Phát hiện hành vi tội phạm, nên tố giác tội phạm hay báo tin tội phạm?

Hải Hà

(Dân trí) - Khi bạn biết về một hành vi tội phạm và cần thông báo cho cơ quan có thẩm quyền nhưng không biết phải lựa chọn hình thức nào cho phù hợp: tin báo về tội phạm hay tố giác về tội phạm?

Sự khác nhau của Tin báo về tội phạm và Tố giác về tội phạm.

Theo Luật sư Quách Thành Lực, Công ty luật Pháp Trị, có hai hình thức chính để một cá nhân biết về hành vi phạm tội thông báo đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết đó là Tin báo về tội phạm và Tố giác về tội phạm.

Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền (khoản 1, khoản 2 Điều 144 BLTTHS năm 2015).

Về chủ thể, người tố giác tội phạm có thể là người phát hiện, bị hại, người trực tiếp chứng kiến hành vi có dấu hiệu tội phạm xảy ra. Cách thức họ biết về hành vi phạm tội do nhìn thấy, người trong cuộc, trực tiếp chứng kiến sự việc phạm tội xảy ra. Họ có thông tin đầy đủ, chi tiết, có nhiều giá trị chứng minh hành vi phạm tội, giúp tìm ra người thực hiện hành vi phạm tội.

Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng (khoản 2 Điều 144 BLTTHS năm 2015).

Về chủ thể có thể là cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức. Cách thức họ biết về hành vi phạm tội, người phạm tội không phải là trực tiếp, có thể là do nghe được, được kể lại, tiếp nhận thông tin từ người khác hoặc qua phương tiện thông tin, liên lạc rồi báo cho cơ quan có thẩm quyền. Do vậy thông tin chắp vá, đứt đoạn, không đầy đủ, chi tiết, không có nhiều giá trị chứng minh hành vi phạm tội, khó sử dụng để giúp tìm ra người thực hiện hành vi phạm tội.

Tội phạm là gì?

Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự (khoản 1, điều 8 Bộ luật hình sự năm 2015).

Quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người có tin báo về tội phạm và người Tố giác tội phạm.

Cá nhân đã tố giác, báo tin về tội phạm có quyền:

Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giữ bí mật việc tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của họ, người thân thích của họ khi bị đe dọa;

Được thông báo kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;

Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Cá nhân đã tố giác, báo tin về tội phạm có nghĩa vụ:

Phải có mặt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giải quyết nguồn tin về tội phạm, trình bày trung thực về những tình tiết mà mình biết về sự việc.

Hậu quả pháp lý khi là người có tin báo về tội phạm và người Tố giác tội phạm

Khi hành vi phạm tội bị khởi tố, người Tố giác tội phạm có thể trở thành người bị hại, người làm chứng trong một vụ án hình sự. Còn với người có tin báo về tội phạm họ chỉ có thể trở thành người làm chứng.

Về trách nhiệm pháp lý, người tố giác là người phát hiện, trực tiếp chứng kiến, bị hại của hành vi phạm tội, do người phạm tội thực hiện nên việc xác định yếu tố "Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền" trong tội vu khống sẽ rõ ràng hơn người có tin báo về tội phạm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm