Từ vụ ca sỹ Vy Oanh: Công an triệu tập nhưng không đến có được không?

Khả Vân

(Dân trí) - Ca sỹ Vy Oanh nhận được giấy triệu tập của PC02 nhưng không đến làm việc và gửi đơn cầu cứu. Vậy khi cơ quan công an gửi giấy triệu tập, người dân không đến có được không?

Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an TPHCM (PC02) mới đây đã triệu tập ca sỹ Vy Oanh để làm rõ đơn tố giác tội phạm của ông Nguyễn Quang Tuấn là con trai bà Phương Hằng. Ông Tuấn cho rằng, Vy Oanh có hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mẹ mình.

Nhận được giấy triệu tập của PC02, Vy Oanh gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan tố tụng và cơ quan chức năng. Đến thời hạn ghi trong giấy triệu tập, cô không đến làm việc với PC02, do đang khiếu nại.

Theo ca sĩ, ông Tuấn không có quyền tố giác cô có hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích của bà Hằng, bởi "danh dự, uy tín" là những yếu tố thuộc về nhân thân của cá nhân bà Hằng. Nếu bà này cho rằng bị Vy Oanh xúc phạm thì chỉ có bà mới được quyền làm đơn tố giác ca sĩ.

Vậy mỗi người dân có được tố giác thay mẹ mình hoặc thay người thân của mình không? Sự khác nhau giữa giấy triệu tập và giấy mời của cơ quan công an thế nào? Nếu được triệu tập mà không đến thì có bị xử lý không, là thắc mắc của nhiều bạn đọc Dân trí.

Công an gửi giấy triệu tập nhưng không đến có được không?

Trả lời băn khoăn trên của độc giả, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật Đồng Đội cho biết, khi cơ quan công an gửi giấy triệu tập lần 1 mà người được triệu tập vắng mặt, sẽ gửi giấy triệu tập lần 2, nếu cố tình vắng mặt tiếp thì có thể bị dẫn giải.

Trong vụ việc này, ca sĩ Vy Oanh cho biết, cô đang là bị hại trong vụ bà Nguyễn Phương Hằng do Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đang điều tra và đã có văn bản gửi đến Công an TPHCM cung cấp thêm một số thông tin nên không có mặt như giấy triệu tập yêu cầu. Luật sư Tiền cho biết, cơ quan công an sẽ xem xét lý do vắng mặt này có chính đáng không bằng cách xác minh thông tin.

Về vấn đề tố giác tội phạm, luật sư Tiền cho rằng mọi công dân đều có quyền tố giác tội phạm và ủy quyền tố giác tội phạm, theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015. 

Sự khác nhau giữa giấy mờigiấy triệu tập, luật sư cho biết, giấy mời được sử dụng trong những trường hợp cơ quan công an, tòa án hay nói chung là các cơ quan tiến hành tố tụng mời những người có liên quan hoặc biết về vụ việc đến làm việc nhằm thu thập thông tin, làm rõ những nội dung có liên quan đến vụ việc.

Hiện chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về việc công dân khi nhận được "giấy mời" của cơ quan nhà nước nói chung và cơ quan công an nói riêng thì bắt buộc phải có mặt theo yêu cầu.

Do đó, đối với giấy mời, người được mời có quyền lựa chọn giữa đến và không đến. Vì là quyền nên việc không đến làm việc theo giấy mời không phải là hành vi vi phạm pháp luật. Trong trường hợp, không thể đến theo đúng thời gian ghi trong giấy mời có thể làm đơn nêu lý do vắng mặt gửi lên cơ quan phát hành giấy mời để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Theo quy định tại Thông tư 01/2006/TT-BCA(C11), giấy triệu tập là biểu mẫu tố tụng hình sự được sử dụng trong hoạt động tố tụng hình sự nên chỉ cơ quan điều tra hoặc cơ quan khác trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra mới được sử dụng.

Việc sử dụng giấy triệu tập phải đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng trình tự, thủ tục mà Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 đã quy định.

Giấy triệu tập bị can tại ngoại, giấy triệu tập hoặc giấy mời người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án đến cơ quan điều tra để làm việc chỉ có giá trị làm việc trong một lần.

Trong tố tụng hình sự, chỉ có Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán là có thẩm quyền ký và sử dụng giấy triệu tập. Trong tố tụng dân sự, hành chính thì chỉ có Thẩm phán mới có thẩm quyền này.

Theo đó, nếu không phải là "người tham gia tố tụng" trong một vụ án/vụ việc cụ thể, công dân không thể bị triệu tập.

Dựa vào quy định này, thì hiện nay thẩm quyền ký giấy triệu tập trong một vụ án hình sự là công an (Điều tra viên). Khi bị công an triệu tập vì một vụ án hình sự thì người dân bắt buộc phải đến nếu không có thể bị áp giải, dẫn giải.

Như vậy, giấy mời và giấy triệu tập có bản chất hoàn toàn khác nhau. Có thể hiểu rằng, nếu nhận được giấy mời thì người được mời có thể lựa chọn đến hoặc không đến. Còn giấy triệu tập thì bắt buộc phải đến, phải có mặt, nếu không rất có thể sẽ bị áp dụng biện pháp cưỡng chế.