Tôi phải làm gì khi bố mẹ chồng không cho gặp con sau ly hôn

Khả Vân

(Dân trí) - Tôi và chồng cũ đã ly hôn, con trai ở với bố và ông bà nội. Trước giờ tôi vẫn lo lắng chu cấp cho cháu đầy đủ, thi thoảng đón con đi lại. Giờ biết tôi sắp đi bước nữa thì ông bà không cho đón con nữa.

Vậy giờ tôi phải làm gì để được đảm bảo quyền thăm con, thưa luật sư?

Khánh Huyền (Hà Đông, Hà Nội)

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 83 Luật hôn nhân gia đình 2014, sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ chăm nom con mà không ai được cản trở.

Hơn thế nữa, tại Khoản 2 Điều 83 Luật này cũng chỉ rõ Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc chăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục con.

Vì vậy, bạn hoàn toàn có quyền chăm nom con mà bố bé hay ông bà nội bé không được cản trở việc này.

Hành vi ngăn cản, cản trở việc chăm nom này còn thuộc trong các hành vi bạo lực gia đình khi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ giữa mẹ và con theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 2 Luật phòng chống bạo lực gia đình 2007.

Nếu bạn không thuộc trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án mà ông bà nội bé có hành vi ngăn cản, cản trở việc thực hiện quyền chăm nom, chăm sóc bé của bạn thì hành vi này có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng theo quy định tại Điều 56 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Để đảm bảo quyền của mình, bạn có thể thỏa thuận, bàn bạc lại với bố của bé về hành vi cản trở của ông bà nội để hai bên có biện pháp khắc phục. Nếu bố bé không đồng ý và cũng có hành vi ngăn cản thì bạn có thể tố cáo hành vi cản trở quyền thăm con với cơ quan Công an hoặc Ủy ban nhân dân phường/xã nơi họ cư trú.

Bên cạnh đó, sau khi đã bàn bạc, thảo luận với bố của bé và ông bà nội bé nhưng họ vẫn cản trở việc bạn thăm nom con, bạn có thể làm đơn khởi kiện đòi thay đổi người trực tiếp nuôi con.

Việc thay đổi người được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau:

a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Nếu con của bạn đã đủ 7 tuổi thì việc thay đổi người trực tiếp nuôi con Tòa sẽ xem xét nguyện vọng của bé theo quy định tại Điều 84 Luật hôn nhân và gia đình 2014.

Từ những quy định trên, trong trường hợp ông bà nội bé vẫn tiếp tục có hành vi cản trở bạn thăm con thì bạn có thể báo với cơ quan có thẩm quyền để xử phạt hoặc có thể yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con.

Nếu bạn muốn thay đổi người trực tiếp nuôi con thì hãy chắc chắn rằng điều đó có lợi cho sự phát triển toàn diện của bé.

Theo bạn trình bày, bạn sắp đi bước nữa nên nếu muốn nuôi con hãy đảm bảo rằng bạn có đủ điều kiện để bé có môi trường phát triển tốt về tâm sinh lý vì đối với những đứa trẻ sống trong gia đình mà bố mẹ ly hôn tồn tại những tổn thương nhất định. Vì vậy, nếu bạn có thể mang lại cho bé cuộc sống đầy đủ tình yêu thương của cả bố và có lợi cho sự phát triển của bé thì hãy thực hiện yêu cầu thay đổi người nuôi con.