Tranh cãi chữ "xin" làm hạ thấp vị thế bản thân

Ngọc Hảo

(Dân trí) - Nhiều người cho rằng, dùng từ xin trong "đơn xin việc" là hạ thấp vị thế của người lao động.

Gần đây, tại một số diễn đàn về việc làm trên mạng xã hội có quan điểm cho rằng, dùng từ "xin" trong "Đơn xin việc" không còn phù hợp, điều này làm hạ thấp vị thế của bản thân. Quan điểm này đã tạo nên cuộc tranh luận sôi nổi giữa các thành viên diễn đàn.

Tranh cãi chữ xin làm hạ thấp vị thế bản thân - 1

Người lao động dùng từ "xin" trong đơn xin việc liệu có hạ thấp bản thân?

Theo tài khoản Dang Thuy, "Khi dùng từ "đơn xin", người viết đơn vô hình chung tự hạ thấp mình, khiến nhà tuyển dụng hiểu là mình cầu cạnh, và người xem xét đơn dễ mang ý nghĩ về quyền lực, ban phát ân huệ".

Tài khoản Nguyen Cong cho rằng: "Cần chỉnh sửa ngay các loại đơn "xin"... này, chuyển thành đơn "đề nghị" là hợp lý nhất. Xác định rõ bản chất mối quan hệ công việc là cơ sở thay đổi tâm thế và thái độ làm việc giữa người làm đơn và người tiếp nhận đơn".

"Từ "xin" trong hồ sơ tìm việc đã được đề nghị bỏ từ hơn chục năm nay, vì không còn phù hợp với cơ chế thị trường (cơ quan ngoài nhà nước), nhưng đã bỏ được đâu, phải thay đổi từ tư duy của thế hệ trẻ, thay đổi từ giáo dục. Mãi cho đến bây giờ vẫn còn những thủ tục như "đơn xin nhập học", "đơn xin xác nhận công tác" cho con học bán trú,... thì khó bỏ được từ "xin".

Hồ sơ "xin việc" mẫu bán nhan nhản ngoài tiệm photo, nhà sách, tạp hóa,... người lao động vẫn mua về điền thông tin cá nhân rồi nộp đã thành thói quen. Chưa kể các thế hệ học sinh "văn mẫu" vẫn đang học những mẫu "đơn xin" thì việc bỏ từ "xin" trong các loại đơn vẫn rất khó", một tài khoản nêu quan điểm.

Tài khoản nhatkhe cho biết, "Tôi đã dùng từ Đơn ứng tuyển từ 5 năm trở lại đây, chứ không dùng từ "xin", vì mình có xin gì của ai đâu?".

"Dùng từ "Đơn xin việc" thời đại này có lẽ không còn phù hợp. Nếu tổ chức đó đang tuyển dụng thì gửi họ "Đơn ứng tuyển", "Đơn dự tuyển". Còn nếu họ không tuyển dụng mà muốn vào làm thì gửi họ cái "Giấy đề nghị/ thư mời hợp tác", tài khoản Minh Thu chia sẻ.

Theo tài khoản Ngo Dung: " Nên bỏ chữ "xin" vì điều này góp phần tạo nên cơ chế XIN - CHO tồn tại bấy lâu nay".

Từ "xin" là phép lịch sự

Bên cạnh những quan điểm cho rằng nên xóa bỏ chữ "xin" trong những lá đơn xin việc để "cán cân" giữa người lao động và nhà tuyển dụng ở thế ngang bằng, nhiều quan điểm cho rằng, nên dừng lại việc "soi chữ" không cần thiết.

Theo tài khoản Ngoc Phu: "Dùng từ "xin" chỉ là phép lịch sự trong giao tiếp hơn là nặng ý "xin- cho". Ví dụ: "Tôi xin phép về trước" nghe lịch sự hơn là "Tôi muốn hay đề nghị được về trước". "Đơn xin việc" dễ nhìn hơn "Đơn đăng ký việc làm". Trong giao tiếp, ứng xử thì từ "xin" đơn giản chỉ thể hiện phép lịch sự để được giải quyết một điều mong muốn nào đó mà thôi".

Tài khoản Hoàng Anh cho rằng: "Từ "xin" dùng như thói quen, khi dùng chữ "xin" thì nó giản tiện và bao hàm được nhiều yếu tố. Chữ "xin" ở đây không bao hàm là ngửa tay xin một cái gì đó như là của bố thí. Chẳng qua chúng ta mổ xẻ chữ nghĩa ra thôi. Chữ "xin" này hoàn toàn không nằm trong cái gọi là "cơ chế xin - cho".

Trên báo, đài cũng có những từ mà mổ xẻ nó ra thì cũng hoàn toàn không chính xác. Ví dụ: Cầu thủ A đã ghi bàn thắng GIÚP đội nhà giành chiến thắng. Vậy tại sao lại là "giúp"? Anh hưởng phúc lợi của đội bóng thì anh phải phục vụ đội bóng đó chứ.

Cái này có thể thuộc về văn hóa. Thay vì "đơn xin nhập học" mà đổi thành "đơn yêu cầu nhập học" thì hoàn toàn không vấn đề gì. Nhưng văn hóa Á Đông đề cao sự nhún nhường. "Sông sâu, sông tĩnh lặng. Lúa chín, lúa cúi đầu", nhún mình xuống một chút để người nghe êm tai, công việc thuận lợi hơn. Có thể về lâu dài, việc áp dụng các tiêu chuẩn ngôn ngữ kinh doanh sẽ là xu hướng bắt buộc", tài khoản Tô Thức chia sẻ.

Cùng bàn về vấn đề trên, theo tài khoản Vo Khanh: "Việc viết đơn được dạy ở trường cấp 3 môn ngữ văn, và lúc đó thế hệ học trò được dạy viết "Đơn xin". Thành ra là rất nhiều thế hệ đều được dạy như vậy và làm theo.

Thật ra, nếu người viết đơn với tâm thái bình đẳng thì cuối cùng đó chỉ là câu chữ để thể hiện ý muốn của bản thân. Dù trước đó tôi đều viết "Đơn xin" nhưng tôi lại không nghĩ là đợi ai ban ơn gì, đơn giản là tôi yêu cầu và đợi đối phương duyệt yêu cầu của tôi. Nhưng dẫu sao việc thay đổi câu từ mang lại ý nghĩa tích cực nên việc này đáng để ủng hộ".