Bài 1:

Từ nạn nhân bị chiếm đoạt tài sản trở thành bị can trong vụ án “Huỷ hoại tài sản”?

(Dân trí) - Báo Dân trí vừa nhận được đơn kêu cứu khẩn cấp của bà Trần Thị Mai Anh - Giám đốc Cty TNHH Thương mại Đức Anh về việc bị đối tượng khác lạm dụng chiếm đoạt tài sản. Hồ sơ vụ việc cho thấy, dù liên tục nhận được đơn thư tố cáo của bà Mai Anh, nhưng các cơ quan chức năng tỏ ra thờ ơ, thiếu trách nhiệm, không giải quyết quyết liệt những vướng mắc của các đương sự dẫn đến hậu quả không đáng có.

Từ tin bạn đến…

Theo nội dung đơn tố cáo của bà Trần Thị Mai Anh, năm 2005, Cty TNHH Thương mại Đức Anh (Cty Đức Anh) và Cty TNHH Đầu tư Xây dựng An Thịnh (Cty An Thịnh) ký thỏa thuận liên danh với nội dung: “Cty An Thịnh đồng ý cho bà Trần Thị Mai Anh được kinh doanh tập kết vật liệu xây dựng tại bến Lời, xã Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội. Bà Trần Thị Mai Anh chỉ được sử dụng mặt bằng để kinh doanh còn quyền sử dụng đất vẫn thuộc về Cty An Thịnh, khi nào Cty Anh Thịnh cần sử dụng mặt bằng để quy hoạch bến bãi thì bà Trần Thị Mai Anh phải trả lại cho Cty An Thịnh.”

Từ nạn nhân bị chiếm đoạt tài sản trở thành bị can trong vụ án “Huỷ hoại tài sản”? - 1

Tuy nhiên, do làm ăn thua lỗ, để tạm lánh mặt các chủ nợ, theo gợi ý của bà Nguyễn Thị Thúy Vân (lúc đó là bạn thân của nhau), bà Mai Anh đã nhờ vợ chồng bà Vân (ông Đinh Tiến Côn và bà Nguyễn Thị Thúy Vân) giúp trông nom và quản lý tài sản trên diện tích đất tại Bến Lời. Để thực hiện việc này, tháng 11.2011, bà Mai Anh đã làm “Giấy chuyển nhượng bãi” cho ông Đinh Tiến Côn với mục đích để các chủ nợ đỡ đe dọa, quấy rầy. Vì vậy, trong giấy chuyển nhượng này, hai bên không đề cập đến số tiền mua bán vì thực tế không có chuyện mua bán, chuyển nhượng nào.(bài sau chúng tôi phân tích vì sao “Giấy chuyển nhượng bến bãi” chỉ là hình thức)

… việc bạn lật kèo

Theo đơn tố cáo, sau đó, do thỏa thuận được với các chủ nợ cho mình được tiếp tục kinh doanh để lấy tiền trả nợ, đầu năm 2015, bà Mai Anh đã gặp vợ chồng ông Côn, bà Vân trao đổi: Hoặc trả lại bến bãi hoặc hai bên cùng hợp tác đầu tư. Thì bất ngờ, vợ chồng ông Côn, bà Vân lại cho rằng bến bãi, các phương tiện là tài sản của họ. Vô lý hơn, vợ chồng ông Côn, bà Vân khăng khăng cho rằng bà Mai Anh còn nợ họ hơn 12 tỉ đồng, do đó nếu muốn lấy lại bãi thì phải trả cho họ 12 tỉ đồng. Thực chất, khoản tiền hơn 12 tỉ đồng này là công nợ của bà Mai Anh với các chủ nợ. Hiện các khoản nợ này chủ nợ vẫn treo trên đầu bà Mai Anh chứ ông Côn bà Vân không có dính dáng gì (bài sau chúng tôi phân tích khoản 12 tỉ đồng này). Vụ việc bắt đầu nảy sinh từ đây.

Vì không thể thỏa thuận được về việc lấy lại bến Lời, ngày 5.7.2015, Cty Anh Đức làm đơn tố cáo hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của vợ chồng ông Đức, bà Côn. Đơn này được gửi tới công an huyện Gia Lâm và trưởng công an xã Đặng Xá; Hai tháng sau, ngày 5.9.2015, Cty Đức Anh có Đơn tố cáo sự bao che cho vợ chồng ông Côn, bà Vân của một số cán bộ, chiến sĩ đồn Nam Đuống (thuộc CA huyện Gia Lâm) gửi tới các cơ quan bảo vệ pháp luật của huyện Gia Lâm và Hà Nội...

Nhằm bảo vệ tài sản chính đáng của mình, ngày 21.9.2015 Cty Đức Anh có công văn gửi tới công an huyện Gia Lâm và công an xã Đặng Xá thông báo về các biện pháp bảo vệ tài sản của Cty; Tiếp đó, ngày 24.9.2015 Cty Đức Anh có văn bản gửi công an huyện Gia Lâm, công an xã Đặng Xá và cả vợ chồng ông Côn, bà Vân nêu rõ các biện pháp bảo vệ và thu hồi tài sản đang bị ông Côn chiếm giữ trái phép.

Ngày 23.10.2015, Cty An Thịnh có công văn số 02 yêu cầu Cty Đức Anh ngày 31.10.2015 phải trả lại mặt bằng. Để thực hiện yêu cầu chính đáng của Cty An Thịnh theo đúng “Thỏa thuận liên danh”, ngay ngày hôm sau, Cty Anh Đức có cv số 2410 (ngày 24.10) gửi các cơ quan chức năng từ thôn, xã cho tới huyện Gia Lâm và ông Côn, bà Vân với nội dung: “Chúng tôi yêu cầu ông Đinh Tiến Côn và bà Nguyễn Thị Thúy Vân trước ngày 25.10.2015: Chấm dứt ngay việc cử những người không có đăng ký tạm trú, tạm vắng tạm trú tại xã Đặng Xá đến sinh hoạt tại bến Lời; Rút toàn bộ đồ dùng, máy móc của ông, bà ra khỏi phạm vi bến bãi của Cty An Thịnh. Hết thời hạn nêu trên chúng tôi buộc phải xử dụng biện pháp cương quyết để bảo vệ quyền lợi và uy tín của Cty Đức Anh và ông bà chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi sự chậm trễ gây thiệt hại cho các bên.”


Khi Cty Đức Anh phá nhà của mình, bà Vân lại tố cáo tài sản của mình bị hủy hoại vì … cố tình không mang đi!

Khi Cty Đức Anh phá nhà của mình, bà Vân lại tố cáo tài sản của mình bị hủy hoại vì … cố tình không mang đi!

Tuy nhiên, những yêu cầu chính đáng của Cty Đức Anh đều không được vợ chồng ông Côn, bà Vân chấp nhận và các cơ quan chức năng cũng không có động thái nào. Vì vậy, ngày 17.11.2015, đại diện Cty Đức Anh thực hiện phá dỡ nhà tạm mà Cty này xây dựng trước đây để trả lại mặt bằng cho Cty An Thịnh. Tuy nhiên, do vợ chồng ông Côn, bà Vân sử dụng đông người đến ngăn cản quyết liệt, nên việc phá nhà Cty Đức Anh phải dừng lại.

Để tránh sự phức tạp, ngày hôm sau, ngày 18.11, Cty Đức Anh có công văn thông báo về việc phá dỡ, giải phóng mặt bằng đến công an huyện Gia Lâm, UBND, công an xã Đặng Xá và vợ chồng ông Côn, bà Vân. Nội dung văn bản này một lần nữa nhắc lại cv số 2410 ngày 24.10: “Rút toàn bộ đồ dùng, máy móc của ông, bà ra khỏi phạm vi bến bãi của Cty An Thịnh. Hết thời hạn nêu trên chúng tôi buộc phải xử dụng biện pháp cương quyết để bảo vệ quyền lợi và uy tín của Cty Đức Anh và ông bà chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi sự chậm trễ gây thiệt hại cho các bên.”

Sau thông báo này, không một cơ quan nào có phản hồi chính thức (đồng ý hay phản đối) với Cty Đức Anh. Chỉ khi đại diện Cty Anh Đức đến UBND xã để hỏi, thì ông Đoàn Văn Bắc - Chủ tịch UBND xã Đặng Xá cho rằng, việc phá dỡ nhà là việc nội bộ của Cty An Thịnh và Cty Đức Anh, chính quyền không can thiệp.

Bởi không có phản hồi của bất cứ cơ quan chức năng nào, yên tâm đây là việc làm chính đáng của mình, 14 giờ ngày 24.11.2015 Cty Đức Anh mới cho người đến phá dỡ ngôi nhà tạm do Cty của mình xây trên đất của Cty An Thịnh.

Sau sự việc đó, vợ chồng ông Côn, bà Vân làm đơn tố cáo Cty Đức Anh hủy hoại tài sản có trong ngôi nhà đó có tổng trị giá lên tới 140 triệu đồng. Sau một thời gian điều tra, cuối tháng 3.2016, Công an huyện Gia Lâm đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với bà Trần Thị Mai Anh và chồng của bà là ông Hoàng Công Đức.

Để vụ việc dẫn đến phải khởi tố một vụ án hình sự, một phần trách nhiệm không nhỏ thuộc về các cơ quan chức năng ở địa phương: Không giải quyết kiên quyết, kịp thời những yêu cầu chính đáng của công dân.

Nhưng điều đáng nói hơn, việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can cũng còn những điều ẩn khuất cần phải làm rõ.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Vương Hà