"Tôi gác lại kế hoạch du lịch xa dịp lễ vì vé máy bay đắt đỏ"

PV
PV

(Dân trí) - Trước tình cảnh giá vé máy bay tăng phi mã, nhiều gia đình lựa chọn ở nhà nghỉ dưỡng hoặc du lịch gần, thay vì "đốt tiền" vào những dịch vụ mà họ cho rằng có giá trị không tương xứng với chất lượng.

Gần dịp lễ 30/4 - 1/5, nhu cầu di chuyển, đi lại của người dân ngày một tăng cao. Tuy nhiên, theo khảo sát của Dân trí, giá vé máy bay đắt đỏ đang là trở ngại lớn, cản bước mong muốn "dịch chuyển", "đi xả hơi" của nhiều gia đình.

Cụ thể, đối với một trong những tuyến bay được khai thác nhiều là Hà Nội - Cam Ranh, giá vé khứ hồi rẻ nhất của Bamboo Airways và Vietjet Air lần lượt là 4,733 triệu đồng/người và 4,33 triệu đồng/người. Còn với Vietnam Airlines, mức giá lên tới 7,571 triệu đồng/người.

Với chặng Hà Nội - Đà Lạt, mức giá hiện còn của Vietnam Airlines, Bamboo Airways và Vietjet Air lần lượt là 4,56 triệu đồng, 4,557 triệu đồng và 5,488 triệu đồng.

Như vậy, để có thể đi du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, một gia đình 4 người trung bình sẽ phải ngốn khoảng 20 triệu đồng chỉ riêng cho tiền di chuyển, một con số không nhỏ. Và trước cơn "bão giá" hàng không, nhiều người lựa chọn giải pháp ở nhà nghỉ ngơi hoặc chỉ đi chơi gần trong dịp lễ.

Tôi gác lại kế hoạch du lịch xa dịp lễ vì vé máy bay đắt đỏ - 1

Độc giả băn khoăn, phải chăng máy bay giờ không dành cho những đối tượng thu nhập trung bình và thấp nữa?

Bày tỏ quan điểm với Dân trí dưới bài viết Giá vé máy bay dịp 30/4-1/5 cao ngất, khách than "bay nước ngoài còn hơn" độc giả Nguyễn Thanh Bình viết: "Vé máy bay nội địa cao do không kiểm soát được đại lý. Cứ dịp lễ, Tết là tăng giá vé. Việc tăng giá không phải do hết chỗ, mà nó đánh vào tâm lý muốn đi du lịch ngày lễ của người dân.

Năm ngoái cũng dịp này, gia đình tôi có việc phải bay từ Hà Nội vào Vũng Tàu, cẩn thận đặt trước 1 tháng cho rẻ, ai ngờ đến sát ngày 30/4, giá vé lại giảm mất 500.000 đồng, tính ra 2 chiều mất luôn 1 triệu đồng. Du lịch Việt Nam cứ như này sẽ mất khách".

"Cứ để thị trường tự điều chỉnh, không phải can thiệp. Tới lúc người ta bay Air Asia chẳng hạn, thì hàng không nước nhà thậm chí còn không có doanh thu luôn chứ đừng nói đến doanh thu từ du lịch", độc giả có nickname Mark Xoan nêu quan điểm.

"Mạnh ai nấy làm. Vé máy bay cao là một trong những yếu tố kìm hãm phát triển du lịch", độc giả Lực Nguyễn ngán ngẩm.

Tương tự, anh Duc Minh viết: "Thế này là "kích cầu du lịch" à? Nghỉ tận 4-5 ngày, kích cầu du lịch làm sao đây?".

Trước sự tăng vọt về giá của các hãng hàng không, người dân dù không mong muốn nhưng buộc phải tìm tới những sự lựa chọn khác như nghỉ ngơi tại gia, du lịch gần bằng ô tô hay thậm chí cầu cứu tới xe khách, tàu hỏa cho những hành trình dài. Tuy nhiên, dù phương án nào, sự bất tiện đều là điều khó tránh khỏi.

"Tàu hỏa thì chậm, nếu không lên từ ga đầu mà phải lên ga giữa thì còn phải đối diện tình trạng mất vệ sinh do các khách trước để lại. Vé máy bay thì quá đắt đỏ, du lịch nội địa như vậy thì còn lâu mới khá được", bạn đọc Khanh mai bức xúc.

Cũng nghĩ tới phương án sử dụng tàu hỏa, song người dùng Thuong Nguyen lại tỏ ra e ngại trước những sự bất tiện của loại hình di chuyển này. "Tàu hỏa giá rẻ nhưng thời gian lâu quá, không gian lại ồn ào, dịch vụ thì đắt nhưng chất lượng không cao. Nhân viên tàu cứ 15 phút gõ cửa mời chào đồ ăn, thức uống một lần, rất khó chịu và mệt mỏi, muốn nghỉ 1 chút cũng không yên. Chưa kể nhiều nhà có trẻ con, các bé hiếu động, chạy nhảy trên tàu rất ồn ào", độc giả này viết.

Có chung cảm nhận khó chịu, chủ tài khoản La Khoi Khoi viết: "Chọn máy bay làm gì, ngắm mây chăng? Nếu giờ khoảng 100.000 gia đình cũng chuyển qua đi xe khách, tàu hỏa thì tôi bảo đảm hàng không rồi sẽ phải kêu cứu thôi. Dù các hình thức kia có bất tiện, song tôi ủng hộ người dân tạm thời lựa chọn phương án này, để hàng không khỏi cái kiểu tăng giá phi mã khi có dịp".

"Máy bay giờ không dành cho những đối tượng thu nhập trung bình và thấp nữa rồi", độc giả Ha Khoa Nang chua chát bình luận.

"Vẫn biết máy bay tiện lợi và ở đẳng cấp cao hơn hẳn so với những hình thức di chuyển khác, song trên quan điểm của tôi, giá vé máy bay đang cao một cách vô lý và không tương xứng với giá trị dịch vụ mà người dùng được hưởng. Dịp lễ năm nay, tôi từ Hà Nội muốn đưa gia đình vào Nha Trang du lịch cho khuây khỏa sau một thời gian áp lực với công việc, song khi tìm kiếm giá vé, cả nhà tôi quyết định "quay xe" bởi mức giá trên trời mà các hãng đưa ra. Chúng tôi quyết định sẽ lựa chọn một điểm đến gần hơn và gác lại kế hoạch này vào một thời điểm khác phù hợp.

Tôi không chấp nhận "đốt" tiền vào những dịch vụ một cách lãng phí và không xứng đáng như vậy. Dẫu biết các hãng đang khó khăn, nhưng việc tận dụng thời điểm khan hiếm chuyến bay như hiện tại để đẩy giá là không thể chấp nhận", độc giả Hoàng Linh nêu quan điểm.

"Thời điểm Covid, các hãng thi nhau báo lỗ nghìn tỷ, ra sức kêu gọi khách hàng giải cứu, giúp đỡ. Đến khi vượt qua khó khăn và tạm thời vực dậy thì lại "trả ơn" bằng cách tăng giá vé vô tội vạ, chán", người dùng Chi bất bình.

Hoàng Diệu