Cậu bé vòng tay, cúi đầu cảm ơn khi được ô tô nhường đường:

Vì sao điều bình thường bỗng trở thành xa xỉ?

(Dân trí) - Chính chúng ta- những người lớn có lẽ vì cuộc sống hối hả mưu sinh, đã liên tục làm những điều bất thường để giờ đây khi chứng kiến một điều hết sức bình dị này lại thấy đó là nét văn hóa xa xỉ

Ngày 15/4 vừa qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ đã trao quà và giấy biểu dương tới em Lê Thanh Huy, học lớp 4.5 Trường tiểu học Cái Khế 2 để động viên, tuyên dương khích lệ tinh thần của Huy.

Em Huy là nhân vật "cậu bé" trong một đoạn clip đã khiến dư luận xúc động vì một hành động rất đơn giản nhưng vô cùng ý nghĩa. Đoạn clip ghi lại cảnh một cậu bé đang đi bộ băng qua đường Cách mạng Tháng 8 (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), được nửa đường thì cậu bé dừng lại định chờ ô tô đi qua. Tuy nhiên, người tài xế lại dừng lại để nhường đường. Cậu bé vội khoanh tay, cúi đầu để tỏ lòng biết ơn tài xế.

Vì sao điều bình thường bỗng trở thành xa xỉ? - 1
Cậu bé vòng tay, cúi đầu cảm ơn khi được ô tô nhường đường

Một hình ảnh, một câu chuyện rất đỗi bình thường nhưng bỗng nhiên trở thành hiện tượng thu hút sự quan tâm lớn, thậm chí cả những giọt nước mắt xúc động của nhiều người, thể hiện qua loạt ý kiến bình luận (comment) của bạn đọc:

"Xin cảm ơn bác tài xế có hành động văn minh trong giao thông và cũng không quên tuyên dương em bé đã được giáo dục lễ phép với mọi người dù ở trong bất cứ trường hợp nào";

"Rất đáng ngưỡng mộ cậu bé! Chính cậu sẽ là tấm gương sáng cho tất cả mọi người khi tham gia giao thông. Vì khi mình nhường đường cho người khác, chắc chắn sẽ được đền đáp, ít nhất là cử chỉ và thái độ thân ái, một nụ cười hay một lời cảm ơn chân thành! Hãy sống theo triết lý "Cứ cho đi rồi sẽ nhận lại";

"Vẫn biết đâu đó giành tuyến, lấn lề, đua nhau tranh khách... nhưng vẫn có rất nhiều và rất nhiều tài xế có nhiều hành động đẹp như vậy. Đây mới thực sự là văn hóa giao thông, và học sinh này thực sự là tấm gương cho mọi công dân Việt Nam chấp hành luật giao thông đường bộ. Chúc mừng cháu bé!"

"Thương quá là thương! Mình đã rơi nước mắt khi nhìn hình ảnh cháu bé khoanh tay cúi đầu cảm ơn tài xế. Cả người lái xe và cháu bé đều rất lịch sự, biết cách cư xử văn minh, lễ phép. Cháu đã được giáo dục trong môi trường rất tốt. Rất mong những tấm lòng và cử chỉ cao đẹp của cháu bé và bác tài trong clip này được lan tỏa";

Vì sao điều bình thường bỗng trở thành xa xỉ? - 2
Lê Thanh Huy được tặng giấy biểu dương vì hành động lễ phép.

"Mình hay mau nước mắt, hành động của bạn nhỏ đã làm mình rơi nước mắt. Hành động của bác tài xế cũng làm mình ấm lòng. Mong rằng các tài xế xe ô tô hay xe máy đều học tập tấm gương bác tài và các trường phổ thông nên phát động phong trào học tập tấm gương của cậu bé học trò nhỏ này. Lớn lên chắc chắn em sẽ là người có ích cho xã hội, cảm ơn gia đình và nhà trường đã giáo dục em thành người tốt";

"Dáng dấp em bé đúng là nghèo khó nhưng chân chất. Đúng là cử chỉ dừng lại đôi chút rồi khoanh tay cúi đầu đã khiến nhiều người phải cúi xuống nhìn em. Cảm ơn em đã bổ sung thêm cho người lớn nhiều bài học qua hình ảnh này";

"Đọc bài viết này tôi cảm thấy trong lòng nao nao sao đó, trẻ nhỏ tham gia giao thông văn minh, còn có một phần người lớn khi va chạm trong giao thông thì thường dùng sức mạnh đối xử với nhau. Xin những người đó nên đọc những bài này để đối xử văn minh nhé";

"Ở đây là con sang đường nơi không có kẻ vạch nên từ từ qua, khi được nhường đường con đã nhận thức mình mang ơn và cảm ơn như vậy là quá tốt đẹp rồi. Cảm ơn con, người lái xe, ba mẹ và các thầy cô giáo của con. Thực tế không chỉ tham gia giao thông mà trong cuộc sống thường ngày của chúng ta, chỉ cần mỗi người vì mọi người, ngoài tư duy "nhân lễ nghĩa trí tín" thì thêm tư duy phản biện để bảo tồn cái cũ và phát triển cái mới thì cuộc sống này sẽ tốt đẹp dần hơn!"

Khen ngợi, nhưng cũng không quên nhắc nhở: "Ý thức đạo đức của em rất tốt: được người khác giúp đỡ hoặc cho mình một cái gì thì mình phải cảm ơn người đó. Tuy nhiên ý thức về an toàn giao thông là em đang ở trên đường giao thông thì không được phép làm như thế rất nguy hiểm, em phải luôn quan sát xe cộ chung quanh cho đến khi lên vỉa hè. Hình ảnh của em chỉ đẹp khi đang đứng ở một nơi an toàn, điều này chứng tỏ các bậc thầy cô và cha mẹ chỉ dạy cho em ý thức đạo đức ứng xử nhưng quên ý thức an toàn giao thông rất cần thiết ngay bây giờ và khi lớn lên em tham gia giao thông nữa".

 Bên cạnh những lời ngợi khen, có ý kiến cho rằng đây là việc hết sức bình thường, bởi từ trong cái nôi giáo dục của gia đình cho tới khi đến trường, trong những giờ dạy giáo dục công dân hay đạo đức, các con đều được học những điều này, nên hành động của cháu bé không cần thiết phải ầm ĩ đến mức trao bằng khen, như quan điểm của một bạn đọc có nội dung:

"Cha mẹ và các thầy cô giáo thường kể về các tấm gương điển hình và những ví dụ thật sinh động hàng ngày như lời xin lỗi, lời cảm ơn, giúp đỡ người nhỡ đường, kính trọng người lớn tuổi, lời chào.

Rồi thậm chí khi đi ngang chùa hay bệnh viện thì nên giữ im lặng tránh ồn ào, gặp đám tang đi trên đường dù quen hay lạ đều dừng xe lại đứng sát vào lề nhường đường xe qua, còn ngả mũ nón chào tiễn biệt người đã khuất... nên việc cháu bé hành động lần này theo tôi là những điều mà mỗi đứa trẻ phải nằm lòng, không có gì mà ầm ĩ cả".

"Phản bác" lại ý kiến này, một bạn đọc cho rằng: "Ai đã biến những điều bình thường này trở nên "ầm ĩ".  Chúng ta - những người lớn, có lẽ đã liên tục làm những điều bất thường trong cuộc sống hối hả mưu sinh, như quên dần tiếng cảm ơn, quên dần quyền lợi người khác, làm gì cũng phải có tiền mới làm… đã khiến con trẻ dần xem đó là những điều bình thường? Tất nhiên, trách nhiệm không nhỏ cũng thuộc về ngành giáo dục, khi trẻ còn nhỏ phần lớn thời gian trong ngày ở lớp, và phụ huynh giao phó việc dạy dỗ con cho thầy cô".

Vậy ý kiến của bạn về vấn đề này như thế nào? Hãy gửi vào khung bình luận bên dưới nhé!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm