Tranh cãi quanh việc hạn chế quyền ghi âm, ghi hình tại Tòa án

PV

(Dân trí) - Trong khi nhiều người ủng hộ việc công khai, minh bạch khi xét xử thì không ít ý kiến lại cho rằng cần hạn chế các hoạt động bên lề, gây ảnh hưởng, mất tập trung tới việc xét xử của Tòa án.

Khoản 3, Điều 141 dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (Sửa đổi) quy định như sau: Việc ghi âm, ghi hình ảnh HĐXX, thẩm phán, người tiến hành tố tụng khác chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp có sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa, phiên họp. Đây là một trong những nội dung mới đáng chú ý được Quốc hội đưa ra thảo luận, xin ý kiến các đại biểu.

Thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho biết do tại phiên tòa, phiên họp, nhiều thông tin, chứng cứ được công bố nhưng chưa kiểm chứng, đặc biệt là những thông tin về đời tư cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh nên cần được HĐXX xem xét, đánh giá. Do đó, quy định này sẽ giúp bảo đảm tính tôn nghiêm phiên tòa, tạo điều kiện cho HĐXX điều hành tốt phiên tòa, không bị phân tâm bởi các yếu tố khác.

Ngược lại, nhiều người lại cho rằng sự hạn chế này sẽ gây ra khó khăn, bất lợi cho hoạt động tác nghiệp của báo chí tại phiên tòa. Việc ghi âm, ghi hình nên được quy định như pháp luật hiện hành. Theo đó, nhà báo ghi âm, ghi hình HĐXX phải được chủ tọa hoặc các đương sự, người tham gia tố tụng khác đồng ý.

Tranh cãi quanh việc hạn chế quyền ghi âm, ghi hình tại Tòa án - 1

Hình ảnh phiên tòa xét xử người mẫu Ngọc Trinh (Ảnh: Hải Long).

Xét xử công khai, sao phải hạn chế ghi âm, ghi hình?

Tới nay, đề xuất trên vẫn là chủ đề được bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông. Trong đó, người dân chia thành 2 luồng quan điểm rõ ràng, đó là ủng hộ và phản đối.

Nêu quan điểm cá nhân, anh Lap Nguyen Viet bình luận: "Họp Quốc hội vẫn truyền hình trực tiếp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng phát biểu vẫn được các phóng viên ghi âm, ghi hình thoải mái và đưa lên các phương tiện truyền thống. Việc đó hiển nhiên quan trọng hơn vấn đề xét xử, luận tội ở tòa nhiều, vậy cớ gì Tòa án lại cấm?".

"Một hình ảnh, một câu nói được lưu lại có giá trị bằng ngàn trang viết của phóng viên. Đó là bằng chứng chi tiết, không có nó phóng viên và bài báo có thể bị kiện tụng. Hình và tiếng làm bằng chứng và cũng đảm bảo cho tự do báo chí rộng rãi", độc giả Quang Anh tiếp lời.

"Rất ủng hộ việc cho nhà báo ghi âm, ghi hình. Đây vừa là căn cứ bảo vệ cho nhà báo, vừa là để Hội đồng xét xử làm việc công tâm, khách quan, để ý từng lời nói của mình cho chuẩn chỉ. Đây cũng là mong muốn của giới luật sư chúng tôi", người dùng có nickname Bạn Đồng Hành Luật chia sẻ dưới góc nhìn của một người cũng hoạt động trong lĩnh vực pháp lý.

Với độc giả Son Quang, anh cho rằng nguyên tắc xét xử của Tòa án là xét xử công khai, trừ một số vụ án đặc biệt, nhạy cảm hoặc có tính chất phức tạp. Do đó, không có lý do gì để phải hạn chế ghi âm, ghi hình. "Đây là sự theo dõi, giám sát hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng. Không cớ gì lại hạn chế quyền tác nghiệp của báo chí, có chăng chỉ nên quy định việc đi lại, tác nghiệp của phóng viên làm sao để đảm bảo sự tôn nghiêm của phiên tòa", độc giả này bình luận.

"Đã gọi là xét xử công khai, nếu cảm thấy sợ bị ảnh hưởng thì nên quy định luôn về việc xét xử kín ngay từ đầu. Nhà báo là chiến sĩ trên mặt trận truyền thông, quy định như vậy khác gì bảo họ ra trận mà không có vũ khí, tay không bắt giặc?", độc giả Du Nguyen đặt ra phép so sánh thú vị.

"Khi mà tất cả các lĩnh vực cần phải công khai, minh bạch thì một số ngành nghề, lĩnh vực cần có sự công bằng, liên quan tới quyền lợi của công dân, quyền tự do báo chí thì cơ quan thi hành lại muốn hạn chế là sao?", người dùng Phan Trọng đặt câu hỏi.

Tương tự, đề xuất trên cũng nhận về hàng loạt câu hỏi, nghi vấn của độc giả. Trong đó, phần lớn họ đặt câu hỏi về việc tại sao cán bộ lại sợ ghi âm, ghi hình trong quá trình công tác: "Công chức cán bộ làm đúng sao cứ phải sợ ghi âm ghi hình?", "Nếu Tòa làm đúng, tại sao phải sợ ghi âm?".

Trong khi đó, anh Quách Lực không lựa chọn bày tỏ quan điểm "yêu - ghét" đối với đề xuất trên, Thay vào đó, người này kể lại một câu chuyện gợi ra nhiều liên tưởng: "Tôi nghe rất nhiều các cụ quê tôi kể lại rằng năm 1952, tòa án binh mở phiên tòa xét xử lưu động để xét xử 3 đối tượng là gián điệp cho thực dân Pháp. Phiên tòa mở công khai, nhân dân đến dự theo dõi phiên tòa rất đông.

Khi tuyên án tử hình xong, chủ tọa phiên tòa còn hỏi quần chúng nhân dân: "Bà con nhân dân có nhất trí với bản án tử hình không ạ?" và nhân dân trả lời: "Có ạ". Như vậy, trước đây thời chống Pháp, xét xử vụ án an ninh quốc gia nhưng vẫn mở công khai cho mọi người đến tham dự, tuy nhiên khi ấy chỉ có loa dùng cho hội đồng xét xử, không có ghi âm ghi hình vì điều kiện không có. Một vụ án có thật, nhưng rất tiếc các thế hệ hậu sinh không biết sự kiện này nên bị lãng quên".

"Hạn chế tác nghiệp phiên tòa là có lý do"

Trong khi nhiều người phản đối đề xuất này thì ở chiều ngược lại, không ít người bày tỏ sự ủng hộ với quan điểm cho rằng quy định này sẽ đảm bảo sự tôn nghiêm, trật tự tại phiên tòa.

"Xin hỏi khi Tòa án đang xét hỏi bị can, bị cáo, những người liên quan mà ống kính chĩa vào, rồi tiếng màn trập, flash chớp liên tục thì họ có thể tập trung làm việc, khai báo như thế nào?", chủ tài khoản BomBop Minh đặt câu hỏi.

Tương tự, người dùng Hai Nguyen nêu ý kiến: "Đúng là Quốc hội có họp công khai, nhưng đừng nên so sánh như vậy, vì không phải mọi thứ đều nên áp dụng tương tự. Tòa án nên hạn chế các hoạt động gây mất tập trung, gây mất bình tĩnh cho người bị truy tố cũng như ảnh hưởng tới hình ảnh, danh dự, nhân phẩm của họ. Dù sao, khi chưa bị kết tội bởi bản án có hiệu lực của Tòa án, họ vẫn là công dân và được hưởng đầy đủ các quyền lợi theo quy định của pháp luật".

"Nhiều phiên xử, Tòa án công khai phát thanh và truyền hình ra phòng khác để phóng viên theo dõi, như vậy là công khai rồi. Ngay cả một nền tư pháp lớn như tại Mỹ, họ cũng hạn chế hoặc cấm chụp ảnh, ghi hình mà chỉ có vẽ, ký họa lại phiên tòa thôi. Đề nghị của Tòa án là có cơ sở. Nhiều nước có nền tư pháp lâu đời chỉ cho vẽ phác họa trên phiên tòa rồi đăng báo là có lý do hết", anh Pham Thuan nêu quan điểm ủng hộ.

Hoàng Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm