Truyền dịch giải cứu bất thành, hàng chục cây sưa đỏ chết khô ở Hà Nội
(Dân trí) - Theo kiểm đếm, trong tổng số 34 cây sưa đỏ trồng trên vỉa hè đường Nguyễn Văn Huyên, thì có đến 7 cây đã chết khô không còn tìm thấy sự sống, một cây lá ngả màu vàng úa và bắt đầu rụng.
Theo phản ánh, trên đường Nguyễn Văn Huyên (Cầu Giấy, Hà Nội) có gần chục cây sưa đỏ quý hiếm có tuổi thọ trên 20 năm tuổi đã chết khô. Để xây dựng cầu vượt cạn Nguyễn Văn Huyên- Hoàng Quốc Việt, cuối tháng 4/2020, 34 cây sưa đỏ được đơn vị thi công chuyển lùi vào vỉa hè khoảng 3 m.
Đến tháng 8, nhiều cây bắt đầu có hiện tượng héo lá, công nhân chăm sóc đã treo bịch truyền dưỡng chất phục hồi nhưng không cứu được cây. Theo kiểm đếm, trong tổng số 34 cây sưa đỏ trồng trên vỉa hè đường Nguyễn Văn Huyên, thì có đến 7 cây đã chết khô không còn tìm thấy sự sống.
Còn một cây đã đâm chồi tỏa tán nhưng lá đang héo vàng và rụng, sớm muộn cũng lâm cảnh chết khô. Những cây sưa đỏ bị chết có chiều cao khoảng từ 5 đến 10m, đường kính gốc 35-45 cm. Cây được cắt tỉa gọn tán, bọc khung sắt hình trụ nhiều tầng lớp và có lắp camera theo dõi bảo vệ, đề phòng "sưa tặc".
Nhiều người dân sinh sống gần khu vực này không khỏi băn khoăn vì nhiều cây chết. "Nhìn gần chục cây sưa đỏ có tuổi đời trên 20 năm như vậy lại lâm cảnh chết khô làm sao không xót xa, nhưng nguyên nhân tại sao cây chết thì cũng khó giải thích. Anh xem, cả con đường có hàng cây sưa đều được dịch chuyển mới, đa phần xanh tốt tỏa lá thế kia lại có gần chục cây chết khô". Một người dân sinh sống trên đường Hoàng Quốc Việt cho biết.
Một người dân khác sống trong khu tập thể Tô Hiệu cho biết thêm, kể ra làm cầu vượt cạn Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt đã giải quyết nút thắt "cổ chai" về giao thông ở đây. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng buộc phải dịch chuyển hàng cây sưa vào bên trong thì mới mở rộng được đường giao thông. Giờ nhìn hàng cây sưa đỏ có giá trị như vậy cây thì sống, cây thì chết thấy cứ làm sao. Thời gian trước tôi đi qua còn thấy họ truyền dịch trực tiếp vào thân cây để giải cứu mà không ăn thua.
Trao đổi với phóng viên Báo Dân trí, ông Ma Kiên Ngọc - Giám đốc Công ty tư vấn thương mại Thành Công Xanh cho biết: "Sau khi sự việc gần chục cây sưa trên đường Nguyễn Văn Huyên chết khô, đơn vị đã có văn bản báo cáo với thành phố. Sau đó lên kế hoạch mời Kiểm lâm, Công an phường, Công an quận và một số đơn vị đầu ngành xuống hiện trường để xác nhận xem những cây sưa này đã chết chưa, nếu chết rồi thì thu hồi, lưu kho và thanh lý theo đúng quy định pháp luật".
Nguyên nhân dẫn đến hàng chục cây sưa chết khô có thể là do thời kỳ đánh chuyển vào nắng nóng, cây tương đối lâu năm do đó bị ảnh hưởng dẫn đến cây chết, cũng không thể đánh chuyển hơn 30 cây mà sống tất được hoàn toàn. Chủ đầu tư cũng yêu cầu trồng lại cây sưa thay thế cây chết cho đồng bộ toàn tuyến, chúng tôi cũng mong muốn các đơn vị chức năng vào cuộc nhanh chóng để thu hồi số cây đã chết, chúng tôi sẽ trồng cây mới cho cho phù hợp, đồng bộ. Ông Ngọc lý giải.
Hiện tại trên địa bàn Hà Nội có trên 3.800 cây sưa. Đây là gỗ thuộc nhóm IA trong sách đỏ Việt Nam, cấm khai thác mục đích thương mại từ năm 1994. Gỗ sưa đỏ cực kỳ quý hiếm và có giá trị kinh tế cao.