“Tuyến đường mặc đồng phục”: Đẹp nhưng thiếu nét riêng

(Dân trí) - “Tuyến đường mặc đồng phục” là hình ảnh đang gây nhiều tranh cãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bởi mặc dù đẹp, đúng khuôn mẫu nhưng lại thiếu đi nét “riêng”, nét sáng tạo của các cửa hàng sản xuất kinh doanh.

Ở góc độ luật pháp, luật sư Trương Anh Tú - Trưởng văn phòng luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP Hà Nội), luật sư bày tỏ quan điểm:

"Luật Quảng cáo năm 2013 quy định “việc đặt bảng quảng cáo, băng-rôn phải tuân thủ quy định về khu vực bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa; hành lang an toàn giao thông, đê điều, lưới điện quốc gia; không được che khuất đèn tín hiệu giao thông, bảng chỉ dẫn công cộng; không được chăng ngang qua đường giao thông và phải tuân thủ quy hoạch quảng cáo của địa phương và quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành” và tuân thủ các quy định khác về nơi lắp đặt...

“Điều 10, Luật Thủ đô năm 2012 quy định việc quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị phải tuân nguyên tắc “Không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị của Thủ đô phải được quản lý theo đồ án quy hoạch, bảo đảm bảo tồn, tôn tạo, phát huy các hình thái kiến trúc có giá trị văn hóa, lịch sử, tạo lập không gian xanh của Thủ đô, không gian cảnh quan khu vực hai bên Sông Hồng”.

Như vậy, việc đặt biển quảng cáo trên các tuyến phố ở Hà Nội sẽ không buộc phải tuân theo bất cứ một khuôn mẫu nào. Do đó điều kiện tiên quyết để “mặc đồng phục” cho các tuyến phố đó chính là sự tự nguyện, đồng thuận của người dân: người nào đồng ý thì sẽ thực hiện và cũng không thể cưỡng ép đối với những người không đồng ý thực hiện” - luật sư Tú nói.


Tuyến phố Lê Trọng Tấn được thay biển quảng cáo kiểu đồng phục gây tranh cãi.

Tuyến phố Lê Trọng Tấn được thay biển quảng cáo kiểu "đồng phục" gây tranh cãi.

Theo luật sư Tú, mặt khác, hầu như các tuyến phố trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay đều đã xây dựng các biển quảng cáo do đó để thay toàn bộ các biển quảng cáo mới sẽ phải tốn rất nhiều chi phí như: chi phí để tháo dỡ biển quảng cáo cũ, chi phí để xây dựng biển quảng cáo mới. Theo chánh văn phòng UBND quận Thanh Xuân các biển hiệu hai bên đường, các biển hiệu cửa hàng được thiết kế đồng mức về chiều cao, đồng cấp, đồng chất liệu và thực hiện theo phương thức xã hội hóa (nhân dân không phải bỏ tiền) tuy nhiên, nếu triển khai thực hiện trên nhiều địa bàn, nhiều tuyến phố thì các chi phí này rất lớn và sẽ rất lãng phí trong khi hiện nay còn nhiều các vấn đề xã hội cấp thiết hơn cần phải giải quyết.

"Với tính chất của ngành nghề quảng cáo là độc đáo, mới lạ, dễ nhận biết để thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng thì việc đóng khung các biển quảng cáo theo thiết kế đồng bộ với chiều cao biển là 1,1m; chiều rộng tối đa bằng chiều rộng công trình; vị trí mép dưới biển hiệu là 3,0-3,2m; màu sắc được thiết kế 2 gam màu cơ bản là nền xanh hoặc đỏ và chữ màu trắng sẽ vô hình ảnh hưởng đến khả năng phân biệt của nhãn hiệu theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ đồng thời cũng ảnh hưởng đến cả một ngành nghề quảng cáo khi mà họ phải đóng khung trong một khuôn mẫu cố định, không được sáng tạo, không được tạo ra sự khác biệt, sự phá cách và cả những nét riêng cần có. Người dùng thì dễ nhầm lẫn giữa các cửa hàng, cửa hiệu trên tuyến phố, người bán thì không tạo ra được dấu hiệu nhận biết riêng cho cửa hàng của mình, người hoạt động quảng cáo thì bị bó buộc trong khuôn khổ… đó là sự tác động của việc mặc đồng phục này.

Tuy nhiên chúng ta cũng không phủ nhận rằng, việc “mặc đồng phục” cho các tuyến phố sẽ tạo nên nét khang trang cho đô thị, hạn chế các biển quảng cáo vi phạm. Do đó, theo tôi, thay vì buộc các tuyến phố “mặc đồng phục” giống nhau từ kích cỡ, cho đến mầu sắc thì chỉ nên giới hạn ở kích cỡ: chiều cao, chiều rộng, vị trí mép dưới biển hiệu, phần còn lại hãy để khoảng không sáng tạo, riêng biệt cho mỗi gian hàng", luật sư Tú nhận định.

Nhìn nhận về vấn đề này dưới góc độ luật thương mại Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng văn phòng luật sư Interla phân tích:

Theo quy định của Luật thương mại năm 2005 thì quảng cáo là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân để giới thiệu với khách hàng về hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của mình. Biển quảng cáo là phương tiện để thương nhân quảng cáo sản phẩm của mình tới khách hàng.

Tại Điều 107 Luật này cũng quy định việc sử dụng biển hiệu quảng cáo như sau:

“Điều 107. Sử dụng phương tiện quảng cáo thương mại

1. Việc sử dụng phương tiện quảng cáo thương mại quy định tại Điều 106 của Luật này phải tuân thủ các quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

2. Việc sử dụng phương tiện quảng cáo thương mại phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Tuân thủ các quy định của pháp luật về báo chí, xuất bản, thông tin, chương trình hoạt động văn hoá, thể thao, hội chợ, triển lãm;

b) Tuân thủ quy định về địa điểm quảng cáo, không gây ảnh hưởng xấu đến cảnh quan, môi trường, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội;

c) Đúng mức độ, thời lượng, thời điểm quy định đối với từng loại phương tiện thông tin đại chúng.”.

Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại Luật Quảng cáo năm 2012 và Thông tư số 19/2013/TT-BXD về ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện quảng cáo ngoài trời, bảng quảng cáo đặt trên vỉa hè.

“Có thể thấy, pháp luật thương mại không có bất cứ quy định nào về việc hạn chế về màu sắc, nội dung thể hiện trên biển hiệu quảng cáo của các cơ sở kinh doanh mà chỉ giới hạn về kích thước tối đa cũng như yêu cầu việc lắp đặt biển quảng cáo phải đảm bảo mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy. Yêu cầu về “đồng bộ” biển hiệu quảng cáo đang phần nào làm ảnh hưởng tới quyền tự do kinh doanh của các doanh nghiệp” - Luật sư Hòe nói.

Thanh Trầm