1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Nội lại lên kế hoạch cấm xe máy vào nội đô

Hà Mỹ

(Dân trí) - Sở Giao thông Vận tải Hà Nội được giao lập đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.

Nội dung trên được nêu trong Quyết định phê duyệt đề án phát triển kinh tế đô thị thành phố Hà Nội, vừa được Phó chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn ký ban hành.

Theo đó, UBND Hà Nội giao Sở Giao thông vận tải lập đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.

Cùng với đó, các đơn vị liên quan lập đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào.

Sở Giao thông Vận tải cũng được giao chủ trì, phối hợp các sở ngành, UBND các quận tham mưu giải pháp phát triển vận tải công cộng trong khu vực đô thị theo hướng hiện đại, văn minh, xanh; tiếp tục tham mưu chính sách khuyến khích các doanh nghiệp ngoài Nhà nước tham gia cung ứng dịch vụ giao thông vận tải công cộng chất lượng cao, dịch vụ kết nối hệ thống giao thông công cộng.

Cơ quan này cũng được giao chủ trì, tham mưu thành phố phát triển hạ tầng giao thông vận tải; tập trung và ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng khung là các tuyến đường giao thông cho các huyện chuẩn bị thành quận, trục giao thông liên kết trong vùng thủ đô…

Trong đó, nghiên cứu phát triển theo định hướng TOD tại các điểm trên vành đai 4 và 5, các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch.

Theo UBND Hà Nội, ô nhiễm môi trường ngày càng tăng, đặc biệt tình trạng ô nhiễm không khí luôn ở mức báo động. Nhiều chỉ số ô nhiễm vượt quy chuẩn cho phép, nhất là tại các công trình xây dựng, mức độ ô nhiễm không khí cao gấp 5-6 lần quy chuẩn cho phép.

Hoạt động giao thông của hai loại phương tiện ô tô và xe máy cũng chiếm 70% nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí tại Hà Nội. 

Cùng với kế hoạch trên, Hà Nội lên kế hoạch xây dựng các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại quy mô lớn tại các khu vực phát triển đô thị mới, khu vực thuận lợi giao thông để tiếp tục khẳng định là trung tâm bán buôn - bán lẻ của cả vùng, có tầm ảnh hưởng đến cả nước và trong khu vực.

Sở Công Thương được giao chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc và các sở ngành, quận, huyện nghiên cứu quy hoạch phát triển diện tích kinh doanh thương mại tại khu vực được quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị. Trong đó có các đầu mối giao thông công cộng lớn của thành phố, hầm ngầm cho người đi bộ, bãi đỗ xe công cộng ngầm…

Đây không phải lần đầu Hà Nội lên kế hoạch về việc cấm xe máy vào các quận nội đô và lên phương án thu phí phương tiện cơ giới.

Vào tháng 11/2021, Sở GTVT Hà Nội đã giao đơn vị liên quan nghiên cứu theo hướng sau năm 2025 dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận trong phạm vi từ vành đai 3 và đường Trường Sa, Hoàng Sa, quốc lộ 5 trở vào trung tâm TP.

Sau năm 2030, sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận trong phạm vi từ vành đai 4 đối với khu vực nam sông Hồng và vành đai 3 đối với khu vực bắc sông Hồng.

Đến tháng 10/2022, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố nêu đề xuất Hà Nội lập gần 100 trạm thu phí vào nội đô với mức thu khởi điểm là 50.000 đồng/lượt và tối đa 100.000 đồng. Thời gian thí điểm bắt đầu từ năm 2024.

Các đề xuất này sau đó đều nhận phản biện từ người dân và giới chuyên gia.

Hà Nội hiện có khoảng 8 triệu phương tiện tham gia giao thông với hơn 6 triệu xe máy.