TPHCM thu phí vỉa hè, lề đường: Lấn chiếm vỉa hè được hợp thức hóa?

Bảo Khang

(Dân trí) - Nhiều độc giả cho rằng vỉa hè là của người đi bộ, cho thuê hay kinh doanh là đang làm sai lệch mục đích sử dụng.

Sau nhiều chiến dịch "đòi lại" vỉa hè không mấy thành công, mới đây TPHCM đưa ra đề án thu phí vỉa hè và điều này khiến cộng đồng tranh cãi nảy lửa.

Hiện vỉa hè đang "cõng" trên vai "miếng cơm" của hàng triệu lao động, đồng thời tạo ra nét văn hóa vùng miền. Với đề án thu phí tạm thời vỉa hè, lòng đường để kinh doanh cao nhất là 100.000 đồng/m2/tháng, thấp nhất là 20.000 đồng/m2/tháng, nhiều độc giả cho rằng, đây là việc nên làm từ lâu. Cơ sở của những ý kiến này là nhiều chiến dịch trả lại đường thông hè thoáng của các đô thị lớn gần như thất bại.

TPHCM thu phí vỉa hè, lề đường: Lấn chiếm vỉa hè được hợp thức hóa? - 1

Hầu hết vỉa hè tại các thành phố lớn trở thành sở hữu riêng của những người kinh doanh.

Thực tế cho thấy, việc thu phí sử dụng vỉa hè, lề đường một cách bài bản sẽ tạo nguồn kinh phí cho việc bảo trì, vệ sinh, cải tạo lại một số hạng mục hạ tầng thành phố, đồng thời góp phần chỉnh trang đường phố.

Độc giả Sarah Huynh: "Hoan nghênh quyết định này của thành phố, đáng ra là phải thực hiện từ lâu rồi. Chúng ta đã không thể dẹp bỏ việc lấn chiếm lòng lề đường nhưng thu phí là việc tất yếu. Hầu hết những người đang sử dụng lòng lề đường đã mặc định lòng đường lề đường là sở hữu riêng của họ và đó là một nghịch lý. Rất ủng hộ UBND TPHCM về việc này".

"Nên có các phương án thu phí vỉa hè để tăng thù lao của nhân viên vệ sinh công cộng và tái đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Sẽ rất khó nhưng nếu có các phương án hợp lí và hợp tác thiện chí cùng nhân dân thì đó sẽ là phương án cực kì tốt", độc giả Nhật Đào Long bình luận.

Đồng tình với quan điểm trên, độc giả Tien Duong cho rằng: "Theo mình thu phí là hợp lý, để tiểu thương được buôn bán đàng hoàng, không phải chạy khi mấy anh quản lý đô thị đến. Tuy nhiên cũng phải xét đến hoàn cảnh khó khăn của từng người thuê khác nhau để thu phí cho hợp lý".

"Khi bán hàng rong đã được nâng tầm, nâng cấp lên hạng mục văn hóa cho ẩm thực thì việc thu một ít phí chỉ là sự làm sang chảnh cho một công việc, tạm gọi là "nghề" mà ngay báo chí nước ngoài còn phải ngợi ca và khen tặng. Thu phí là hợp tình và hợp lý... dẫu có vơi ít nhiều trong thu nhập. Đồng cảm và chia sẻ dù muốn hay không", độc giả Tu Truong nêu quan điểm.

Bên cạnh những quan điểm đồng tình, nhiều quan điểm trái chiều cũng được đưa ra. Việc thu phí vỉa hè lề đường như trên vô tình cướp mất vỉa hè của người đi bộ, thậm chí trái với luật Giao thông đường bộ, hợp thức hóa việc lấn chiếm vỉa hè.

Độc giả Truong Le: "Một tiền lệ rất xấu sẽ được tạo ra khi hợp thức hóa việc sử dụng lòng đường, vỉa hè cho các mục đích không phải là giao thông. Chưa cho đỗ xe đã kẹt đường, giờ đỗ xe dưới lòng đường ai dám đảm bảo không kẹt xe. Hai nữa, việc sử dụng các nguồn thu này như thế nào để đảm bảo công khai, minh bạch".

"Nếu thực hiện thu phí cho sử dụng vỉa hè lòng đường để kinh doanh dịch vụ thì đã vi phạm Luật Giao thông do Quốc hội thông qua. Nó sẽ vi phạm tới mức người dân không có vỉa hè để đi bộ phải đi xuống lòng đường, chẳng may bị tai nạn thì lúc đó không ai bị xử lý gì cả. Vậy làm trái luật, vi phạm luật có xử không?, độc giả vankhoai trinh thắc mắc.

Theo độc giả Phạm Mỹ: "Vỉa hè là của công dành cho người đi bộ, bất cứ danh nghĩa nào chiếm đoạt đều vi phạm pháp luật. Lấy vỉa hè cho thuê vô tình tạo ra xung đột giữa người đi bộ và hàng rong".