Tông chết người khi đang bị giữ bằng lái, tài xế đối diện mức phạt ra sao?

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Theo luật sư, hành vi của tài xế Hùng có dấu hiệu của tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015, khung hình phạt là 3-10 năm tù.

Công an TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, đang tạm giữ Hà Việt Hùng (43 tuổi, quê Cà Mau) để điều tra hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Ông Hùng là người lái ô tô tông tử vong bà N. (54 tuổi) và khiến bà H. (52 tuổi, cùng ở Bình Dương) bị thương vào khoảng 22h ngày 14/11. 

Theo công an, vụ tai nạn xuất phát từ việc ông Hùng không chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ. Sau khi gây tai nạn chết người, tài xế này thậm chí tăng ga bỏ chạy thêm 1,3 km và tông vào nhiều phương tiện khác tại khu vực phường Định Hòa, TP Thủ Dầu Một.

Kết quả xác minh ban đầu cho thấy tài xế này điều khiển phương tiện trong tình trạng hơi thở nồng độ cồn 0,987mg/l, đã bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ ngày 11/9 đến ngày 11/11 nhưng chưa thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. 

Với những hành vi trên, nam tài xế có thể phải chịu trách nhiệm ra sao trước pháp luật?. 

Tông chết người khi đang bị giữ bằng lái, tài xế đối diện mức phạt ra sao? - 1

Tài xế Hà Việt Hùng (Ảnh: H.N).

Luật sư Dương Đức Thắng (Giám đốc Công ty Luật Đức Trí Tín, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá hành vi của tài xế Hùng thể hiện sự ngang nhiên, liều lĩnh, bất chấp pháp luật và coi thường tính mạng của người khác. Với hậu quả khiến 1 người thiệt mạng, 1 người bị thương cùng 4 phương tiện khác bao gồm cả ô tô và xe máy bị hư hỏng, tài xế này cần bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. 

Bình luận về diễn biến hành vi của nam tài xế, từ việc thiếu quan sát, không làm chủ tốc độ, bỏ chạy sau khi gây tai nạn, điều khiển phương tiện khi hơi thở có nồng độ cồn và không có giấy phép lái xe phù hợp theo quy định, luật sư nhận định đây là hành vi có dấu hiệu của tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015. Thậm chí, tài xế này còn có thể bị áp dụng hàng loạt tình tiết định khung, tăng nặng theo quy định của pháp luật. 

Cụ thể, Điều 260 Bộ luật này quy định người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, gây ra hậu quả như làm chết người, gây thương tật cho người khác từ 61% trở lên hay gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên thì bị xử lý về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. 

Trường hợp người vi phạm thuộc các tình tiết định khung quy định tại khoản 2 Điều này như không có giấy phép lái xe theo quy định (điểm a), trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định (điểm b) và Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn (điểm c), người vi phạm có thể đối diện khung hình phạt là 3-10 năm tù. 

Như vậy, có thể thấy hành vi của tài xế Hùng có dấu hiệu vi phạm theo 3 tình tiết định khung quy định tại khoản 2, Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt 3-10 năm tù. Ngoài ra, nếu trường hợp kết quả định giá tài sản thiệt hại của các phương tiện ở mức từ 500 triệu đồng trở lên, tài xế này còn có thể bị xem xét trách nhiệm theo điểm g, khoản 2 Điều này.

Bên cạnh đó, trong quá trình giải quyết vụ việc, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng sẽ đánh giá về những tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ (nếu có) của ông Hùng theo các Điều 51, 52 Bộ luật Hình sự 2015. Trong trường hợp tài xế có từ 2 tình tiết giảm nhẹ trở lên theo Điều 51 và không có thêm các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo Điều 52, Tòa án có thể căn cứ Điều 54 Bộ luật Hình sự 2015 để xem xét đưa ra mức án dưới khung hình phạt mà tài xế này có thể bị truy tố. 

Tông chết người khi đang bị giữ bằng lái, tài xế đối diện mức phạt ra sao? - 2

Hiện trường vụ tai nạn (Ảnh: H.N).

Về việc xử lý vi phạm hành chính đối với ông Hùng, theo thông tin hiện có, tài xế này bị tạm giữ bằng lái từ ngày 11/9 tới ngày 11/11. Như vậy, thời điểm gây tai nạn đã qua thời hạn người này bị tạm giữ bằng lái. 

Tuy nhiên, do tài xế này chưa thực hiện nghĩa vụ nộp phạt nên hình thức xử lý vi phạm hành chính bổ sung là tạm giữ giấy phép lái xe vẫn còn hiệu lực. Thậm chí, trong 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo cuối cùng của cơ quan chức năng, người vi phạm nếu không đến nộp phạt và nhận lại giấy phép lái xe thì cơ quan có thẩm quyền sẽ ra quyết định tịch thu, có thể tiêu hủy theo quy định tại Điều 109 Luật quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017.

Theo Công an TP Thủ Dầu Một, khoảng 22h ngày 14/11, ông Hùng điều khiển ô tô chạy theo hướng từ đường Võ Văn Kiệt đến đường số 16.

Khi xe lưu thông đến đường 5B, phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một, tài xế không chú ý quan sát và không tuân thủ quy định về tốc độ nên xảy ra va chạm với xe máy do bà N.B.N. (SN 1970, ngụ TP Bến Cát, Bình Dương) cầm lái và đang dừng ở lòng đường. Ô tô tiếp tục tông bà N.T.T.H. (SN 1972) đứng dưới lòng đường.

Sau khi xảy ra tai nạn, tài xế Hùng không dừng xe mà tiếp tục lái ô tô chạy đến đường nội bộ khu nhà ở xã hội Định Hòa (cách nơi xảy ra va chạm ban đầu khoảng 1,3km), phường Định Hòa, TP Thủ Dầu Một, va chạm với một ô tô lưu thông cùng chiều phía trước và chạy lên lề đường, tiếp tục tông vào xe máy của chị N.T.L.H. (SN 2000). Vụ tai nạn khiến bà N.T.T.H. tử vong, bà N. bị thương nhẹ. Bốn phương tiện hư hỏng sau tai nạn.