"Tôi ủng hộ kiểm tra nồng độ cồn, nhưng nên có mức tối thiểu cho phép"

PV

(Dân trí) - Bình luận về việc nhà hàng kêu khó vì kiểm tra nồng độ cồn, nhiều độc giả ủng hộ, cho rằng cần quyết liệt kiểm tra hơn nữa trong khi số khác cho rằng nên nới lỏng những quy định về vấn đề này.

Trong buổi trò chuyện với Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu ngày 6/11, nhiều doanh nghiệp chia sẻ gặp khó khăn trong hoạt động, đặc biệt lĩnh vực du lịch, ẩm thực và nhà hàng. Theo chủ tịch một công ty du lịch, việc đẩy mạnh kiểm tra nồng độ cồn khiến doanh số công ty giảm nghiêm trọng, thậm chí không đủ cân đối với các khoản chi tiêu khác của doanh nghiệp.

Nói về vấn đề này, đại tá Hồ Việt Triều (Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu) cho biết, việc đẩy mạnh kiểm tra nồng độ cồn giúp tình hình tai nạn giảm rất nhiều, bảo đảm an toàn cho mọi người khi tham gia giao thông. Ông mong các doanh nghiệp ủng hộ, đồng hành cùng cơ quan chức năng.

Tôi ủng hộ kiểm tra nồng độ cồn, nhưng nên có mức tối thiểu cho phép - 1

Một chốt kiểm tra nồng độ cồn (Ảnh: Trần Thanh).

"Cấm lái xe khi đã uống rượu bia, chứ ai cấm uống rượu bia đâu?"

Nội dung trên thu hút sự quan tâm lớn của độc giả. Nhiều người bày tỏ sự ủng hộ đối với việc quyết liệt kiểm tra nồng độ cồn trong khi không ít người lại cho rằng chế tài hiện tại là quá mạnh tay, cần được điều chỉnh để tạo điều kiện cho người dân cũng như doanh nghiệp.

Bình luận dưới bài viết Giám đốc công an đáp gì khi nhà hàng than khó khăn vì kiểm tra nồng độ cồn? anh Nguyễn Đình Toản viết: "Kinh doanh thịnh hay suy không lấy lý do vì bia rượu. Không thể đánh đổi tính mạng người khác bởi những ma men nát rượu. Cấm lái xe khi đã uống rượu bia chứ pháp luật không cấm uống rượu bia khi ăn uống, những vấn đề này không liên quan đến nhau".

"Hiệu quả đã rõ, nên ủng hộ. Khi nào Nhà nước cấm người uống bia rượu ra đường thì mới nên kêu", chủ tài khoản Chinh Vu Quoc bình luận.

"Cấm lái xe khi đã uống rượu bia, chứ có ai cấm người dân uống rượu bia đâu? Tôi cũng là bợm nhậu nhưng rất ủng hộ. Đã nhậu rồi thì thiếu gì cách di chuyển mà cứ lái xe cho nó mệt ra", anh Ngô Đức nêu quan điểm.

Cũng bày tỏ sự ủng hộ, độc giả Xuân Quang Đặng viết: "Không hiểu sao lại ủng hộ lý do nhà hàng kinh doanh kém vì bia rượu không bán được. Xác định cấm uống rượu bia khi lái xe là đúng, nhà hàng phải tự tìm cách mà thay đổi hoặc cải tiến thôi chứ còn đòi được ưu đãi. Ông cứ có cái dịch vụ hỗ trợ sau nhậu nhẹt đi xem nào".

"Mình tuần nhậu 4 lần nhưng đều đi taxi, đi qua các anh CSGT cười vui như Tết. Rất an toàn cho bản thân, cho ví tiền và mọi người. Mong ý thức tham gia giao thông sẽ dần quen giống thời bắt đội mũ bảo hiểm. Sau thập kỷ, giờ ra đường không đội mũ bảo hiểm là thấy mình bị bỏ rơi so với phần còn lại", anh Hà Chiến viết.

Theo phân tích của nhiều "dân nhậu", về mặt chi phí, mỗi người thông thường sẽ tốn khoảng 200.000 - 400.000 đồng cho mỗi cuộc nhậu. Về địa điểm, buổi liên hoan thường được tổ chức ở những nơi có vị trí thuận lợi cho việc di chuyển của mọi người và thường cách nhà mỗi người khoảng 5 - 7 km.

Với cách tính trên, ước lượng theo mức giá của các đơn vị kinh doanh vận tải hiện nay, chi phí cho mỗi "cuốc" xe để di chuyển tới chỗ nhậu sẽ ở khoảng 30.000 - 80.000 đồng/lượt, tức chỉ bằng một phần nhỏ so với chi phí bỏ ra cho buổi nhậu. Điều này làm dấy lên câu hỏi rằng, tại sao một người có thể chi hàng trăm nghìn cho buổi nhậu, nhưng lại tiếc thêm chỉ vài chục nghìn cho một "cuốc" xe để tới nơi?

"Cái chính là chỗ "muốn đi xe nhà" đấy. Đi ăn nhậu mà tiếc 50-100 nghìn taxi. Đi xe nhà để khoe xe sao?", chủ tài khoản Sơn viết.

Tôi ủng hộ kiểm tra nồng độ cồn, nhưng nên có mức tối thiểu cho phép - 2

Cảnh sát làm việc với một người dính vi phạm nồng độ cồn (Ảnh: Văn Hiếu).

Cùng góc nhìn, anh Chu Quang Tuan đặt câu hỏi: "Tập quán địa phương có nhiều người chỉ muốn đi xe nhà, sao không bỏ cái tập quán này đi mà lại muốn sửa luật?".

"Sao các ông đi ăn đi uống không kêu xe ôm, taxi đi mà đi xe nhà? Các ông kinh doanh không tốt quan trọng hơn mạng sống người ta sao? Đòi sửa luật sao các ông không thay đổi thói quen nhậu nhẹt đi?", "Cần thay đổi cách kinh doanh thôi, không thể vì lý do ế ẩm mà ngó lơ Nghị định 100 được", "Lâu lâu có việc bia rượu thì đi xe ôm, gọi người nhà đến đón. Còn tiền xe ôm không có thì tốt nhất bớt uống rượu bia mà đi kiếm tiền đi"… nhiều độc giả thẳng thắn bình luận về vấn đề này.

"Phải kiểm tra nồng độ cồn nhưng nên có mốc chuẩn"

Bên cạnh ý kiến ủng hộ, nhiều người lại cho rằng chế tài hiện tại là quá nặng. Thực tế chỉ ra trong quá trình tuần tra, kiểm soát của cơ quan chức năng, nhiều lái xe chỉ trót uống một ngụm rượu, một ly cocktail hay thậm chí chỉ nhấp môi nhưng khi kết quả kiểm tra cho ra nồng độ cồn cũng phải chịu mức phạt rất nặng.

"Tôi ủng hộ kiểm tra nồng độ cồn, nhưng phải mang tính khoa học và thuyết phục. Cần có định mức về nồng độ cồn tối thiểu cho phép, dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học về mức độ ảnh hưởng tới khả năng kiểm soát hành vi của hệ thần kinh cũng như phản xạ của lái xe. Văn hóa bia rượu dù có cái xấu nhưng ở mặt tích cực, đây cũng là cái tốt để mọi người ngoại giao, quan hệ xã hội cũng như văn hóa.

Ở một số nước, người ta quy định nồng độ cồn cho phép bởi đã có nghiên cứu cụ thể về mức độ ảnh hưởng của rượu bia tới khả năng điều khiển phương tiện của tài xế. Theo tôi, chúng ta nên hạn chế chứ không cấm đoán", chủ tài khoản sáo trúc hồn việt chia sẻ.

Có góc nhìn tương tự, anh Dung Vu Manh viết: "Các hoạt động kinh doanh, mua bán, làm ăn, nếu có sự thoải mái trên bàn nhậu sẽ có thể mang lại hiệu quả cao hơn trên bàn làm việc tại văn phòng. Nghị định 100 ra đời, những hoạt động này giảm đi có thể khiến năng suất công việc, khả năng tiêu thụ sản phẩm cũng có chiều hướng đi xuống".

"Nên có ở mức thấp nhất cho phép thì hợp lý hơn. Vì 1-2 chén rượu hay 1 lon bia chưa thể say được. Chưa kể uống hôm nay, hôm sau thổi có thể vẫn lên sẽ khiến nhiều người sợ hãi", anh Phạm Huy bình luận.

"Phải kiểm tra nồng độ cồn nhưng nên có mốc chuẩn để không vi phạm vượt chuẩn", "Biết là uống rượu không được lái xe, nhưng nên áp dụng ở mức nào chứ với tình trạng này, cuộc sống chỉ có đi làm rồi về nhà ăn cơm thì chán ngắt", "Nên giới hạn tối thiểu, chứ nếu thổi từ mức 0 lên thì một số ngành sẽ gặp khó khăn", "Sẽ không ai thương xót cho cái chết từ từ của những doanh nghiệp, cửa hàng không phù hợp. Chấp nhận phải chuyển hướng để tồn tại"… nhiều độc giả nêu ý kiến về việc nên có quy định về mức nồng độ cồn tối thiểu cho phép với các tài xế.

Hoàng Diệu (tổng hợp)