Chuyên mục 3 phút cùng Luật sư:

Trộm cắp xong hối hận đem trả lại có được pháp luật "thông cảm" bỏ qua?

(Dân trí) - Trộm cắp là hành vi vi phạm pháp luật, nhưng nếu biết hối hận và đem trả lại thì có còn bị xem là vi phạm pháp luật không?

Trả lại tài sản trộm cắp có bị xử lý hình sự?

Người có hành vi trộm cắp rồi hối hận trả lại cho khổ chủ có còn bị xem là vi phạm pháp luật không thưa luật sư?

Luật gia Thanh Phúc: Trộm cắp là một hành vi phạm tội khi một người hoặc một nhóm người lén lút, bí mật chiếm đoạt tài sản của người khác một cách trái pháp luật.

Pháp luật hình sự nước ta phân chia cấu thành tội phạm thành các loại: Cấu thành tội phạm hình thức, cấu thành tội phạm vật chất và một số trường hợp cấu thành tội phạm đặc biệt khác.

Trong đó, cấu thành tội phạm vật chất là cấu thành tội phạm mà các dấu hiệu bắt buộc thuộc mặt khách quan của tội phạm bao gồm: hành vi phạm tội, hậu quả do hành vi phạm tội gây ra; và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả do hành vi phạm tội. Nghĩa là Tội phạm có cấu thành tội phạm vật chất được coi là hoàn thành từ thời điểm hành vi được thực hiện và có thiệt hại xảy ra. Và Tội trộm cắp tài sản là cấu thành tội phạm vật chất.

Vậy nên khi một người thực hiện hoàn tất hành vi lén lút, bí mật chiếm đoạt tài sản từ người khác và giá trị tài sản bị trộm trên 2.000.000 đồng thì người đó đã thoả mãn tất cả điều kiện cấu thành hành vi phạm tội. Tức người đó đã trở thành tội phạm khi hoàn tất việc lấy trộm tài sản.

Do đó dù họ có quay lại hoàn trả lại tài sản đã trộm nhưng hành vi của họ đã cấu thành tội phạm và buộc phải chịu sự chế tài của luật pháp.

Trộm cắp xong hối hận đem trả lại có được pháp luật thông cảm bỏ qua? - 1

Luật gia Thanh Phúc (bên phải) đang trao đổi cùng PV Dân Trí

Nếu có thì cụ thể hình thức xử phạt là gì thưa luật gia? Có được khoan hồng và giảm nhẹ tội nếu đã hối hận?

Luật gia Thanh Phúc: Đối với tội Trộm cắp tài sản, tại Điều 173 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định như sau:

Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

1. Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

2. Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

3. Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

4. Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

5. Tài sản là di vật, cổ vật.

Và một số mức hình phạt khác tuỳ theo mức độ và nội dung phạm tội.

Để được căn cứ xem xét việc khoan hồng và giảm nhẹ mức hình phạt thì người phạm tội phải thể hiện sự hối hận của mình bằng hành động cụ thể như: ngăn chặn, giảm bớt thiệt hại; khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại, v.v…

Thư Quỳnh - Nguyễn Quang