Từ chuyện nữ sinh bỏ nhà vì bị "bóc phốt" đến việc vô tư bêu xấu trên mạng

Khả Vân

(Dân trí) - Mạng xã hội đang được nhiều người sử dụng như một công cụ để công kích, "bóc phốt" người khác; đôi khi đẩy người khác vào đường cùng, đẩy chính mình vướng vào hành vi vi phạm pháp luật.

Từ "bóc phốt" đến chạy quảng cáo trên facebook để bêu xấu người khác

Như Dân trí đã thông tin, sáng 29/3, một tài khoản có tên H.A.T. đăng tải lên mạng xã hội Facebook nội dung nói về chuyện tình cảm với bạn gái cũ là em N.T.T.H. (SN 2004, trú tại thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh).

Câu chuyện sau khi được đăng tải đã nhận hàng trăm lượt quan tâm, bình luận, với nhiều ý kiến trái chiều và không ít lời chỉ trích. Đến trưa 29/3, vì quá bức xúc nên nữ sinh H. đã rời khỏi nhà.

Gia đình nữ sinh cũng đã trình báo sự việc với các cơ quan chức năng, cũng như nhờ các kênh thông tin đăng tải để tìm kiếm em nữ sinh. Rất may mắn, sau gần 2 ngày bỏ nhà đi, em H. được tìm thấy ở tỉnh Nghệ An và đã được gia đình đón về. 

Từ chuyện nữ sinh bỏ nhà vì bị bóc phốt đến việc vô tư bêu xấu trên mạng - 1

Nữ sinh N.T.T.H. bỏ nhà đi vì bị "bóc phốt" chuyện tình cảm trên mạng xã hội (Ảnh phải: Gia đình lo lắng sau khi nữ sinh bỏ đi).

Trước đó, vào cuối năm 2021 tại Thanh Hóa cũng nổi lên vụ việc 2 vợ chồng là chủ một shop thời trang cũng đã đăng tải clip "bóc phốt" một cô gái trẻ ăn trộm đồ tại cửa hàng của mình lên mạng xã hội. Đáng chú ý, sau khi phát hiện hành vi của cô gái trẻ, đôi vợ chồng này đã đánh đập, chửi bới và đe dọa cô gái.

Ngay sau đó, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự làm nhục người khác; cưỡng đoạt tài sản; đồng thời là quyết định khởi tố bị can đối với vợ chồng chủ shop quần áo về tội làm nhục người khác, cưỡng đoạt tài sản.

Chúng ta cũng không quên câu chuyện năm 2019 tại sân bay Tân Sơn Nhất với hình ảnh cựu đại úy Lê Thị Hiền. Do có mâu thuẫn với nhân viên hãng hàng không, nên bà Hiền đã to tiếng, chửi bới; trong đó đe dọa việc sẽ mua quảng cáo Facebook để "vạch mặt" nữ nhân viên Vietnam Airlines.

"Một ngày tao phải chạy 5 triệu Facebook vạch mặt mày", bà Hiền quát lên trong cơn tức giận.

Từ chuyện nữ sinh bỏ nhà vì bị bóc phốt đến việc vô tư bêu xấu trên mạng - 2

Hình ảnh vụ gây náo loạn sân bay Tân Sơn Nhất của cựu Đại úy Cảnh sát giao thông Lê Thị Hiền (Ảnh cắt từ clip: Tiến Nguyên).

Từ những tình huống cụ thể trên cho thấy, việc đăng bài viết, hình ảnh, clip hay chạy bài trên Facebook để bêu xấu người khác không còn là hiếm. Hệ thống quảng cáo của mạng xã hội này giờ đây không chỉ là nơi các doanh nghiệp quảng bá, thu hút khách hàng tiềm năng nữa, mà còn bị lợi dụng làm công cụ đe dọa và bôi xấu người khác.

Theo đó, Facebook cho phép người dùng mua quảng cáo "bóc phốt". Đồng thời, mạng xã hội này cũng cung cấp tính năng báo cáo bài viết (report). Thế nhưng để gỡ bài viết thì số lượng báo cáo phải lớn.

Mặc dù mạng xã hội này có quy định cấm các hành vi bêu xấu người khác. Tuy nhiên, cơ chế kiểm duyệt những quảng cáo dạng này chưa chặt chẽ, dễ bị "qua mặt" nếu người khởi tạo khéo léo xây dựng nội dung.

Việc Facebook bán quảng cáo bừa bãi những nội dung "bóc phốt" tạo ra một thứ quyền lực ẩn trong mỗi người dùng. Bất kỳ ai cũng có thể nói xấu người khác với tốc độ lan truyền chóng mặt nhưng chỉ là ý kiến có lợi cho một phía.

Bêu xấu người khác trên mạng xã hội có thể bị ngồi tù!

Chúng ta đang sống trong một xã hội pháp quyền. Ở đó, mọi hành động đều phải được điều chỉnh theo luật pháp chứ không ai được quyền đặt mình cao hơn luật pháp, làm thay luật pháp. Những bài viết bóc phốt, kéo người khác vào câu chuyện của mình nhằm câu view, tăng like dù đầy đủ bằng chứng đi chăng nữa cũng vẫn sẽ bị quy vào tội làm nhục người khác.

Mạng xã hội không phải tòa án. Mỗi chúng ta không phải là thẩm phán, trên mạng xã hội chúng ta không thể phân xử hay kết án bất cứ một ai. Nhưng dường như, không nhiều người biết điều này, cố tình không biết điều này. Nhiều người vẫn sử dụng mạng xã hội một cách thiếu văn minh.

Và một thực tế là mạng xã hội đang được nhiều người sử dụng như một công cụ để công kích, "vạch trần" người khác, từ đó một thuật ngữ mới xuất hiện là "bóc phốt". Thế nhưng, không phải lúc nào người "bóc phốt" cũng ý thức được hành vi của mình là đúng luật hay phạm luật.

Từ chuyện nữ sinh bỏ nhà vì bị bóc phốt đến việc vô tư bêu xấu trên mạng - 3

Vợ chồng chủ shop quần áo ở Thanh Hóa đã bị khởi tố sau khi đăng tải clip "bóc phốt" hành vi ăn trộm đồ của một cô gái.

Thứ nhất, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác

Theo Hiến pháp 2013: "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn". Do đó, hình ảnh, thông tin cá nhân, địa chỉ nhà... đều được coi là thông tin cá nhân, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và được pháp luật bảo vệ.

Xét trên phương diện pháp luật Việt Nam hiện hành, nếu dùng những lời lẽ thô tục, chửi bới trong bài đăng, bình luận trên mạng xã hội (hướng tới một cá nhân cụ thể), có thể sẽ bị xử lý về hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8, Luật An ninh mạng năm 2018, một trong những hành vi bị nghiêm cấm trên môi trường mạng là xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác.

Ngoài ra, theo điểm a khoản 1 Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020  về  xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử thì hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức; danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt từ 10-20 triệu đồng (mức phạt này áp dụng đối với tổ chức, trường hợp cá nhân vi phạm thì mức phạt tiền bằng ½ mức phạt tiền đối với tổ chức).

Thứ hai, Tội làm nhục người khác và Tội vu khống theo Bộ luật Hình sự 2015

Quá trình "bóc phốt" trên đều sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử nên nếu xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo khoản 2 Điều 155, Bộ luật Hình sự năm 2015 với khung hình phạt từ 03 tháng đến 02 năm tù.

Tiếp theo, nếu hành vi "bóc phốt" là bịa đặt hoặc lan truyền những điều sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự trên mạng xã hội thì có thể bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm theo khoản 2 Điều 156, Bộ luật Hình sự 2015.

Thứ ba, sử dụng trái phép hình ảnh, thông tin của người khác

Theo Điều 32, Bộ luật dân sự 2015 quy định về Quyền của cá nhân đối với hình ảnh thì cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Ngoài ra, Điều 38, Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Theo đó, trường hợp tự ý đăng tải hình ảnh, thông tin cá nhân của người khác nhằm mục đích "bóc phốt" trên mạng xã hội có thể sẽ bị xử lý theo điểm e khoản 3 Điều 102 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP với mức phạt từ 10 triệu -20 triệu đồng cho hành vi: "e) Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật".

Thứ tư, về trách nhiệm dân sự

Căn cứ Điều 584, Bộ luật Dân sự năm 2015 thì nếu bạn có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Theo Điều 592, Bộ luật Dân sự năm 2015 thì Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:

"a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

  1. b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
  2. c) Thiệt hại khác do luật quy định".

Ngoài ra, bạn còn phải bồi thường cho người bị xâm phạm một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự; nhân phẩm; uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Trong một số trường hợp đọc trộm tin nhắn của người khác, chụp lại màn hình rồi tung lên mạng để "bóc phốt" thì có thể bị xử lý về Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác (Điều 159, Bộ luật Hình sự 2015)…