Vĩnh Phúc:

UBKT Tỉnh ủy vào cuộc vụ Bí thư xã Vĩnh Thịnh xài bằng giả

(Dân trí) - Sau khi Dân trí đưa tin và nhiều bạn đọc bức xúc về việc sử dụng bằng giả của ông Đàm Minh Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Thịnh, Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã nhanh chóng vào cuộc làm rõ vụ việc.

Kế hoạch kiểm tra
Kế hoạch kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Vĩnh Phúc
 
Mới đây, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã có Quyết định số 167,168-QĐ/UBKTTU ngày 07/3/2013 phê duyệt kế hoạch kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với đồng chí Đàm Minh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Vĩnh Thịnh. Được biết, huyện Vĩnh Tường sẽ vào cuộc làm rõ thực hư về việc sử dụng bằng giả của Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Thịnh.
 
Việc làm này thể hiện tinh thần nghiêm túc của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Vĩnh Phúc trong giải quyết những vấn đề bức xúc của dư luận liên quan đến sự không trung thực trong việc sử dụng các hồ sơ, tài liệu cá nhân trong công tác Đảng, có những bằng cấp khai không đúng sự thật, đi mua, sửa chữa và đã bị xử lý của cán bộ đảng viên.
Việc dùng bằng giả để đi học là vi phạm pháp luật và Điều lệ Đảng...
Việc dùng bằng giả để đi học là vi phạm pháp luật và Điều lệ Đảng...

Theo luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho hay: Việc sử dụng bằng giả là vi phạm pháp luật hình sự và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Qua sự việc ông Đàm Minh Tuấn sử dụng bằng giả, có thể thấy, thời gian gần đây, có nhiều người sử dụng bằng giả thường là cán bộ công chức, đảng viên. Việc xử lý thường căn cứ quyết định số 94-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm để kỷ luật về mặt tổ chức (nếu là đảng viên) và căn cứ nghị định 35/2005/NĐ-CP của Chính phủ để kỷ luật về mặt hành chính vì những lí do cho rằng những người sử dụng bằng giả này chưa gây hậu quả nghiêm trọng.

Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật hình sự, việc sử dụng bằng giả phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người sử dụng bằng giả. Bởi thứ nhất, khoản 1 điều 267 Bộ luật hình sự hiện hành đã quy định về tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, trong nội dung có thêm phần “sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân thì bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.

Mặt khác, người mua kẻ bán bằng giả biết đó là phạm pháp nhưng vẫn thực hiện nên đây là hành vi phạm pháp có ý thức. Người mua, sử dụng bằng giả là đồng phạm. Hiện nay, việc xài bằng giả ngày càng nhiều, từ dân thường đến công chức, quan chức.

Việc Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Vĩnh Phúc sớm có quyết định kiểm tra để xử lý là một động thái kịp thời của cơ quan chức năng. Dư luận đang trông đợi kết quả xử lý nghiêm minh vụ việc trên.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Ban Bạn đọc