Điều tra theo đơn thư bạn đọc:

Tòa án Tây Hồ tuyên án khi chưa xác định rõ chủ sở hữu diện tích chênh lệch

(Dân trí) - Diện tích gia đình ông Trần Sâm thuê tại số 589 Thụy Khuê năm 1966 là 13m2, khi xảy ra tranh chấp diện tích thực tế lô đất lên đến 20,2m2. Trong lúc chưa xác định rõ chủ nhân phần chênh lệch, Tòa án Tây Hồ vẫn buộc ông Sâm trả lại toàn bộ.

Trong đơn kêu cứu gửi đến báo Dân trí, ông Trần Sâm, trú tại số 589 Thụy Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ, TP Hà Nội phản ánh, Tòa án quận Tây Hồ đã ban hành bản án không đúng quy định pháp luật khi buộc gia đình ông phải trả lại hơn 20m2 (số chi tiết là 20,2m2 ) ở số 589 Thụy Khuê, trong khi phần diện tích cụ Đán (ông nội ông Sâm) thuê của cụ Vũ Thị Bé chỉ có 13m2, phần diện tích còn lại (7,2m2) được hình thành do công tôn tạo của gia đình ông Sâm suốt nhiều năm.
 
Đơn kêu cứu khẩn cấp ông Trần Sâm gửi báo Dân trí
Đơn kêu cứu khẩn cấp ông Trần Sâm gửi báo Dân trí

Dựa trên tài liệu PV Dân trí thu thập được, Hợp đồng thuê nhà năm 1966 ký giữa cụ Trần Văn Đán (ông nội ông Sâm) và cụ Vũ Thị Bé (mẹ bà Vũ Thị Nguyệt Thu) đã được đăng ký, có xác nhận tại Phòng Quản lý nhà đất khu phố Ba Đình và ý kiến của cụ Bé tại Biên bản giải quyết việc đòi lại nhà số 115 khối Bưởi của Phòng Quản lý công trình công cộng - UBHC khu Ba Đình đều xác định phần diện tích nhà đất đem cho thuê tại thời điểm cho cụ Đán thuê là 13m2.

Các văn bản được cơ quan chức năng cung cấp trong hồ sơ vụ án không nêu ra được số liệu về diện tích cụ thể tại thời điểm cụ Tốn, cụ Bé cho cụ Đán thuê nhà từ năm 1966 và sự biến động qua từng thời kỳ của diện tích nhà đất này. Như vậy, ngôi nhà 589 Thụy Khuê đang có sự chênh lệch số diện tích ghi nhận tại Hợp đồng thuê nhà năm 1966 là hơn 7m2. Theo tường trình của ông Trần Sâm, phần diện tích này được hình thành nhờ công cơi nới, tôn tạo kéo dài từ đời cụ Đán, đến ông Sách (bố ông Sâm) và anh chị em ông Sâm chứ không thuộc diện tích thuê.

Kể từ khi Tòa án đưa ra xét xử vụ đòi nhà cho thuê vào năm 1976 với nội dung “bác” đơn đòi nhà của cụ Vũ Thị Bé, gia đình ông Trần Sâm tiếp tục sử dụng ổn định nhà đất số 589 Thụy Khuê, hàng năm đều hoàn thành nghĩa vụ đóng thuế sử dụng đất với nhà nước. Sau khi cụ Bé, cụ Đán qua đời, năm 2012, bà Vũ Thị Nguyệt Thu đã làm đơn khởi kiện đòi nhà cho thuê và nhà ở nhờ.
 
Hợp đồng thuê nhà năm 1966 ghi rõ diện tích cho thuê là 13m2
Hợp đồng thuê nhà năm 1966 ghi rõ diện tích cho thuê là 13m2

Theo phản ánh của gia đình ông Trần Sâm, trong quá trình thụ lý Tòa án quận Tây Hồ đã không thu thập chứng cứ đầy đủ từ các cơ quan có thẩm quyền để xác định rõ diện tích ban đầu 13m2 cho thuê từ đời ông cha, nay tăng lên hơn 20m2 do đâu mà có? Từ đó dẫn đến việc bỏ sót quyền lợi hợp pháp của gia đình ông Sâm, những người có công tôn tạo, cơi nới thêm hơn 7m2 gần 50 năm qua.

Trong quá trình giải quyết vụ án, bên nguyên đơn - bà Vũ Thị Nguyệt Thu kiện đòi lại 20m2 nhưng không đưa ra được bất kỳ tài liệu nào chứng minh cho phần diện tích chênh lệch hơn 7m2 là của bố mẹ nguyên đơn để lại. Tuy nhiên, khi đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm - HĐXX Tòa án quận Tây Hồ vẫn buộc gia đình ông Trần Sâm trả lại diện tích chênh lệch so với diện tích cụ Vũ Thị Bé cho thuê năm 1966.

Số liệu của UBND phường Bưởi cung cấp toàn bộ diện tích nhà đất tranh chấp là hơn 20m2. Tuy nhiên, khi định giá ngày 15/8/2013, diện tích nhà đất chỉ còn là 18,36m2 do Hội đồng định giá tiến hành đo bằng thước dây, áng bằng tay, bằng mắt thay vì sử dụng máy móc đo đạc trắc địa chuyên nghiệp. Từ đó dẫn đến việc xuất hiện nhiều con số diện tích không đồng nhất giữa hợp đồng thuê nhà năm 1966, bản án năm 1976 và bản án sơ thẩm số 08/2013/DSST ngày 24/10/2013 của Tòa án quận Tây Hồ.
 
Ông Trần Sâm đề nghị Tòa án TP Hà Nội xem xét lại bản án sơ thẩm
Ông Trần Sâm đề nghị Tòa án TP Hà Nội xem xét lại bản án sơ thẩm

Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Sâm cho biết: “Việc Tòa án quận Tây Hồ không xem xét quyền lợi trong việc duy trì, bảo quản, cơi nới, sửa chữa nhà và đất là xâm phạm quyền lợi hợp pháp của gia đình tôi. Lẽ ra Tòa án sơ thẩm cần buộc phía bị đơn có trách nhiệm thanh toán tiền cho hơn 7m2 diện tích chênh lệch so với phần diện tích thực tế ghi nhận trên Hợp đồng thuê nhà năm 1966.

Ngoài khoản tiền trả cho diện tích chênh lệch 7,2m2, TAND quận Tây Hồ còn phải buộc nguyên đơn thanh toán tiền duy trì, bảo quản tài sản nhà đất vì nếu không có công sức duy trì, quản lý, trông coi của gia đình tôi thì căn nhà cũng không còn để cho nguyên đơn đòi như hiện nay. Nhà số 589 Thụy Khuê là nơi ở duy nhất của cả gia đình, là nơi kiếm sống hàng ngày nên bên nguyên đơn cần chi trả phần diện tích hơn 7m2 để gia đình tôi tìm nơi ở mới...”.
 
Gia đình ông Trần Sâm đề nghị làm rõ chủ sở hữu phần diện tích chênh lệch
Gia đình ông Trần Sâm đề nghị làm rõ chủ sở hữu phần diện tích chênh lệch

Trong đơn kêu cứu gửi báo Dân trí, ông Trần Sâm đề nghị ông Chánh án TAND TP Hà Nội, ông Viện trưởng VKSND TP Hà Nội xem xét lại bản án sơ thẩm số 08/2013/DSST ngày 24/10/2013 của Tòa án quận Tây Hồ, từ đó đưa ra bản án phúc thẩm trên cơ sở đảm bảo quyền lợi hợp pháp của công dân.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Ngọc Cương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm