Trạm BOT An Dân (Phú Yên): “Chây ỳ” trong chi trả bồi thường!

(Dân trí) - Đưa vào vận hành thu phí gần 2 năm, nhưng đến nay Trạm BOT An Dân vẫn chưa chi trả đầy đủ các khoản bồi thường cho người dân và các đơn vị thi công giải phóng mặt bằng.

Trạm BOT An Dân (trước đây Trạm BOT Bàn Thạch) đặt tại km 1350+150 QL1A ở thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân Đông, huyện Đông Hòa (Phú Yên). Đây là một trong hai trạm thu phí đường bộ do Công ty cổ phần Đầu tư (CPĐT) Đèo Cả vận hành để hoàn vốn cho dự án hầm đường bộ Đèo Cả nối liền hai tỉnh Phú Yên – Khánh Hòa. 

Đến ngày 14/12/2016, Trạm BOT Bàn Thạch di dời về km 1298+150 QL1A ở thôn Bình Chính, xã An Dân, huyện Tuy An để đảm bảo khoảng cách tối thiểu 70km giữa các trạm BOT. Đầu năm 2018, Trạm BOT Bàn Thạch đổi tên thành Trạm BOT An Dân.

Trạm BOT An Dân (Phú Yên): “Chây ỳ” trong chi trả bồi thường! - Ảnh 1.

Trạm thu phí An Dân (xã An Dân, huyện Tuy An, Phú Yên)

Để có đất xây dựng trạm BOT này, ngày 21/4/2016 UBND huyện Tuy An đã có Quyết định 463 phê duyệt phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; Quyết định 1286 ngày 12/9/2016 về phê duyệt quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thành công trình di dời đường dây điện (22kV-0,4kV) và dây thông tin viễn thông nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng công trình. UBND huyện Tuy An cũng đã phê duyệt thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm để thực hiện công trình với tổng diện tích đất thu hồi 19.882m2

Trong đó, phần kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư gần 1,4 tỷ đồng và kinh phí di dời đường dây tải điện, viễn thông hơn 1,2 tỷ đồng. Thế nhưng từ ngày đưa vào vận hành đến nay, các khoản chi phí bồi thường, hỗ trợ tại công trình này vẫn chưa được chi trả.

Trả lời vấn đề này ông Nguyễn Xuân Khiêm, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất (PTQĐ) huyện Tuy An cho biết, cách đây hơn hai năm, ngày 20/6/2016, Trung tâm đã có văn bản đề nghị chủ đầu tư - Công ty CPĐT Đèo Cả, bố trí kinh phí bồi thường, hỗ trợ khi xây dựng Trạm BOT An Dân, nhưng doanh nghiệp này chỉ dẫn liên hệ Ban QLDA 85 (Bộ GTVT).

Tại văn bản ngày 26/12/2016, Ban QLDA 85 cho rằng diện tích đất thu hồi cho nhà điều hành Trạm BOT An Dân lên tới 4.794m² là vượt mức cho phép 4.194m² so với quy định của Bộ GTVT (không vượt quá 600m²) nên đề nghị UBND huyện Tuy An tách riêng kinh phí bồi thường, hỗ trợ...

Trong khi đó theo biên bản giao mốc thực địa cho Công ty CPĐT Đèo Cả và hồ sơ đo đạc chỉnh lý địa chính được Sở TN-MT Phú Yên xác nhận, tổng diện tích đất Trạm BOT An Dân sử dụng 19.882m², được UBND huyện Tuy An quyết định phê duyệt kế hoạch thu hồi đất từ ngày 12/9/2016 và đã lập phương án bồi thường, hỗ trợ.

Hơn một năm sau, ngày 7/12/2017, Trung tâm PTQĐ huyện Tuy An tiếp tục đề nghị bố trí kinh phí bồi thường, hỗ trợ.

Tiếp đó trong văn bản ngày 14/12/2017, Ban QLDA 85 trả lời: “Tiểu dự án giải phóng mặt bằng hầm Đèo Cả (mã dự án 7369009) do Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đông Hòa làm chủ đầu tư và trong năm 2017 đã được bố trí 5,994 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ năm 2016 và kéo dài sang năm 2017. Ban quản lý đề nghị Trung tâm PTQĐ huyện Tuy An làm việc với UBND tỉnh và Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đông Hòa và Kho bạc Nhà nước Phú Yên để giải ngân cho phần khối lượng công trình bồi thường, giải phóng mặt bằng công trình Trạm thu phí An Dân”.

Trả lời vấn đề này, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Chí Hiến đã ký văn bản 1811 ngày 11/4/2018 khẳng định: “Theo báo cáo 47 của Tổ công tác 1036, dự toán kinh phí UBND huyện Đông Hòa thực hiện Tiểu dự án giải phóng mặt bằng hầm Đèo Cả lớn hơn kinh phí còn lại chưa giải ngân (dự toán sẽ thực hiện 5,65 tỉ đồng, chưa giải ngân hơn 4,74 tỉ đồng) nên không còn nguồn vốn để chuyển cho UBND huyện Tuy An như đề nghị của Ban quản lý dự án 85. Trạm thu phí An Dân đã đưa vào hoạt động từ ngày 14/12/2016, do vậy UBND tỉnh đề nghị Ban quản lý dự án 85 bố trí 2,6 tỉ đồng để UBND huyện Tuy An chi trả theo phương án đã phê duyệt”.

Thế nhưng, từ đó đến nay, Ban quản lý dự án 85 vẫn chưa trả lời kiến nghị của UBND tỉnh Phú Yên về tồn đọng nguồn kinh phí nói trên.

Trung Thi