Bài 2:

Tranh chấp liên quan mồ mả, hài cốt: Cách di dời mộ nằm trên đất của mình

(Dân trí) - Việc di chuyển mồ, mả, công trình thờ tự trên đất ít xảy ra và thường liên quan đến yếu tố tín ngưỡng, tâm linh nên tương đối phức tạp.

Đến nay các quy định pháp luật giải quyết quan hệ này phân bố ở nhiều văn bản, thuộc nhiều thời gian khác nhau.

Ngay cả cơ quan có thẩm quyền khi tiếp nhận vụ việc như trên cũng gặp nhiều khó khăn, bế tắc trong giải quyết.

Do vậy để có căn cứ giải quyết tốt nhất, cơ quan chức năng, người dân cần biết, vận dụng những quy định pháp luật rải rác, áp dụng tập quán, quy định tương tự của pháp luật.

Tập quán là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng để xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân, pháp nhân trong quan hệ dân sự cụ thể, được hình thành và lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư hoặc trong một lĩnh vực dân sự.

Trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng thì áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự. Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng.

Tranh chấp liên quan mồ mả, hài cốt: Cách di dời mộ nằm trên đất của mình - 1

Luật sư Quách Thành Lực phân tích pháp lý về tình trạng tranh chấp trong việc di dời mồ mả, hài cốt.

Thứ nhất: Với trường hợp di chuyển phần mộ mà không có tranh chấp.

Các trường hợp phải di chuyển:

 Các nghĩa trang và các phần mộ riêng lẻ phải di chuyển khi:

1. a) Gây ô nhiễm môi trường, cảnh quan nghiêm trọng không có khả năng khắc phục, ảnh hưởng đến môi trường sống của cộng đồng, không còn phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch ngành có liên quan được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

b) Phục vụ các dự án phát triển đô thị, công nghiệp và các công trình công cộng theo quy hoạch xây dựng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

c) Mộ vô chủ hoặc không còn thân nhân chăm sóc.

Trình tự, nhiệm vụ phải thực hiện khi di chuyển nghĩa trang và các phần mộ riêng lẻ:

1. a) Thông báo về việc di chuyển nghĩa trang và các phần mộ riêng lẻ;

b) Tiến hành công tác di chuyển vào các nghĩa trang được xây dựng và quản lý theo quy hoạch;

c) Trong quá trình di chuyển phải bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật.

d) Thực hiện các chính sách về giải tỏa, đền bù theo quy định của pháp luật.

Cơ quan có trách nhiệm di dời.

Cơ quan có thẩm quyền cải tạo, đóng cửa, di chuyển nghĩa trang và các phần mộ riêng lẻ được quy định như sau: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo Ủy ban nhân dân theo phân cấp quản lý, các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan thực hiện việc cải tạo, đóng cửa, di chuyển các nghĩa trang và các phần mộ riêng lẻ trên địa bàn do mình quản lý.

Hiện nay tại từng địa phương, UBND cấp tỉnh thường ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo đó UBND cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận, hòa giải giải quyết bước đầu với yêu cầu di dời phần mộ trên đất của công dân.

Kinh phí về việc di dời, di chuyển

Các nghĩa trang, phần mộ riêng lẻ nằm trong khu đất giải tỏa phải di chuyển để thực hiện các dự án phát triển đô thị, công nghiệp và các công trình công cộng thì kinh phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ về di chuyển mồ mả thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và xây dựng.

Còn với những phần mộ nằm trên đất cá nhân thì người chủ sở hữu có trách nhiệm thanh toán các chi phí đưa phần mộ vào nghĩa trang do địa phương quản lý để mai táng.

(Theo điều 12, điều 13 Nghị định số 23/2016/NĐ-CP về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng).

Tuy nhiên các quy định trên đây tương đối sơ sài nên trong quá trình triển khai, các cá nhân, cơ quan có thẩm quyền nên tham khảo thêm quy định tại Văn bản số 940-DS, ngày 25 tháng 02 năm 1961 do Bộ Nội vụ ban hành để có những bước thực hiện hợp tình, hợp lý.

Thứ hai: Với trường hợp di chuyển phần mộ mà có tranh chấp giữa chủ mảnh đất và thân nhân phần mộ.

Theo điểm a, khoản 1 điều 12 Nghị định số 23/2016/NĐ-CP quy định thì các phần mộ phải di chuyển khi: Gây ô nhiễm môi trường, cảnh quan nghiêm trọng không có khả năng khắc phục, ảnh hưởng đến môi trường sống của cộng đồng, không còn phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch ngành có liên quan được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Do vậy những phần mộ trên trên đất của cá nhân khác thuộc trường hợp bắt buộc phải di chuyển.

Để di chuyển các phần mộ này, trước tiên chủ sử dụng đất và thân nhân của người quản lý phần mộ cần tự thương lượng, hòa giải với nhau để đi đến giải quyết việc đồng ý di dời, hỗ trợ kinh phí di dời. Khi hòa giải hai bên đều phải có tinh thần thiện chí, hài hòa được yếu tố tín ngưỡng, tâm linh và quyền của người chủ sử dụng đất trong hoàn cảnh hiện thực đời sống xã hội.

Quá trình hai bên thương lượng hòa giải với nhau cần có sự tham gia của UBND cấp xã để đảm bảo hiệu quả của việc hòa giải, khả năng thực thi nội dung dung hòa giải giữa các bên.

Trường hợp hợp các bên không đi đến thỏa thuận được tranh chấp về yêu cầu di chuyển phần mộ thì thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nhân dân nơi có bất động sản.

Dù đây là một tranh chấp phức tạp, không được quy định cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên với Nguyên tắc về  Quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Bộ luật tố tụng dân sự thì Tòa án sẽ là cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Điều 4 Bộ luật tố tụng dân sự về Quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp quy định như sau:

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân do Bộ luật này quy định có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác.

2. Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.

Vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng là vụ việc dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự nhưng tại thời điểm vụ việc dân sự đó phát sinh và cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu Tòa án giải quyết chưa có điều luật để áp dụng.

Việc giải quyết vụ việc dân sự quy định tại khoản này được thực hiện theo các nguyên tắc do Bộ luật dân sự và Bộ luật này quy định.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm