Bạn đọc viết:

Trên mặt trận chống Covid-19: Sống mãi tinh thần hoa lửa

Ngọc Diễm

(Dân trí) - Dẫu biết cuộc chiến chống Covid-19 còn dài, chưa biết ngày kết thúc. Dẫu đang có cuộc sống êm đềm nhưng khi Tổ quốc cần, những thiên thần áo trắng sẵn sàng gác lại tất cả để xông pha...

Họ lên đường vì mục tiêu giành lại sự sống cho nhân dân, đóng góp một phần sức lực nhỏ bé vào công cuộc đẩy lùi bệnh tật.

Từ khi dịch Covid-19 xảy ra ở nước ta, cả dân tộc đã đồng lòng chống dịch, tất cả các địa phương, các cá nhân đều nghiêm túc thực hiện theo "quân lệnh" từ Trung ương, với mong muốn từng bước đẩy lùi Covid-19 ra khỏi bờ cõi.

Trên mặt trận chống Covid-19: Sống mãi tinh thần hoa lửa - 1

Nhân viên y tế tỉnh Bình Định tình nguyện lên đường nhận nhiệm vụ tăng cường hỗ trợ TPHCM và tỉnh Bình Dương phòng chống dịch Covid-19.

Cùng với sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, sự chung sức chung lòng của mỗi cá nhân, thì sự đóng góp của đội ngũ những y bác sỹ có vai trò quan trọng trong việc giành lại tính mạng cho người bệnh. Các y, bác sỹ khoác blouse trắng là cầu nối đưa nhiều bệnh nhân nặng từ cõi chết trở về.

Tại Bắc Giang, khi cơn "bão" Covid-19 càn quét vào tháng 5 vừa qua, đã có hàng nghìn y bác sỹ trên cả nước được chi viện cho địa phương chống dịch. Để nhân dân Bắc Giang có được sự bình yên như hôm nay, có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ này. Ngày hôm nay khi nghe và ngẫm lại những câu chuyện về sự cống hiến của biết bao y bác sỹ tình nguyện tới đây chống dịch, lòng chúng ta lại trào dâng sự biết ơn, nghẹn ngào và thổn thức trong trái tim.

Đó là câu chuyện của những y bác sỹ tuổi đời còn rất trẻ, đã tình nguyện viết thư để được tới "trận địa" trực chiến. Hay là câu chuyện của những người đi chống dịch phải để lại quê nhà con thơ dại đang khóc ngặt đói sữa, là những người không kịp về nhìn mặt người thân trút hơi thở cuối cùng…

Không chỉ có đội ngũ những người y bác sỹ trẻ tình nguyện hăng hái lên đường diệt "giặc" Covid-19, những "thiên thần áo trắng" đã ở độ tuổi nghỉ hưu, tóc bạc trắng cũng viết đơn xin gia nhập đội quân này. Đó là trường hợp của bác sỹ già gần 80 tuổi tại Nghệ An xin đi chống dịch tại Bắc Giang.

Trên mặt trận chống Covid-19: Sống mãi tinh thần hoa lửa - 2

Nữ nhân viên y tế mệt lả nằm ngay xuống nền gạch, cho phép cơ thể nghỉ ngơi vài phút ngắn ngủi, giữa bộn bề công việc tại tâm dịch tỉnh Bắc Giang.

Hay đó là những bác sỹ tại Đà Nẵng bằng kinh nghiệm chống dịch tại thành phố biển xinh đẹp đã xin gia nhập đội ngũ chống dịch cho Bắc Giang… Bước vào cuộc chiến chống Covid-19, vào giữa mùa hè, khí hậu tại Bắc Giang nóng như chảo lửa, họ làm việc công suất gấp 200 - 300 lần bình thường, có những khi dịch lên cao trào, lây lan mạnh trong các khu công nghiệp, việc trắng đêm để làm xét nghiệm nhanh cho hàng nghìn người bệnh là điều bình thường.

Làm việc thâu đêm, thông trưa, họ vẫn mang trên mình những bộ trang phục kín mít, thực hiện thao tác nghiệp vụ y thuật và giao tiếp bằng mắt, giấc ngủ đến chớp nhoáng, vội vàng ngay tại bàn làm việc hoặc dưới sàn nhà… Rời những bộ trang phục ướt sũng mồ hôi, những chiếc khẩu trang còn hằn in trên mặt, nhưng tinh thần lạc quan, lòng bao dung, tận tình chữa trị cho bệnh nhân vẫn ánh lên trong đôi mắt của những "thiên sứ" này.

Vì tính mạng của bệnh nhân, nhất là những ca bệnh nặng, họ có thể "trực chiến" và chịu áp lực làm việc trong môi trường khắc nghiệt, có lúc "cân não" để đưa ra những biện pháp điều trị chính xác, kịp thời. Nhiều y bác sỹ trong thời điểm dịch xảy ra, chỉ được gặp người thân qua những cuộc điện thoại video, lá thư viết vội, tin nhắn ngắn ngủi. Vài tháng xa nhà, nỗi nhớ hậu phương cồn vào, nhưng họ chỉ biết cất giấu và gói ghém nỗi nhớ ấy trọn trong tim.

Mặc dù chiến tranh đã đi qua được hơn 40 năm, đất nước bình yên, không tiếng súng đạn, nhưng trong những ngày tháng chống dịch, cuộc sống với những người "lính" y bác sỹ bỗng chốc như thời chiến. Sự xa cách về địa lý, không có thời gian bên cạnh người thân, xa những bữa cơm gia đình… khiến nỗi nhớ thương càng tăng lên.

Sợi dây kết nối tình cảm với gia đình là những lời động viên, những câu chuyện kể về cuộc sống thường nhật, chuyện học tập… hay những lá thư viết tay của hậu phương gửi cho bố mẹ nơi tuyến đầu, những giọng nói, ánh mắt thân thương đều được trao gửi qua điện thoại, qua kênh mạng xã hội facebook, zalo… khiến những trái tim "xẻ nửa" ấy được tiếp thêm bội phần sức mạnh.

Trên mặt trận chống Covid-19: Sống mãi tinh thần hoa lửa - 3

Y bác sĩ tại Bệnh viện dã chiến số 6 (Khu tái định cư phường An Khánh, Thủ Đức, TP.HCM)

Dù ở địa phương nào, lực lượng tuyến đầu cũng xung phong đi đầu chống dịch. Tại TPHCM dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh, dịch bắt đầu lây lan "âm ỉ" từ cuối tháng 4, sau đó lây lan với tốc độ mạnh như hiện nay. Các y bác sỹ tuyến đầu xung phong vào "mặt trận" chống Covid-19 tại thành phố đầu não kinh tế rất nhiều, với rất nhiều câu chuyện làm vỡ òa cảm xúc mỗi người.

Như câu chuyện "tranh giành" nhau vào TPHCM chống dịch của vợ chồng bác sỹ bệnh viện Việt Đức. Dù đang có con nhỏ khát sữa mẹ, cần chăm sóc nhiều hơn, nhưng cả vợ chồng bác sỹ cùng viết đơn xung phong xin đi chống dịch. Người vợ "nài nỉ" chồng ở lại để mình được đi, trong khi đó, anh chồng cũng tha thiết mong vợ ở nhà để mình được đi. Được biết, sau đó cả hai vợ chồng bác sỹ đã được chấp thuận cuộc chinh chiến vào TPHCM, trực tiếp phục vụ hàng nghìn bệnh nhân đang bị Covid-19 hoành hành.

Bằng sự nỗ lực phi thường của đội ngũ cán bộ y bác sỹ, đã có hàng nghìn bệnh nhân được cứu sống, trở về từ "lưỡi hái tử thần". Trải qua những giây phút mong manh ranh giới giữa sự sống và cái chết, cả bệnh nhân và đồng bào cả nước đều thấu hiểu được sự can trường, sự thôi thúc từ trái tim của các y bác sỹ trong cuộc chiến giành sự sống cho người bệnh. Xúc cảm ấy là sự biết ơn vô bờ bến.

Thế mới biết tinh thần vì cộng đồng của các y bác sỹ lên cao nhường nào. Biết rằng đi vào nơi với những nguy hiểm đe dọa, thậm chí cả tính mạng nhưng đội ngũ này vẫn xông pha. Còn gì cao thượng hơn thế! Tinh thần "thép" giống như khí thế chiến đấu năm xưa của các chiến sỹ trên chiến trường.

Trên mặt trận chống Covid-19: Sống mãi tinh thần hoa lửa - 4

Bác sĩ kiêm luôn việc khuân vác để phục vụ bệnh nhân tại TPHCM.

TPHCM đang trong giai đoạn nước sôi lửa bỏng, trải qua những ngày tháng này mới thấu hiểu sự sống giành giật trong gang tấc quý giá biết bao. Từ đó, mỗi người càng thêm trân quý sự hy sinh to lớn của đội ngũ tuyến đầu. Cả dân tộc cần lắm, biết ơn lắm và tôn vinh sự đóng góp của các bác sỹ và nhân viên y tế.

Con đường phía trước còn lắm gian nan, cuộc chiến chống giặc Covid-19 còn chưa có hồi kết. Đội ngũ tuyến đầu đang chịu nhiều áp lực và khó khăn mọi mặt, cần lắm những sự sẻ chia, hỗ trợ của đồng bào tới lực lượng này. Nhưng tinh thần trách nhiệm của đội ngũ y, bác sỹ và sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc sẽ là vũ khí quan trọng để Việt Nam sớm đẩy lùi Covid-19 khỏi lãnh thổ.