Trăn trở về đạo đức xã hội từ vụ cô giáo bị học sinh ném dép
(Dân trí) - "Thời chúng tôi đang học phổ thông thập kỷ 70-80, khi đang đi xe đạp mà gặp thầy cô phải xuống xe cúi đầu chào. Sao bây giờ xã hội càng văn minh thì đạo đức lại đi ngược lại thế?".
Sáng 29/11, trong tiết học âm nhạc của lớp 7C trường THCS Văn Phú (huyện Sơn Dương, Tuyên Quang), cô giáo P.T.H. nhắc nhở học sinh chưa chịu vào lớp thì bị phản ứng. Khi tiết học bắt đầu, giữa giáo viên và học sinh xảy ra khúc mắc do một số học sinh xin ra ngoài nhưng cô không đồng ý.
Sau giờ học, một số học sinh có hành vi thiếu chuẩn mực với cô H. như nói tục, xúc phạm, khiêu khích, ném dép, giấy rác vào giáo viên và quay video đăng lên mạng.
Tối 4/12, clip dài hơn 4 phút ghi lại sự việc được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Những hình ảnh phản cảm nhanh chóng thu hút sự quan tâm lớn của người dân. Các lực lượng chức năng huyện Sơn Dương đang phối hợp xử lý vụ việc và sẽ thông tin sau khi có kết quả giải quyết.
Hệ quả của việc quyền của trẻ em được nâng lên quá mức?
Theo dõi thông tin trên truyền thông, nhiều người không giấu được sự bức xúc trước những hành vi lệch lạc, suy đồi về đạo đức, xâm phạm nghiêm trọng tới truyền thống "Tôn sư trọng đạo" tồn tại hàng trăm năm qua. Sự việc bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó sự nuông chiều của cha mẹ, buông lỏng quản lý của nhà trường và trao cho học sinh quá nhiều "quyền lực" được chỉ ra là những lý do cốt yếu.
"Ngày trước chúng tôi hư là bị đuổi học rất dễ nhưng giờ học sinh hư khó bị đuổi học lắm. Nhiều người gọi đó là nhân văn, cho rằng đuổi học con trẻ sẽ hư hơn nhưng thực tế cho thấy không như thế. Không phải trả giá về hành vi sai trái khiến học sinh trở nên "nhờn". Học sinh hư nên bị đuổi về, gia đình khắc có hình thức kỷ luật. Nếu gia đình, nhà trường không dạy dỗ thì khi ra xã hội sẽ gặp bài học lớn hơn rất nhiều. Đừng mượn cớ bênh vực học sinh hư", độc giả Binh Thai chia sẻ.
Cùng cảm nhận, chủ tài khoản Co Nhim viết: "Bất luận sự việc bắt nguồn từ nguyên nhân nào, nhưng những hành vi trên cho thấy thực sự đạo đức học sinh ngày nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Đây là hệ quả của việc dân chủ quá trớn. Không thể chấp nhận được những hành vi vô lễ của lũ học sinh này".
"Tình trạng xảy ra vì giờ phụ huynh động tí kiện cáo nhà trường và giáo viên. Giáo viên sợ mất nghề nên không dám kháng cự. Thầy cô trước đây có quyền phạt trẻ để trẻ tốt hơn còn bây giờ các thầy cô không dám động vào con các vị vì toàn con vàng, con bạc", chủ tài khoản HANG bức xúc.
"Tôi đã nói lên việc cái quyền của con trẻ được nâng lên quá mức khiến chúng không biết sợ bất cứ ai. Bây giờ là hậu quả của việc không giáo dục đạo đức từ gia đình, xã hội, nhà trường, và trong đó pháp luật cũng phải có trách nhiệm", thêm một ý kiến tới từ chủ tài khoản onghuy do.
Còn theo anh Minh Duc Nguyen, việc xã hội tôn trọng nhân quyền và pháp luật là cần thiết, song không nên để vấn đề này xâm phạm tới những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Độc giả này bình luận: "Cần kỷ luật lãnh đạo nhà trường, tổ chức họp lớp, mời phụ huynh đến và yêu cầu cả phụ huynh cũng xin lỗi vì có con hư, để học sinh thấy được sai lầm của mình làm liên lụy đến bố mẹ mà phấn đấu tốt hơn. Xin đừng đem nhân quyền với luật định vào để làm hỏng đạo đức xã hội".
Tương tự, anh Lap Tien viết: "Đổi mới giáo dục là cần thiết nhưng đừng đem hết cái chuẩn của phương Tây áp vào Việt Nam mà xem nhẹ truyền thống, văn hóa dân tộc. Điều này dẫn đến khập khiễng, méo mó, khó thích ứng được".
"20 năm trước không bao giờ xảy ra, sao cải cách giáo dục lại để xảy ra tình trạng này?"
Những năm gần đây, những vụ việc học sinh thiếu lễ độ, vô lễ, thậm chí ngang nhiên xúc phạm thầy cô xuất hiện ngày một nhiều. Cá biệt, trường hợp học sinh sử dụng bạo lực, xâm phạm tới thân thể giáo viên như tại trường THCS Văn Phú đã manh nha xuất hiện, gây ra sự phản cảm, phẫn nộ trong xã hội. Nhiều độc giả cho rằng đây là tình trạng đáng báo động, đặc biệt khi so sánh với những gì diễn ra trên ghế nhà trường suốt hàng chục năm qua.
"Ngành giáo dục phải xem lại, cách đây 20 năm, những chuyện như vậy không bao giờ xảy ra. Vậy ngành giáo dục cải cách những gì để xảy ra thế này? Có ai đứng ra nhận trách nhiệm không", độc giả Hoan Pham Ngoc thẳng thắn đặt câu hỏi.
"Thời chúng tôi đang học phổ thông thập kỷ 70-80, khi đang đi xe đạp mà gặp thầy cô phải xuống xe cúi đầu chào. Đó là thể hiện sự kính trọng thầy cô và lễ phép của học trò. Sao bây giờ xã hội càng văn minh thì đạo đức lại đi ngược lại thế?", anh Phạm Mạnh Đằng cay đắng đặt câu hỏi.
Có cùng cảm nhận chua chát, đau xót, độc giả Mai Văn Dương viết: "Những năm qua, tình trạng bạo lực học đường lên tới mức báo động. Học sinh đánh nhau từ trong đến ngoài trường, bất kể nam hay nữ. Rồi không chỉ học sinh với nhau, học sinh giờ còn trực tiếp gây sự với cô giáo ngay chính trong lớp của mình. Thế hệ tương lai của chúng ta đây ư?.
Thời chúng tôi, chỉ cần nhìn thấy cô đã phải kính trọng và lễ phép rồi. Cứ nghĩ đến cô phạt, nào đứng lên góc bảng úp mặt vào tường; khi vẽ viết bậy ra vở là cô dùng thước kẻ vụt vào tay; nói chuyện trong giờ cô phạt trực nhật; không thuộc bài cô bắt chép bài 10 lần... cứ mỗi lần bị cô phạt là cả lớp khiếp. Nghĩ lại mỗi lần phạt học sinh chép bài thì chính bản thân cô cũng phải ở lại để nhận bài học sinh nộp cho cô, chỉ bấy nhiêu đó thôi học sinh đã sợ và tôn kính thầy cô rồi.
Còn ngày nay thì sao? Trên bục giảng thì thưa thầy cô nhưng nếu bị phạt ra ngoài đường cái chữ cô không còn mà thay vào đó là "thằng đấy" hoặc "con đấy". Động vào các con thì phụ huynh làm toáng lên, cô thầy mất việc như chơi. Thử hỏi cô thầy nào dám đụng vào?".
Cũng từng trải qua đòn roi khi đi học, anh Phạm Thắng cảm thấy biết ơn vì chính cách giáo dục bị cho là "bạo lực" này đã giúp mình nhận thức được lẽ phải và biết đúng sai khi ra ngoài xã hội.
"Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như phim ảnh bạo lực, idol giang hồ mạng, clip băng nhóm trả thù, rồi phụ huynh xem con là vàng, hễ động đến là mắng chửi, hành hung thầy cô, rồi ai dám làm thầy làm cô nữa? Ngày xưa đi học, thầy cô đánh vài cây cũng chẳng sao, nhưng giờ lớn lên mới biết ơn vì nhờ đòn roi mà biết đúng biết sai, biết phân biệt phải trái. Dạy con cái kiểu cưng như trứng thì đem bỏ vào tủ kính mà trưng bày chứ đừng để cho nó ra xã hội làm bố thiên hạ, không xem ai ra gì như thế", độc giả này thẳng thắn chia sẻ.
Bình luận với sự ngỡ ngàng, anh Nguyễn Văn Toàn viết: "Trời ơi! Lớp 7 mà đã dám đánh hội đồng ngay trong lớp với cô giáo dạy chúng. Tương lai lũ trẻ này có lẽ sẽ thành những kẻ cướp hung hãn và đánh bố mẹ, ông bà chúng thôi".
Tiếp lời, anh Quốc Vương Phạm bình luận: "Lớn lên chút nữa có bản lĩnh sẽ là tai họa cho xã hội. Người tụi trẻ bạo hành kế tiếp không ai khác là cha mẹ của bọn trẻ".
"Uất nghẹn, đã là giọt nước tràn ly. Không thể không có chế tài, bất công quá", người dùng Huy Lin Nguyễn thốt lên.
Gốc rễ vấn đề do đâu?
Từ sự việc nhức nhối, phản cảm nêu trên, việc áp dụng các biện pháp kỷ luật đối với học sinh được đánh giá chỉ là phần ngọn, là biện pháp tình thế, mang tính giải quyết tạm thời. Nhiều người cho rằng phải nhìn thẳng vào bản chất của vấn đề để giải quyết tận gốc tình trạng như trên, trả lại sự lễ nghĩa và phép tắc cho môi trường giáo dục.
"Khoan phán xét đúng sai mà cần phải lắng nghe, quan sát và phân tích nguyên nhân. Điều dễ nhìn ra nhất là hậu quả của việc gia đình buông lỏng phần dạy dỗ con cái, nhà trường và xã hội thì nghiêng về thành tích, điểm số. Thời gian học trên trường, các lớp học thêm quá nhiều nhưng vào đầu các con được bao nhiêu kiến thức? Giá trị đạo đức ngấm vào tâm hồn các con như thế nào? Rồi bố mẹ quan tâm bằng cách mua cho con điện thoại đời cao, đi xe đạp điện khi chưa đủ 18 tuổi, cho tiền tiêu vặt... Rõ ràng ai cũng nhìn ra nguyên nhân rồi nhưng sửa đổi, cải tiến mạnh mẽ thì có mấy ai dám làm", độc giả Luong Tran Thi bình luận.
"Tiên trách kỷ hậu trách nhân, tôi thấy thầy cô giáo bây giờ chỉ lo dạy thêm và học thêm để kiếm thêm thu nhập mà có rất ít giờ đạo đức, kỹ năng sống. Nhiều thầy cô dạy các cháu học thêm mờ cả mắt, về ăn bữa cơm trưa xong lại phải vội vàng cắp cặp đi ngay", anh Trung Pham chỉ ra vấn đề.
Tương tự, độc giả Giang Nguyen viết: "Áp lực công việc và cuộc sống của giáo viên chưa được quan tâm đúng mức, đồng lương bèo bọt mà đòi hỏi thì luôn tăng cao trong khi cái gốc rễ của vấn đề là đạo đức, kỹ năng sống, kỹ năng làm người thì không được quan tâm và lượng hóa. Tôi không nói kiến thức không quan trọng, nhưng kiến thức sẽ được bù đắp rất nhanh nhưng ý thức đạo đức thì không thể dễ dàng như vậy được. Nó cần sự công phu và tâm huyết, sự kết hợp của nhiều kênh xã hội. Tôi thật sự vẫn cảm thấy rùng mình về clip".
"Hiện nay, nhiều hành vi của học sinh thiếu lễ độ với cô thầy cần tìm nguyên nhân và biện pháp khắc phục. Thời đại mới nên tuổi đời giáo viên còn quá trẻ. Mâu thuẫn giữa giáo viên và học sinh thường nảy sinh từ cách ứng xử chứ không từ kiến thức. Cải thiện cách ứng xử sẽ giúp khắc phục sai trái hiện nay", người dùng Trai Nguyen nêu vấn đề.
Hoàng Diệu