Bài 5:

Từ nạn nhân bị chiếm đất thành bị can: Một kết luận điều tra bất thường!

(Dân trí) - Dân trí đã có một loạt bài liên quan đến diễn biến vụ án còn không ít những uẩn khúc ở Gia Lâm, Hà Nội. Mới đây nhất, ngày 25.5.2016, cơ quan CSĐT ra kết luận điều tra với 2 bị can là 2 vợ chồng bà Mai Anh. Điều đáng tiếc nhất ở đây là, nguyên tắc suy đoán vô tội cùng những chứng cứ gỡ tội cho hai bị can đã bị bỏ qua, còn với nạn nhân thì làm điều ngược lại. Mặt khác, để xảy ra vụ việc này, Công an huyện Gia Lâm phải chịu phần trách nhiệm không nhỏ.

Công an huyện Gia Lâm phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vụ việc?

Như Dân trí đã thông tin, ngày 17.11.2015, Cty Đức Anh (Cty của vợ chồng bà Mai Anh - pv) đã điều người đến để phá ngôi nhà này để trả lại mặt bằng cho Cty An Thịnh. Nhưng hôm đó, vợ chồng ông Côn đã xử dụng số đông người đến cản trở, hôm đó Công an huyện đã phải lập biên bản. Trong biên bản này, đại diện Cty Đức Anh đã ghi rõ: “Yêu cầu ông Côn, bà Vân bàn giao lại nhà, đất để Cty Đức Anh trả lại cho Cty An Thịnh, hoặc chúng tôi sẽ phá dỡ nhà, sau đó bàn giao mặt bằng cho Cty An Thịnh.” Như vậy, cả công an huyện và vợ chồng ông Côn đều biết việc phá dỡ ngôi nhà này sẽ diễn ra. Mặt khác, ngay ngày hôm sau, ngày 18.11, Cty Đức Anh có văn bản gửi công an huyện Gia Lâm, công an và UBND xã Đặng Xá, thôn Đổng Xuyên và gửi cho vợ chồng ông Côn nêu rõ: “ Yêu cầu ông Đinh Tiến Côn và bà Nguyễn Thị Thúy Vân trước ngày 25.10.2015… Rút toàn bộ đồ dùng, máy móc của ông, bà ra khỏi phạm vi bến bãi của Cty An Thịnh".


Công ty TNHH TM Đức Anh đã gửi yêu cầu và thông báo sẽ phá dỡ nhà đến nhiều cơ quan chức năng nhưng không nhận được hồi âm.

Công ty TNHH TM Đức Anh đã gửi yêu cầu và thông báo sẽ phá dỡ nhà đến nhiều cơ quan chức năng nhưng không nhận được hồi âm.

Nhưng điều lạ là, Công an huyện, Công an xã không có một văn bản hoặc điện thoại nào để thông báo với vợ chồng bà Mai Anh: Việc phá nhà đó có đúng pháp luật hay không, hoặc có biện pháp ngăn ngừa việc đó xảy ra. Do đó, để diễn ra vụ việc này, trách nhiệm của Công an huyện Gia Lâm là không hề nhỏ. Có lẽ, chính vì vậy, những tình tiết này đã không được kết luận điều tra đề cập đến? ( trong bài “Từ nạn nhân bị chiếm đất thành bị can: Những uẩn khúc từ vụ án hủy hoại tài sản” ra ngày 27.4.2016 đã phân tích rõ).Vậy phía sau của việc “quên” tình tiết đó liệu có không những uẩn khúc?

Chính vì vậy, yên tâm việc làm của mình là hợp pháp, ngày 24.11.2015 ông Đức đã dùng máy xúc để phá nhà lán tạm (không giấy phép xây dựng) do chính mình dựng lên trên bãi cát Dốc Lời, Đặng Xá, Gia Lâm từ năm 2002. Trong ngôi nhà này, vợ chồng ông Côn, bà Vân (được coi là nạn nhân trong vụ án này - pv) đã cố tình để lại một số đồ đạc trong ngôi nhà của vợ chồng bà Mai Anh. Chúng tôi nói cố tình vì trước đó, vợ chồng bà Mai Anh đã nhiều lần bằng văn bản yêu cầu vợ chồng ông Côn đưa hết đồ đạc đó ra khỏi nhà lán đó. Điều đáng ngạc nhiên là, trong phần nhận xét và kết luận đã không hề đả động một chút nào đến tình tiết này.

Về việc ông Đức phá nhà tạm của mình, trao đổi với chúng tôi, Luật sư Đào Trung Kiên ( Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) khẳng định: “Hành vi phá dỡ nhà tạm của ông Đức là không vi phạm pháp luật.”

Thiếu khách quan trong việc đánh giá chứng cứ

Kết luận điều tra cũng chỉ nhắc qua loa đến “Giấy chuyển nhượng bãi” giữa vợ chồng bà Mai Anh với vợ chồng ông Côn nhưng không nhắc đến bản chất, lý do ra đời của tờ giấy vô giá trị này (chúng tôi đã phân tích trong bài: “Từ nạn nhân bị chiếm đất thành bị can: “Chìa khoá” nằm tại giấy chuyển nhượng bãi” ra ngày 24.4.2015). Chính tờ giấy chuyển nhượng này là “chìa khóa” của vụ án. Nhưng điều lạ là, cơ quan CSĐT không xác minh việc chuyển nhượng này có thật hay không. Điều đó không khó, nếu vợ chồng ông Côn mua thật sự thì không khó gì khi cho biết: Số tiền chuyển nhượng này là bao nhiêu và chuyển tiền bằng hình thức nào, ở đâu?


Tuy nhiên, khi công ty này phá ngôi nhà của mình liền bị khởi tố.

Tuy nhiên, khi công ty này phá ngôi nhà của mình liền bị khởi tố.

Mặt khác, chính cơ quan CSĐT cũng biết, chiếc máy cẩu hiệu Kobelco 200-2 và xe xúc đào bánh xích KOMATSUPC 200-3 cũng nằm trong “Giấy chuyển nhượng bãi” nêu trên, nhưng tại sao vợ chồng ông Côn vẫn phải trả lại cho vợ chồng bà Mai Anh? Trong giấy trả lại 2 chiếc máy này, ông Côn còn nêu rõ: “Nay công việc ủy quyền đã hoàn thành, tôi bàn giao lại chiếc máy xúc đào bánh và giấy tờ trên cho Cty Đức Anh.” Điều này cho thấy, việc chuyển nhượng trong “Giấy chuyển nhượng bãi” hoàn toàn chỉ là hình thức, nếu không đã không có sự “bàn giao lại chiếc máy xúc đào bánh bà giấy tờ trên cho Cty Đức Anh.” Vậy, vì sao với tình tiết rất, rất quan trọng và không khó xác minh này lại chỉ được kết luận điều tra đề cập một cách rất sơ sài?

Về “Giấy chuyển nhượng bãi” này, LS Đào Trung Kiên đánh giá: “Hợp đồng chuyển nhượng bến bãi là giả tạo và có những nội dung trái pháp luật (không được phép chuyển nhượng tài sản của người khác - Cty An Thịnh). Trong khoa học pháp lý, đây được xem xét là giao dịch vô hiệu tuyệt đối, nghĩa là mặc nhiên bị coi là vô hiệu. Hợp đồng vô hiệu tuyệt đối bị coi là vô hiệu không phụ thuộc vào quyết định của Toà án. Nói cách khác, nó bị vô hiệu ngay cả khi không có quyết định của Toà án. Quyết định của Toà án (nếu có) đối với giao dịch vô hiệu tuyệt đối không mang tính chất phán xử mà đơn thuần chỉ là một trong những hình thức công nhận sự vô hiệu của giao dịch dựa trên các cơ sở luật định mà thôi.”

Mặt khác, theo kết luận điều tra, cơ quan chức năng giám định, số thiệt hại tài sản là 49.590.000 đồng. Nhưng đáng chú ý là, vợ chồng ông Côn chỉ có giấy tờ chứng minh một số đồ dùng trị giá 3.010.000 đồng (Ba triệu đồng có lẻ). Còn lại các tài sản của cả vợ chồng bà Mai Anh (tự khai trị giá gần 12 triệu), lẫn của vợ chồng ông Côn đều không có chứng từ chứng minh.

Tuy nhiên, điều trớ trêu ở đây là, trong phần nhận xét và kết luận của mình, cơ quan CSĐT vẫn cho rằng, “hành vi của vợ chồng Mai Anh gây ra thiệt hại về tài sản của anh Côn để trong nhà lán là 49.590.000 (bốn mươi chín triệu năm trăm chín mươi ngàn đồng)”. Đây là một nhận xét và kết luận thiếu thuyết phục và rất khó hiểu.

Không chỉ có vậy, chúng tôi còn một loạt câu hỏi cần tiếp tục đặt ra với các cơ quan tố tụng, nhưng gần ba tuần qua chúng tôi vẫn chưa thể hẹn lịch làm việc được.

Dân trí sẽ tiếp tục phản ánh vụ án đến bạn đọc.

Vương Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm