Diễn đàn văn hóa:
Tranh cãi lớn quanh tiểu thuyết “Vết sẹo và cái đầu hói”
(Dân trí) - Cuốn tiểu thuyết “Vết sẹo và cái đầu hói” của nhà thơ Võ Văn Trực đã gây xôn xao trong đời sống văn học. Người khen thì cho rằng đó là “thành công lớn” của nhà văn. Người chê thì cho rằng tác giả đã hạ thấp không chỉ cá nhân tác giả, mà còn hạ thấp cả giá trị đích thực của văn chương.
Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin trích đăng ý kiến của một số nhà văn, nhà thơ, hoạ sĩ quanh cuốn tiểu thuyết đặc biệt này:
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: “Quách Quyền Lực có mặt ở khắp mọi nơi”
Không phải ngẫu nhiên mà độc giả cả nước săn lùng cuốn tiểu thuyết “Vết sẹo và cái đầu hói” của Võ Văn Trực. Vì đấy là một cuốn tiểu thuyết viết vô cùng sinh động về một loại nhân vật mới - Quách Quyền Lực - một quan tham trong giới trí thức văn nghệ với hàng loạt mưu mô thâm hiểm để nắm giữ nhiều chức vụ, thâu tóm quyền lực, lộng hành cả một cơ quan lớn của nền “văn hiến - học thuật” nước nhà nhằm phục vụ những mưu đồ cá nhân. Người thủ trưởng cơ quan văn hiến có tên là Quách Quyền Lực đã biến cơ quan thành một bãi chiến trường, nghi kỵ nhau, hằn học nhau, và tiêu diệt lẫn nhau mà họ không hề biết âm mưu tàn nhẫn của thủ trưởng là “chia để trị”.
Còn riêng thủ trưởng thì bao giờ cũng mang cái mặt nạ đạo đức giả, trong khi bộ mặt thật của y lại hoàn toàn khác, đó là tính đa nghi đến kỳ quái, tính đố kỵ đến độc ác, tính tham tiền, tham quyền đến điên cuồng. Đấy là típ người chỉ sống vì mình, sẵn sàng hy sinh cả người thân yêu trong gia đình, đẩy bạn bè thân thiết nhất tới vực thẳm để tiến thân. Một loại quan tham luôn cầu thiện và luôn làm điều ác như Quách Quyền Lực hầu như chỉ có trong thời buổi của cơ chế quan liêu đồng lõa đã từng sinh ra những quan tham có thực ở đời. Quách Quyền Lực là hiện thân của loại quan tham mới từ ngoài đời bước vào văn học, và từ văn học rọi chiếu vào cuộc đời. Chính vì thế mà nó trở thành nhân vật điển hình của ngày hôm nay, lôi cuốn sự quan tâm của bàn dân thiên hạ.
|
Khái niệm “văn học ám chỉ” hiện nay rất mù mờ, và nhiều khi nhầm lẫn với văn học phê phán. Lỗ Tấn phê phán xã hội Trung Quốc bằng nhân vật AQ của ông, và ông đã phải chịu một áp lực không nhỏ của xã hội đương thời, vì ai cũng tưởng AQ là mình, và Lỗ Tấn ám chỉ mình. Nhưng rốt cuộc AQ đã làm vinh danh Lỗ Tấn, vì AQ đã mang tính điển hình khái quát lớn. Tôi nghĩ Quách Quyền Lực cũng là một loại nhân vật điển hình trong xã hội ta hiện nay, và chính Quách Quyền Lực chứ không phải ai khác, sẽ làm vinh danh cho Võ Văn Trực, tác giả cuốn tiểu thuyết này.
|
Tôi đã được người ta tặng rồi, đã cầm trong tay cuốn tiểu thuyết “Vết sẹo và cái đầu hói” rất lâu rồi nhưng tôi không đọc bởi một tác phẩm gây hứng thú cho người đọc trước tiên phải là đích văn học. Tôi lại bị nghe quá nhiều chuyện bên lề của nó. Khi tôi hỏi người kể chuyện bên lề là “Truyện hay không?” Người ta bảo: “Không hay, tính văn chương rất ít”. Có một lý do nữa khiến tôi không muốn đọc “Vết sẹo và cái đầu hói” là vì tôi rất ghét văn chương ám chỉ.
Văn chương mà ám chỉ người này, ám chỉ người khác làm cho tôi đau đầu, bực mình. Chính tôi đã nói với mọi người là nếu văn chương “chửi nhau”, ám chỉ, tôi mà xông vào cuộc này thì tôi viết giỏi giang hơn thiên hạ nhiều. Tôi đã từng có chuyện viết về vấn đề ấy và được “tung hô” hẳn hoi nhưng tôi tự bảo mình không tiếp tục dòng ấy nữa mà phải đi vào dòng văn chương đích thực.
|
Bản thảo cuốn tiểu thuyết “Vết sẹo và cái đầu hói” đến tay tôi từ năm ngoái, nhưng thú thực đến nay tôi đọc chưa hết, phần vì bận, phần chưa cảm thấy thú vị lắm. Bộ phận vi tính của Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây chúng tôi đã giúp tác giả chế bản cuốn sách này.
Hiện nay tôi nghe trong giới văn nghệ sĩ bàn tán nhiều về cuốn tiểu thuyết này, dư luận nói đây là cuốn sách ám chỉ, nêu ra vấn đề này, vấn đề nọ, và một số tờ báo có phỏng vấn tôi cũng chỉ xoay quanh chuyện đó. Nếu tác phẩm gây được dư luận, thì đó chính là thành công của tác giả. Về vấn đề ám chỉ, theo tôi, bản chất của văn học là “ám chỉ” (hiểu theo nghĩa rộng của từ này), có văn học là có ám chỉ. Người ta dùng (một) cái này để nói (những) cái khác - dùng hình tượng văn học để phản ánh các hiện tượng của cuộc sống - thì đấy là chức năng của văn học, không có gì lạ.
Nhà văn xây dựng hình tượng nhân vật trong tiểu thuyết để phản ánh những hiện tượng ngoài đời, dù đó là cái tốt hay cái xấu, miễn là phải hay (văn chương) và có cái “tâm” (lập trường), như người ta thường nói, nghĩa là phải có trách nhiệm với người đọc, để người đọc có thể qua đó nhận biết, phê phán, tránh đi hoặc đấu tranh loại bỏ (nếu có thể) cái xấu, làm theo cái tốt. Nếu trong “Vết sẹo và cái đầu hói” có một số người có thật trong cuộc sống được nhà văn lấy làm nguyên mẫu để xây dựng nên hình tượng tiểu thuyết, đấy là chuyện bình thường. Cái chính, cái cần bàn đến nhiều hơn, là hình tượng đó có hay, có điển hình giữa đời hay không, chứ không phải là nó ám chỉ ai. Nguyên mẫu sẽ chết, sẽ bị lãng quên, nhưng nếu là hình tượng văn chương đích thực thì sẽ sống lâu lắm!
Nhưng hiện nay có một điều có thể là bình thường đối với số đông người bình thường nhưng theo tôi thật sự không bình thường đối với giới văn chương nghệ thuật, là sự tò mò thái quá đến những chuyện vụn vặt, riêng tư, mà ít xét đến chất lượng tác phẩm. Cũng có thể vì lâu nay người ta có thói quen quan tâm quá nhiều đến những chuyện ngoài văn học chăng? Điều này thấy rõ cả ở những người viết phê bình văn học lẫn dư luận báo chí.
Nên theo cảm nhận của tôi, cuốn tiểu thuyết này mới gây xôn xao trong giới hẹp, chứ chưa tạo được dư luận của đông đảo bạn đọc bình thường. Người đọc trông chờ ở những bài viết phân tích nghệ thuật của tác phẩm có sức thuyết phục.
Tôi với Võ Văn Trực là người cùng quê Diễn Châu, nhà anh cách nhà tôi một xã. Những bài thơ đầu tiên tôi viết, anh là người biên tập. Về tình cảm hai anh em quý mến nhau nhưng riêng cuốn “Vết sẹo và cái đầu hói” của anh tôi không thích.
Tôi được biết cuốn sách viết theo lối ám chỉ cá nhân mà tôi lại không thích điều đó vì văn học ám chỉ, chỉ làm văn học thêm nghèo nàn. Một tác phẩm văn học, quan trọng nhất là đằng sau dòng chữ chứa đựng tư tưởng gì chứ không phải để ám chỉ một cá nhân nào đó. Nếu ám chỉ người khác chỉ làm tầm thường văn học cũng như làm tầm thường chính bản thân nhà văn. Nhân vật của anh có thể lấy từ một nguyên mẫu nào đó nhưng từ nguyên mẫu ấy, anh phải giải toả mối lo ngại của cộng đồng, thế thái nhân tình chứ không phải để giải toả nỗi ấm ức của cá nhân tác giả. Dù không nói ra nhưng giới văn nghệ sĩ đều ngầm hiểu với nhau ai là người bị ám chỉ, người đó giữ chức vụ gì.
Theo tôi, cái ứng xử với nhau trong giới văn nghệ sĩ của chúng ta như thế thật không phải, thật đáng buồn. Có điều gì ấm ức thì cứ nhìn thẳng mặt nhau mà nói chứ như thế này chỉ thiệt thòi cho... độc giả. Hơn nữa cái nhìn của độc giả đối với nhà văn có thể vì thế mà nhem nhuốc đi.
|
Tôi và người bạn đồng nghiệp lâu năm - nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn, đọc “Vết sẹo và cái đầu hói” tương đối sớm. Chúng tôi trao đổi với nhau và cho rằng cuốn tiểu thuyết này là một thành công của Võ Văn Trực. Anh Trực là người viết rất mộc, một giọng văn quê mùa, chân chất. Anh vốn là cây bút cần cù ghi chép hầu như mọi sự từ đời sống cụ thể xung quanh.
Cuốn “Vết sẹo và cái đầu hói” lại như một phần thưởng nữa cho sự chăm chú quan sát đời sống. Có những ai đó bảo cuốn này thuộc thứ văn chương ám chỉ cá nhân, văn chương nói xấu nhau... Nhưng nên nhớ rằng ám chỉ cá nhân và nói xấu thuần tuý thì không thể khiến ai chú ý. Còn việc sử dụng những quan sát về người và việc có thực để dựng thành truyện thì lại chính là quy luật sáng tạo nghệ thuật xưa nay.
Trong cuốn này, Võ Văn Trực căng hết tri giác ra để dõi theo một nhân cách rất lạ đã lọt vào tầm nhìn của anh. Con người ấy là gì? Vì sao tham vọng quyền lực của anh ta lại đến độ quái gở như vậy? Vì sao các đặc tính nhân cách trái ngược nhau lại đồng thời tồn tại trong con người anh ta? Anh ta tỉnh táo hay điên rồ, mê tín hay duy lý, thủ đoạn hay chân tình, trung thành hay phản trắc, anh ta là thủ trưởng giỏi hay tồi? là người cha tốt hay bất nhẫn? Trên một loạt “thước đo” thông thường, tác giả thấy bối rối. Tác giả tỏ ra vụng về cả trong cách đặt tên truyện lẫn trong cách dựng đoạn kết. Bởi nỗ lực của anh hầu như dồn vào việc ghi lấy những hành động, ứng xử rất lạ của nhân vật. Dưới ngòi bút anh, nhân vật chính ấy tuy lạ lùng về trạng thái đa nhân cách, nhưng là nhân vật khác thường chứ không tầm thường.
Có lẽ ngay sau khi đã đặt dấu chấm hết cho cuốn tiểu thuyết này, Võ Văn Trực vẫn chưa hiểu nhân vật chính của tiểu thuyết này thuộc loại hình gì? Tôi thì cho rằng cuốn tiểu thuyết này miêu tả một trong những “đầu lĩnh văn hoá”, một thứ ông trùm trong các lĩnh vực văn hoá thuộc cơ chế bao cấp cũ. Nhân vật này được Võ Văn Trực nhấn mạnh ở khía cạnh khát khao quyền lực đến bệnh hoạn, lo sợ bị đoạt mất quyền lực mặc dù không ai trong cơ quan có thể chiếm đoạt nó; đó là anh ghi được cảm giác đang và sẽ bị mất đặc quyền đặc lợi của loại người này trước xu thế đổi mới ngày nay...
Hoạ sĩ Hồng Linh: “Tôi thật sự thất vọng!”
Tôi đã đọc cuốn sách “Vết sẹo và cái đầu hói” một cách đầy hiếu kỳ. Đọc xong tôi thật sự thất vọng, đặc biệt là nghe nói tác phẩm này là để ám chỉ một ai đó. Văn học đành rằng có thể cần những nguyên mẫu có thật ngoài đời nhưng qua nguyên mẫu đó nhà văn phải hướng tới một triết lý nhân sinh, một giá trị thẩm mỹ... Nếu chỉ đơn thuần là giải toả nỗi ấm ức cá nhân thì vừa hạ thấp giá trị văn chương vừa tạo sự nhìn nhận không đúng về cả tác phẩm lẫn tác giả. Đó là chưa kể, nghe nói tác giả đã ám chỉ một đồng nghiệp, bạn bè cũ...
Suy cho cùng văn chương dù nói về cái xấu, cái ác thì cũng phải có giá trị thẩm mỹ, hay nói một cách giản dị là phải đẹp. Thế nhưng ở tác phẩm này hoàn toàn không thấy điều đó. Đây là sự thất vọng lớn nhất với những độc giả như tôi.
Nguyễn Hằng
(Thực hiện)