Nghỉ lễ 30/4, nên đi du lịch "trả thù Covid" hay ở nhà trốn đông tắc?

Khả Vân

(Dân trí) - Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 là kỳ nghỉ dài ngày, khi cuộc sống cơ bản đã trở lại bình thường, người dân phần lớn đều đang rất "cuồng chân" sau đợt dịch dài, nhu cầu được đi du lịch như lò xo nén.

"Cò" du lịch lộng hành đợt nghỉ lễ; biển Hạ Long, Vũng Tàu, Sầm Sơn… ken đặt người; Thảo cầm viên, công viên thủ lệ đông nghẹt người trong ngày nghỉ lễ; "Các cửa ngõ lớn của thủ đô ùn tắc nghiêm trọng trong dòng người đổ dồn về quê"… là những tựa đề và hình ảnh của nhiều bài báo mà chúng ta thường thấy vào những ngày nghỉ lễ lớn dài ngày.

Nghỉ lễ 30/4, nên đi du lịch trả thù Covid hay ở nhà trốn đông tắc? - 1

Trong đêm 30/4/2021, chợ đêm Đà Lạt chật cứng người.

Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay kéo dài 4 ngày, bắt đầu từ ngày 29/4. Sau một thời gian dài "cuồng chân" vì Covid-19, nhu cầu du lịch, vui chơi của người dân đang như một cái lò xo bị nén, chỉ chờ dịp để bung hết cỡ.

Chủ đề nghỉ lễ dịp này nên đi du lịch "trả thù Covid" hay quây quần ở nhà đang trở thành một cuộc tranh luận khá "xôm" trong một số nhóm diễn đàn về du lịch.

Nhiều gia đình lựa chọn chuyến đi chơi xa, thay đổi không khí, nạp năng lượng trước khi trở lại với công việc. Có người lại chọn phương án ở nhà nghỉ ngơi, nấu ăn ngon và đi cà phê dạo phố để tránh ùn tắc và nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Không đi chơi vào ngày nghỉ lễ thì đi vào ngày nào?

Trong khi nhiều bạn bè đang hỏi nhau đi đâu, chơi gì và tất bật đặt vé máy bay, vé xe, vé tàu, book phòng hoặc chăm sóc xế yêu để bắt đầu hành trình…, chị Tuyết Chinh (Phan Thiết) lại khá bình thản.

Chị cho biết, tuy chị là người "hoa chân" cực nhiều, đi khắp mọi nơi, mọi miền, mọi mùa nhưng chị chưa bao giờ chọn đi du lịch vào dịp nghỉ lễ. Đơn giản chị không muốn lâm vào cảnh chen chúc, xô đẩy, lếch thếch, vất vưởng tìm chỗ ăn, chỗ nghỉ, chỗ chơi.

Theo chị, những dịp này chất lượng các dịch vụ không thể chu đáo, giá cả tăng cao. Thứ hai, chị muốn cả gia đình phải được nghỉ dưỡng, hưởng không gian ấm cúng, sum họp và quan tâm lẫn nhau, chứ không phải đi hành xác theo phong trào. Chị thường chọn đi trước hoặc sau dịp nghỉ lễ.

Chính vì vậy, cứ tới dịp nghỉ lễ, chị lại về với bố mẹ và người thân; tận hưởng không khí sum họp đông đủ và ấm cúng của đại gia đình. Tận hưởng nghỉ lễ với chị là ngủ nướng, nằm nghe nhạc, xem phim, thư giãn, đọc sách…

Nghỉ lễ 30/4, nên đi du lịch trả thù Covid hay ở nhà trốn đông tắc? - 2

Hàng chục nghìn lượt khách du lịch đổ về trung tâm thị xã Sa Pa (Lào Cai) vào đợt nghỉ lễ năm 2021 (Ảnh: Khôi Vũ).

Anh Đại Long (TPHCM) lại có suy nghĩ khác. Theo anh vào ngày lễ tất cả các thành viên trong gia đình đều được nghỉ nên dễ lên lịch đi chơi. Hơn nữa đi chơi hay đi du lịch vào ngày lễ tâm trạng cũng khác với đi vào ngày thường, vui hơn, thoải mái hơn, bố mẹ không phải lo công việc đang ngổn ngang ở công ty, con cái không lăn tăn bài học ở trường.

Hơn nữa, theo anh Long, những người làm công đa phần rất khó để xin nghỉ dài ngày vì công ty họ không cho phép; thời gian nghỉ phép ít ỏi trong năm đa phần dành để giải quyết việc gấp cá nhân chứ mấy ai dám dùng để đi chơi?

"Nếu bạn lên lịch từ sớm cho chuyến đi nghỉ vào ngày lễ, thì bạn sẽ đặt vé máy bay, phòng khách sạn và các dịch vụ xe đưa đón trước đó khoảng 1-2 thì sẽ rất chủ động, không bị chặt chém và cháy vé/phòng", anh Long cho biết.

Nghỉ lễ 30/4, nên đi du lịch trả thù Covid hay ở nhà trốn đông tắc? - 3

Anh Đại Long cho rằng, dù dịp nghỉ lễ đông đúc quá tải nhưng nếu bạn đã chủ động chuẩn bị từ sớm cho chuyến đi thì cũng không quá vất vả.

Theo anh Long, ở nước ta chưa có văn hóa "nghỉ ngơi 100%" nên nhiều khi đã xin nghỉ phép đi du lịch vẫn nhận hàng tá mail, cuộc gọi công việc. 

"Ở công ty tôi dù tôi đã xin nghỉ phép, đồng nghiệp hoặc khách hàng vẫn tìm cách liên lạc trao đổi công việc, thế là không ai dám nghỉ lâu hơn 3 ngày, kỳ nghỉ cũng mất vui. Thế nên muốn du lịch thì chỉ có đi vào dịp lễ, lúc không ai làm việc" - anh nói.

Bạn muốn đi nghỉ hay đi ngắm người?

Từng suýt bị lạc mất cô con gái nhỏ trong chuyến du lịch dịp nghỉ lễ 2/9 cách đây 5 năm, chị Ngọc (Hà Đông - Hà Nội) và gia đình sợ đến già. Chị chia sẻ, hôm đó trong biển người chen nhau lên cáp treo Bà Nà, chị nhờ chồng trông con để mua chai nước nhưng chỉ lơ là trong vài chục giây, con gái chị bỗng biến mất.

Rất may mắn là cháu bé đã sớm được tìm thấy nhưng từ đó, gia đình chị luôn sợ khi đi du lịch vào những ngày lễ lớn. Chị chia sẻ, du lịch là để tận hưởng và nên chọn thời điểm vắng người để hòa mình vào thiên nhiên chứ không phải đi để chen chúc và chờ đợi. Ở đâu cũng ngộp người thì du lịch không còn là việc để thư giãn nữa.

Nghỉ lễ 30/4, nên đi du lịch trả thù Covid hay ở nhà trốn đông tắc? - 4

Dòng người chen chúc ở các cửa ngõ trở lại thủ đô sau kỳ nghỉ lễ (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Cùng suy nghĩ như chị Ngọc và chị Chinh, anh Tất Sơn (Cầu Giấy, Hà Nội) chọn cách để tận hưởng những ngày nghỉ lễ bằng cách ở lại thành phố và ra đường tận hưởng phố xá vắng vẻ, ngồi cà phê tụ tập với đám bạn lâu ngày chưa gặp.

Anh chia sẻ: "Tôi biết nhiều người bạn bận rộn đến mức ngày thường, kể cả cuối tuần, họ cũng không thể rời khỏi laptop hay điện thoại vì còn cả núi việc cần giải quyết. Nhưng đến ngày lễ, lôi họ ra khỏi công việc cũng là một cách giải tỏa tinh thần hiệu quả. Làm những món ngon và hẹn hò bạn bè đến nhà ăn uống cũng là một cách tôi thường làm, vừa tiết kiệm, sạch sẽ lại vui vẻ. Hoặc giản tiện hơn nữa, bạn có thể tận hưởng kỳ nghỉ lễ của mình bằng cách nằm ườn trên giường đọc sách, xem ti vi hoặc ngủ cho đã!".

Theo anh Sơn, khi phần đông các gia đình đổ xô đi chơi xa hay về quê thăm họ hàng, họ phải chen chân ở bến xe từ sáng sớm và khả năng bị nhồi nhét trên xe là rất cao. Còn đi xe máy, giữa dòng người nườm nượp ngược xuôi chắc chắn không thể tránh khỏi tình trạng tắc đường kéo dài. Máy bay hay tàu hỏa có vẻ ổn hơn, nhưng cũng khó tránh khỏi tình trạng hết vé, giá vé "chát" mà các sân bay cũng chật như nêm.

Đi về quê thì đã đành, còn đi du lịch, bị "nhồi" như thế, còn gì hứng thú hay hào hứng để tiếp tục hành trình nữa? Bạn muốn đi nghỉ dưỡng, không phải muốn tự "hành xác", đúng không? Thương nhất là lũ trẻ, bị xô đẩy, rung lắc, chỗ ngồi chỗ nằm không thoải mái, hoặc phải hút không khí sặc mùi xăng xe, bụi bặm, chúng sẽ được "trải nghiệm" điều gì?

Không những vậy, khi lượng khách càng đông thì các cơ sở dịch vụ sẽ không chăm sóc khách hàng được chu đáo. Ai cũng muốn được phục vụ nhanh chóng, cũng muốn được coi như "thượng đế", nhưng quá tải thì "thượng đế" cũng bị "chém", cũng phải chờ đợi.

Chuyện ăn ngủ đã vậy, còn chuyện ngắm cảnh, thưởng ngoạn cũng không như là mơ! Khi hàng vạn người đổ xô tới cùng một địa điểm, phong cảnh đẹp mấy cũng sẽ không có ý nghĩa gì.

"Tốn tiền, mệt người, không thực sự được thảnh thơi hay trải nghiệm cảm giác nghỉ dưỡng đích thực, vì vậy không cớ gì cứ phải đi du lịch vào những ngày lễ", anh Tất Sơn nêu quan điểm cá nhân.