Tranh cãi CV tràn ngập hoạt động không bằng người đi làm ở quán trà sữa
(Dân trí) - "Ứng viên tham gia nhiều hoạt động câu lạc bộ, thi cử bị đánh giá thấp nhất vì thiếu mất sự va chạm xã hội".
Mới đây, trong một chương trình truyền hình, bà Nguyễn Thái Hà - CEO John Hunt (công ty chuyên về tuyển dụng nhân sự), đồng thời là chủ nhân một kênh TikTok chuyên về tuyển dụng nhân sự hiệu suất cao và phát triển nghề tuyển dụng với hơn 4 triệu lượt thích đã có quan điểm gây nhiều tranh cãi.
Cụ thể, trong khi đang phỏng vấn một ứng viên tại vòng thẩm định của một chương trình truyền hình, vị này đã thẳng thắn chia sẻ những CV (Hồ sơ ứng viên) ngập tràn hoạt động CLB và đầy những thành tích thi cử, thành tích học thuật bị người này đánh giá thấp nhất. Thậm chí, còn thấp hơn cả các bạn đi làm thêm ở các quán trà sữa hay bán quần áo vì nó thiếu đi mất sự va chạm với xã hội.
Quan điểm được cho là "sự thật" này đã khiến cộng đồng tìm kiếm việc làm xôn xao trong những ngày qua. Nhiều người cho rằng, vị này đang phủ nhận hết những lợi ích của các hoạt động trong các CLB.
Theo tài khoản Hà Hay Ho: "Theo mình không nên phủ nhận toàn bộ lợi ích về việc tham gia CLB như thế. Cái chính vẫn là ở tư duy mỗi người, nếu tham gia CLB chỉ chơi thôi thì không nói làm gì, nếu tham gia thực chiến thì nó cũng giúp mình có thêm nhiều kĩ năng".
Tài khoản Phương Phương: "Khi mới ra trường, chưa có kinh nghiệm mà đi xin việc ở đâu cũng đòi hỏi kinh nghiệm, nếu không nhìn vào các cuộc thi, hoạt động các CLB thì đánh giá như thế nào cho đúng".
Tài khoản mu_is99: "Theo mình tùy chất lượng các CLB, không thể đánh đồng tất cả. Ví như CLB ở trường mình, mình làm các chương trình, viết email, lên kế hoạch, manage team (quản trị nhóm), làm với đối tác về sponsor (tài trợ). Đó đều là những kĩ năng cần thiết khi đi làm, nhờ vậy CV của mình khi ra ngoài luôn được nhận".
"Tùy thuộc vào ngành mình ứng tuyển, nếu những người có nhiều thành tích, tham gia nhiều CLB trong trường sẽ là ứng viên mạnh cho những ngành bên công tác xã hội. Sau đó sẽ đến kinh nghiệm và công việc", tài khoản Mini Kids chia sẻ.
Theo tài khoản Luonvuituoi: "Theo mình thì quan điểm này chỉ đúng một phần. Thực tế ở trường mình cho thấy, rất nhiều các anh, chị hoạt động trong các CLB của trường đều khá thành đạt. Hoạt động cũng phải lên kế hoạch, xin tài trợ chứ sao lại nói là thiếu va chạm được. Có lẽ, điều tốt nhất cho các bạn sinh viên là nên kết hợp giữa hoạt động CLB và đi làm thêm chứ không phải chỉ thiên về một mặt nào đó?".
"Quan trọng là ứng viên học được gì"
Bên cạnh những quan điểm không đồng tình, nhiều người lại cho rằng vị chuyên gia tuyển dụng này nói "thô" nhưng "thật". Theo đó, các quan điểm trái chiều cho rằng những CV tràn ngập hoạt động CLB có phần "làm màu". Xu hướng thị trường tuyển dụng, CV ứng viên phù hợp và việc ứng viên có đáp ứng được công việc là vấn đề hoàn toàn khác nhau.
Tài khoản Đang_Wojek: "Tôi chưa thấy được bất kỳ lợi ích nào từ việc tham gia CLB ở trường. Tham gia chỉ để lấy điểm rèn luyện mà thôi. Tôi đã thấy nhiều người tham gia CLB chỉ toàn ăn chơi nhảy múa".
"Chị này nói quá chuẩn, chỉ là nhiều bạn đang không nhìn vào sự thật thôi. Va chạm ngoài đời mới biết nó khắc nghiệt hơn ở môi trường học nhiều. Học là một việc, làm hài lòng và ứng dụng được vào công việc là chuyện khác", tài khoản Duy Minh.
Tài khoản N.D.Khánh: "Chị này nói thực tế luôn. Xã hội ngày càng quan trọng năng lực, ai đi làm nhiều sẽ hiểu. Tất nhiên mình vẫn loại trừ một vài cơ quan công quyền".
Đồng quan điểm trên, tài khoản Ba và Bối cho rằng: "Ở góc độ quản lý, mình đồng quan điểm, mình cũng là một HR (người làm trong ngành quản trị nhân sự), từ trước đến nay, CV tràn ngập hoạt động CLB mình đều cho rớt".
Bà Nguyễn Lan Hương, Giám đốc thương hiệu Callio, một người đã từng có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tuyển dụng chia sẻ: "Thực tế cho thấy, thị trường lao động rất cần người có năng lực, chuyên môn, kĩ năng làm việc. Những điều này đều thể hiện cụ thể trong các công việc làm thêm hoặc trong cả những hoạt động CLB ở các trường.
Thay vì chỉ đi học, nhiều bạn dành thời gian để làm cái gì đó, dù là làm cái gì thì cũng đều có những tác động khác nhau. Ví dụ đi bán trà sữa, chạy xe ôm là trải nghiệm thực tế, công việc có tính đơn giản, tuân thủ và làm theo quy trình.
Nếu các bạn tham gia dự án của các CLB trong trường thì các bạn lại được trang bị những kĩ năng khác, ví dụ như làm việc tập thể, kĩ năng lãnh đạo, quản lý, cầm nắm những chức vụ thể hiện trách nhiệm trong chất lượng sinh viên".
Theo bà Hương, để nói là công việc nào hơn thì thực ra rất khó, quan trọng là người tham gia vào các công việc đó học được cái gì, học được kĩ năng gì và khi đi làm áp dụng như thế nào. Có những người tham gia CLB chỉ làm những công việc chuyên môn, cặm cụi, chăm chỉ.
Cũng có những trường hợp đi hết CLB này đến hội nhóm khác nhưng lại không thu được kĩ năng gì. Trường hợp này, dù CV có liệt kê dài như trang A4 cũng không có tác dụng.
"Tuy nhiên, với cá nhân tôi, tùy từng trường hợp, tính chất công việc cụ thể, thì tôi vẫn có hỏi ứng viên có tham gia những hoạt động hội nhóm CLB trong trường Đại học không, và cụ thể các bạn làm cái gì, các bạn tích lũy được điều gì. Vì cuối cùng, nhà tuyển dụng vẫn là nhìn vào năng lực của ứng viên".
Có thể nói, trong nhiều trường hợp, công việc đi làm đầu tiên có thể góp phần định hình tương lai của nhiều bạn. Những công việc mà các bạn được trải qua, được học, được làm việc trong môi trường cụ thể, sếp cụ thể, đồng nghiệp cụ thể…dù là trong CLB hay là ở những cửa hàng dịch vụ làm thêm đều ảnh hưởng đến những gì các bạn trẻ thu nạp được", bà Lan Hương cho biết.