Bài 1:
Tranh chấp trong di dời mồ mả, hài cốt: Tránh làm liều kẻo dính ngay tù tội
(Dân trí) - Trước thực trạng bế tắc trong tránh chấp di dời mồ mả, hài cốt, nhiều chủ sử dụng đất đã đánh liều làm những việc vi phạm pháp luật để rồi gánh chịu những hậu quả pháp lý đáng tiếc.
Luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX (Đoàn luật sư TP Hà Nội) bày tỏ: "Do chiến tranh, nghèo khó, bất khả kháng, thay đổi của thời gian nên người chết thường được an táng sơ sài, ở nhiều vị trí khác nhau trong vườn nhà, cạnh đường, ở đồng, trong đất của người khác... Trải qua những biến động thời cuộc, thời gian kéo dài có phần mộ được người thân quy tập mộ về nghĩa trang.
Tuy nhiên có một số phần mộ không có người thân thích đến nhận thành mộ vô chủ hoặc có người thân thích nhưng không chịu di dời vì nhiều lý do khác nhau. Từ đó dẫn đến tình trạng chủ sử dụng đất không sử dụng, khai thác được bất động sản theo nhu cầu do trên đất còn tồn tại mồ mả...
Cá biệt còn có tình trạng một bên tranh chấp đất an táng phần mộ vào đất tranh chấp hoặc tạo mộ giả trong phần đất tranh chấp để chiếm giữ đất, ngăn cản quyền khai thác của chủ sử dụng đất.
Thực tế giải quyết hiện nay, khi có tranh chấp giữa thân nhân phần mộ và chủ sử dụng đất thường được giải quyết theo trình tự hòa giải tại UBND cấp xã. Tuy nhiên việc hòa giải này thường không đi đến thống nhất giữa các bên.
Hiện nay việc tranh chấp này thường được đưa ra tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất, kèm theo yêu cầu di chuyển phần mộ khỏi phần đất tranh chấp.
Tuy vậy khi có bản án, việc thi hành án liên quan đến di chuyển phần mộ thường gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại do liên quan đến vấn đề tâm linh, thường bị phản ứng gay gắt cực đoan từ thân nhân quản lý phần mộ. Bản án thường không thi hành được trên thực tế, mong muốn di chuyển mộ của người sử dụng đất chỉ được ghi nhận trên giấy.
Trước thực trạng bế tắc này, nhiều chủ sử dụng đất đã đánh liều làm những việc vi phạm pháp luật để rồi gánh chịu những hậu quả pháp lý đáng tiếc. Phần vì không nắm được quy định pháp luật, phần vì không thể chờ đợi một trình tự giải quyết dài lê thê, như không có điểm dừng nên đã tự ý bốc mộ, di chuyển hài cốt khỏi khu đất.
Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã có quy định cụ thể về tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt tại điều 319.
Theo đó việc đào mồ mả dù với bất kỳ mục đích gì mà xâm phạm trực tiếp đến xác, hài cốt, tro hài cốt của người chết, xâm phạm đến sự nguyên dạng của xác, hài cốt, tro hài cốt hoặc làm hao hụt hài cốt, tro hài cốt đã mai táng, di chuyển vị trí chôn cất xác, hài cốt, tro hài cốt... trái với ý chí của những người thân thích của người chết (trừ trường hợp phải di dời mồ mả theo quyết định của cơ quan chức năng có thẩm quyền), thì đều có thể bị xem xét xử lý hình sự.
Tội phạm này được thực hiện có thể do các động cơ, mục đích khác nhau. Do đó, việc xem xét đánh giá là có cố ý hay không thì không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội danh này. Mức án cao nhất cho người thực hiện hành vi xâm phạm mồ mả lên đến 07 năm.