Trào lưu chụp ảnh cùng tòa nhà "Hàm cá mập"
(Dân trí) - "Hàm cá mập" sẽ trở thành một câu chuyện cũ, một tấm ảnh kỷ niệm, nhưng không có gì phải tiếc nuối. Hãy đón chờ một quần thể kiến trúc với nhiều không gian văn hóa, nghệ thuật văn minh hơn.
Những ngày gần đây, tòa nhà "Hàm cá mập" bên Hồ Gươm bỗng trở thành một "hot trend". Trước thông tin công trình sắp bị tháo dỡ để mở rộng không gian công cộng, mỗi ngày có hàng nghìn lượt người từ khắp các tỉnh, thành trên cả nước đổ về tạo dáng chụp ảnh cùng "Hàm cá mập".
Tòa nhà được xây dựng từ năm 1991 đến 1993, nằm ngay cạnh hồ Hoàn Kiếm. Với kiến trúc độc đáo, mô phỏng hàm cá mập khổng lồ, công trình này không chỉ gây ấn tượng bởi thiết kế lạ mắt mà còn bởi vị trí đắc địa giữa trung tâm Thủ đô. Tháng 3-2025, Hà Nội cho biết sẽ tháo dỡ tòa nhà này nhằm mở rộng không gian quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục.
Tòa nhà "Hàm cá mập" sở hữu vị trí đắc địa bậc nhất Hà Nội. Tòa nhà cao 6 tầng, tầng 1 có diện tích khoảng 200m2 được một số thương hiệu giày dép, phụ kiện như Aldo, Swarovski thuê. Từ tầng 2 trở lên là các nhà hàng và quán cà phê với tầm nhìn bao trọn vẹn hồ Gươm và một số tuyến phố Hàng Gai, Hàng Ngang, Cầu Gỗ, Đinh Liệt...

Giới trẻ, du khách nước ngoài check-in tòa nhà Hàm cá mập sắp bị dỡ bỏ (Ảnh: D.T).
Tuy nhiên, khi thông tin tòa nhà sẽ bị tháo dỡ để cải tạo không gian xung quanh Hồ Gươm được công bố, không ít người, đặc biệt là giới trẻ, lại cảm thấy tiếc nuối. Nhiều bạn vội vã ghé thăm để kịp ghi lại những tấm ảnh kỷ niệm, biến nơi đây thành điểm check-in đông đúc bậc nhất Hà Nội những ngày này. Dù là ngày thường, khu vực xung quanh "Hàm cá mập" vẫn đông nghịt người trẻ đến chụp ảnh.
Chiều 6/4, một cô bạn thân thời cấp 3 của tôi chia sẻ rằng bạn cứ nghĩ dịp này người dân nghỉ lễ sẽ về quê hay đi du lịch xa hết, cộng thêm mạng xã hội xôn xao thông tin sẽ phá dỡ tòa nhà từ ngày 7/4 nên sáng nay gia đình bạn mới lên phố chơi. Không ngờ, lên đến khu vực xung quanh "Hàm cá mập" đông nghịt người. Lượng người đổ về đông đúc gây nên tình trạng ùn tắc tại khu vực quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục.
Khu vực trước tòa nhà Hàm cá mập đông nghẹt người, trong đó có các gia đình, nhóm bạn trẻ tụ tập để chụp ảnh. Khu vực chính quá đông, một số người đứng tràn về phía nhà hàng Thủy Tạ và ven hồ Gươm để ngắm tòa nhà, chụp ảnh check-in.
Đài phun nước giữa quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục là một trong những địa điểm "đắt khách". Nhiều người trèo lên đây tạo dáng để có góc ảnh hậu cảnh thoáng đãng nhất. Lượng khách đổ về các quán cà phê, nhà hàng trong tòa nhà tăng mạnh trong những ngày cuối tuần. Khu vực ban công có tầm nhìn thẳng ra Hồ Gươm luôn trong tình trạng kín khách.
Sau sự kiện này, tôi nghĩ rằng có lẽ do Hà Nội còn quá ít khu vui chơi giải trí nên chỉ cần có một hoạt động nhỏ như phá dỡ tòa nhà Hàm cá mập cũng khiến hàng nghìn người đổ về khu vực này chụp ảnh.
Thực tế, tòa nhà Hàm cá mập chỉ là một tòa nhà có các nhà hàng cho thuê, phục vụ mục đích thương mại chứ không phải một di tích văn hóa lịch sử hay mang tính chất biểu tượng của Hà Nội. Tuy nhiên, vì mọi người đu trend (trào lưu - PV) đổ về hồ Gươm chụp ảnh, ăn uống nên các quán cà phê, hàng quán tấp nập, nhiều dịch vụ ăn theo tranh thủ cơ hội kiếm bội tiền.

Nhiều dịch vụ ăn theo tranh thủ hốt bạc trước ngày Hàm cá mập bị phá dỡ (Ảnh: D.T).
Đầu tiên là dịch vụ gửi xe bùng nổ. Giá giữ xe tăng mạnh, dao động từ 50.000 đến 80.000 đồng/xe, cao gấp nhiều lần ngày thường nhưng bãi nào cũng nhanh chóng chật kín. Nhiều người phải chạy lòng vòng tìm chỗ gửi, thậm chí chấp nhận đi xa hơn, sang các tuyến phố khác rồi đi bộ quay lại. Một số điểm trông xe tự phát cũng mọc lên, thu tiền cao nhưng vẫn không đủ chỗ. Ai cũng biết là giá cao nhưng tâm lý chung là muốn check-in với công trình này lần cuối nên đành chấp nhận.
Thứ hai là dịch vụ chụp ảnh bằng máy chuyên nghiệp lấy ngay rất đắt hàng. Mỗi bức hình chụp lấy ngay có giá từ 10.000 - 50.000 đồng, tùy vào khách có lấy hình in hay không. Nhiều người sẵn sàng trả thêm tiền để có ảnh đẹp mà không phải chờ lâu. Thậm chí, có người còn thuê thợ ảnh theo giờ để chụp trọn bộ ảnh kỷ niệm với "Hàm cá mập".
Cũng theo chia sẻ của người làm nghề dịch vụ chụp ảnh, ngày cuối tuần có thể kiếm 1-2 triệu đồng/ngày. Dù vất vả nhưng với mức thu nhập cao gấp nhiều lần ngày thường, các tay máy vẫn tranh thủ làm việc hết công suất, tận dụng cơ hội kiếm thêm thu nhập.
Các dịch vụ thuê phụ kiện chụp ảnh cũng đang rất sôi động. Một số nhiếp ảnh gia tự do cung cấp các đạo cụ như xe hoa cổ điển, mũ vintage và hoa bó để tạo điểm nhấn cho bức ảnh. Xuất hiện những chiếc xe hoa với giá thuê 20.000 đồng/người, xe được trang trí với hoa loa kèn và cờ. Những phụ kiện này thường được thuê với giá từ 20.000 đồng/lượt, giúp khách hàng có những bức ảnh độc đáo và ấn tượng.
Hàng quán cà phê, nhà hàng đông nghịt người. Khách liên tục hỏi có bàn trống không, đặt trước cả tuần mà vẫn không có chỗ. Không chỉ các nhà hàng bên trong "Hàm cá mập" kín chỗ, hàng quán xung quanh khu vực này cũng hưởng lợi lớn từ lượng khách đổ về. Khu vực ban công những cửa hàng có tầm nhìn ra "Hàm cá mập" luôn kín người. Nhiều người sẵn sàng chờ đợi, xếp hàng dài để có chỗ ngồi.
Mặc dù lực lượng chức năng đã có cảnh báo về việc tụ tập đông người gây ảnh hưởng giao thông, nhưng hàng nghìn người vẫn đổ về khu vực này mỗi ngày để lưu giữ những khoảnh khắc cuối cùng với công trình mang tính biểu tượng. Nhiều nhóm khách tràn xuống lòng đường chụp ảnh, tạo dáng ngay giữa dòng xe cộ, gây cản trở giao thông. Lực lượng chức năng liên tục nhắc nhở, nhưng chỉ ít phút sau, tình trạng này lại tái diễn.
Kéo theo đó, rác thải từ các quán ăn vặt, đồ uống mang đi bị xả tràn lan. Nhiều người vừa uống nước, ăn bánh xong liền vứt rác ngay vỉa hè, đài phun nước. Nhân viên vệ sinh phải làm việc liên tục nhưng vẫn không xuể. Ngày thường đã đông, mấy hôm nay nghỉ lễ giỗ tổ Hùng Vương còn đông hơn hội. Người thì xả rác, người thì chen lấn, phường đến dẹp chỉ được một lúc rồi lại như cũ.
Sau khi mạng xã hội đưa thông tin ngày 7/4 sẽ phá dỡ tòa nhà "Hàm cá mập", nhiều người không cần kiểm chứng thông tin có chính xác hay không, không có căn cứ gì nhưng đã tin đó là thật và lại thi nhau đổ xô về đây chụp ảnh. Trong khi đó, thông tin chính thống phủ nhận hoàn toàn việc này.
Qua sự kiện người dân đu trend "Hàm cá mập", tôi cứ băn khoăn, trăn trở, đau đáu về một vấn đề: Hà Nội vẫn còn rất thiếu các điểm vui chơi, giải trí cho người dân mới dẫn đến tình trạng chen chúc chỉ để chụp ảnh với một tòa nhà thương mại không có ý nghĩa văn hóa, lịch sử. Tôi thầm ước ao, mong mỏi trong tương lai Thủ đô nghìn năm văn hiến sẽ có nhiều di tích văn hóa, lịch sử, nhiều khu vui chơi, giải trí cho người dân đi tham quan hơn. Để không còn hiện tượng sống chết cũng phải lao lên phố chụp ảnh với một tòa nhà sắp bị tháo dỡ cho bằng bạn bằng bè của người dân như thời gian vừa qua.
Tôi cũng hy vọng người sử dụng mạng xã hội sẽ luôn có tâm lý tỉnh táo, học cách tiếp thu có chọn lọc các thông tin trên mạng, phải kiểm tra độ chính xác của thông tin, không nên mù quáng tin vào các thông tin trên mạng, không để mạng xã hội thao túng tâm lý của mình và càng không nên đu trend bất chấp nắng, mưa, chen chúc giữa biển người chỉ để có một tấm ảnh. Tự nhiên, chúng ta lại làm giàu cho những người làm dịch vụ giữ xe, chụp ảnh, bán hoa, bán cà phê, bán hàng ăn.
Chúng ta lại làm khổ những nhân viên vệ sinh dọn rác của chúng ta. Chúng ta cũng làm khổ lực lượng chức năng phải đi dẹp những người tràn xuống lòng đường chụp ảnh.
Tôi không phản đối việc mọi người lên phố chơi, chụp ảnh với tòa nhà "Hàm cá mập". Đó là quyền tự do của mỗi người. Nhưng chúng ta nên cân nhắc đi chơi vào thời điểm nào cho phù hợp, không nhất thiết cứ phải đến đó chụp ảnh mới toại nguyện. Tiện thì ghé qua, không thì cũng chẳng sao. Nơi ấy đâu phải là di tích văn hóa, lịch sử.
Đâu phải nơi ghi dấu những chiến công hiển hách của nhân dân Việt Nam trong kháng chiến. Có đáng để chúng ta làm quá đến mức đó không? Có thực sự đáng để chúng ta tiếc nuối đến thế không? Khi những chiến sĩ quân đội nhân dân hay công an nhân dân hy sinh trong quá trình làm nhiệm vụ, khi những người có công với đất nước như các lão thành cách mạng, những bà mẹ Việt Nam anh hùng mất đi, liệu chúng ta đã bao giờ để ý đến họ, biết ơn họ, dành thời gian đến đưa tiễn họ một đoạn đường cuối hay chưa?
Khi người thân, bạn bè, đồng nghiệp của chúng ta gặp khó khăn, chúng ta đã bao giờ bỏ công sức, thời gian, tiền bạc ra giúp đỡ họ hay chưa? Liệu chúng ta có đủ kiên nhẫn giúp người khác như kiên nhẫn xếp hàng chờ đến lượt chụp ảnh với tòa nhà "Hàm cá mập" và sẵn sàng chi tiền thuê thợ chụp ảnh lấy ngay, vào nhà hàng ăn uống dù biết rõ giá tăng lên gấp mấy lần hay chưa? Tôi tin là nhiều người chưa làm được điều đó.
Chúng ta còn rất nhiều việc quan trọng hơn để làm. Thay vì đu trend chụp ảnh với tòa nhà thương mại sắp bị tháo dỡ, bạn hãy làm những việc có ý nghĩa cho gia đình và xã hội hơn đi, được không bạn? Trong lòng tôi thầm ước: giá như người dân có thể quan tâm đến các di tích văn hóa, lịch sử, các sự kiện quan trọng của đất nước như đi du trend chụp ảnh với tòa nhà "Hàm cá mập" thì tốt biết bao nhiêu.
"Hàm cá mập" sẽ trở thành một câu chuyện cũ, một tấm ảnh kỷ niệm, một cái tên gợi nhớ về một Hà Nội trong tưởng tượng của những thế hệ tương lai. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng chúng ta không có gì phải tiếc nuối, hãy đón chờ một quần thể kiến trúc với nhiều không gian văn hóa, nghệ thuật văn minh hơn. Tạm biệt nhé, "Hàm cá mập"!
Độc giả Vũ Thị Minh Huyền