Trẻ tăng động đập móp ô tô, bố mẹ có phải chịu trách nhiệm thay?

Khả Vân

(Dân trí) - Cạnh nhà tôi có cháu bé bị tăng động nên hay có những hành vi mất kiểm soát như đập phá, la hét... Mới đây tôi đỗ ô tô trước cửa nhà thì bị cháu dùng vật cứng đập vào cửa và capo, gây móp, trầy xước.

Tôi yêu cầu bố mẹ cháu có trách nhiệm thì họ bảo tôi đỗ xe ngõ đi chung là sai nên họ không phải chịu trách nhiệm và chỉ xin lỗi thay cháu bé, vì cháu bé bị mất kiểm soát hành vi chứ không phải lỗi của họ. Trường hợp này tôi phải giải quyết như thế nào, thưa luật sư?

Trẻ tăng động đập móp ô tô, bố mẹ có phải chịu trách nhiệm thay? - 1

Trong trường hợp cha mẹ cháu bé không chịu hợp tác bồi thường, người đứng tên đăng ký xe ô tô có quyền khởi kiện yêu cầu cha mẹ cháu bé trên phải bồi thường thiệt hại do con họ gây ra đối với tài sản (Ảnh minh họa).

Trả lời:

Theo Luật sư Quách Thành Lực, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, hành động của cháu bé được xác định là hành vi xâm phạm tài sản của gia đình bạn. Hành vi xâm phạm tài sản, gây thiệt hại cho tài sản người khác là căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường theo quy định tại điều 584 Bộ luật dân sự.

Người chưa đủ 18 tuổi được pháp luật xác định là người chưa thành niên. Người có trách nhiệm bồi thường khi gây ra thiệt hại được quy định tại điều 586 Bộ luật dân sự như sau:

"Người chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại.

Người từ đủ 15 đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường".

Như vậy trường hợp cháu bé bị tăng động gây thiệt hại về tài sản thì cha mẹ của cháu có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại cho người có tài sản bị xâm phạm!

Gia đình bạn và cha mẹ cháu bé có thể bàn bạc, thương lượng với nhau theo nguyên tắc bồi thường thiệt hại được quy định tại điều 585 Bộ luật dân sự: "Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác".

Trong trường hợp cha mẹ cháu bé không chịu hợp tác bồi thường, người đứng tên đăng ký xe ô tô có quyền khởi kiện yêu cầu cha mẹ cháu bé trên phải bồi thường thiệt hại do con họ gây ra đối với tài sản.

Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm: Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng; Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại; Thiệt hại khác do luật quy định.

Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm được tính từ ngày bạn biết tài sản của mình bị cháu bé gây hư hỏng. Hết thời gian trên bạn không còn quyền yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc nữa.