hỏi, xe máy là đối tượng của hợp đồng song vụ (hợp đồng mà các bên vừa có quyền, vừa có nghĩa vụ), do người sửa xe không trả tiền hoặc trả tiền không đầy đủ thì bạn có quyền giữ xe máy đó không trả cho khách.
Bạn không cần phải thỏa thuận với khách hàng trước khi sửa xe thì mới có quyền cầm giữ xe. Khi khách hàng vi phạm nghĩa vụ trả tiền sửa xe thì quyền cầm giữ xe của bạn được xác lập.
Khi cầm giữ xe bạn có các quyền được quy định tại điều 348 Bộ luật dân sự năm 2015, Quyền của bên cầm giữ:
"1. Yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng song vụ:
a. Yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thanh toán chi phí cần thiết cho việc bảo quản, giữ gìn tài sản cầm giữ.
b. Được khai thác tài sản cầm giữ để thu hoa lợi, lợi tức nếu được bên có nghĩa vụ đồng ý.
Giá trị của việc khai thác tài sản cầm giữ được bù trừ vào giá trị nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ".
Ngoài các quyền, bạn còn phải chịu các nghĩa vụ theo điều 349 Bộ luật dân sự năm 2015, Nghĩa vụ của bên cầm giữ:
"1. Giữ gìn, bảo quản tài sản cầm giữ.
a. Không được thay đổi tình trạng của tài sản cầm giữ.
b. Không được chuyển giao, sử dụng tài sản cầm giữ nếu không có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ.
c. Giao lại tài sản cầm giữ khi nghĩa vụ đã được thực hiện.
d. Bồi thường thiệt hại nếu làm mất hoặc hư hỏng tài sản cầm giữ".
Việc cầm giữ tài sản này chấm dứt theo các trường hợp được quy định tại điều 350 Bộ luật dân sự năm 2015, Chấm dứt cầm giữ. Cầm giữ tài sản chấm dứt trong trường hợp sau đây:
"1. Bên cầm giữ không còn chiếm giữ tài sản trên thực tế.
a. Các bên thỏa thuận sử dụng biện pháp bảo đảm khác để thay thế cho cầm giữ.
b. Nghĩa vụ đã được thực hiện xong.
c. Tài sản cầm giữ không còn.
d. Theo thỏa thuận của các bên".
Một khi hành xử của bạn tuân thủ đúng, đủ các quy định pháp luật thì bạn có thể hóa giải được việc khách quỵt nợ mà vẫn đảm bảo an toàn pháp lý cho bản thân.