"To nhất, dài nhất" và những kỷ lục "chẳng biết để làm gì"

Hoàng Lam

(Dân trí) - Nhiều người cảm thán "cứ cái gì siêu to khổng lồ" sẽ được xác lập kỷ lục ở Việt Nam. Phải chăng thói háo danh đã khiến những kỷ lục "to nhất, dài nhất" xuất hiện như nấm sau mưa?

Mới đây, dư luận được dịp xôn xao khi một kỷ lục Việt Nam mới được xác lập: Chiếc nón hoa bách hợp lớn nhất Việt Nam. Chiếc nón không có gì đặc biệt ngoài một cái khung thép được hàn hình chóp, phủ lớp vải dầu, mặt ngoài ken dày đặc những bông hoa bách hợp.

To nhất, dài nhất và những kỷ lục chẳng biết để làm gì - 1
Chiếc nón được kết bằng hoa bách hợp vừa được xác lập kỷ lục Việt Nam khiến dư luận xôn xao (ảnh Kyluc.vn).

Theo đơn vị sở hữu kỷ lục này thì chiếc nón Việt Nam, đi cùng với loài hoa gắn liền với hình ảnh Hà Nội là một kết hợp nghệ thuật và là món quà đầy ý nghĩa tri ân cộng đồng. Tuy nhiên, dường như cộng đồng không mặn mà đón nhận món quà này lắm bởi chiếc nón này không có điểm nhấn đặc biệt thu hút sự chú ý ngoài tiêu chí "to nhất".

Nhiều người đã chua chát thốt lên "cứ cái gì siêu to khổng lồ" là sẽ xác lập kỷ lục ở Việt Nam.

Trong gần 17 năm qua, đã có gần 3.000 kỷ lục Việt Nam được ghi nhận. Có nhiều kỷ lục thực sự ấn tượng, không chỉ xác lập kỷ lục Việt Nam mà để lại dấu ấn về phẩm chất, năng lực của con người Việt Nam đối với thế giới.

Những người yêu hội họa, yêu Hà Nội chắc hẳn sẽ không thể không tự hào về con đường gốm sứ lớn nhất thế giới của nữ họa sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy. Những người yêu thể thao chắc hẳn vẫn nguyên cảm giác vừa lo lắng, vừa phấn khích khi hai nghệ sỹ xiếc Quốc Cơ, Quốc Nghiệp xác lập kỷ lục chồng đầu.

Những người bước ra khỏi cuộc kháng chiến chống giặc cứu nước chắc hẳn sẽ không bao giờ quên kỷ lục gia Nguyễn Viết Sinh - kiện tướng gùi hàng với quãng đường dài 1 vòng trái đất.

To nhất, dài nhất và những kỷ lục chẳng biết để làm gì - 2
Mô hình chú lợn được ghép bằng 10.500 bông hoa hồng cũng được xác lập kỷ lục Việt Nam (ảnh Kyluc.vn)

Thế nhưng, cũng nhan nhản kỷ lục với tiêu chí "to nhất", "dài nhất" được ghi nhận, từ bức tượng to nhất đến nồi cơm to nhất, tô phở to nhất, chai bia to nhất...

Có doanh nghiệp sở hữu tới 7 kỷ lục Việt Nam xoay quanh cái cáp treo mà đơn vị này đang vận hành. Hay mỗi năm chiếc bánh chưng "siêu to khổng lồ" lại được làm to hơn năm trước, để rồi được xác nhận "bánh chưng to nhất Việt Nam".

Cũng không phải ngẫu nhiên mà nhiều kỷ lục Việt Nam hiện đang được các doanh nghiệp nắm giữ và phần lớn những kỷ lục ấy gắn liền với hoạt động quảng bá của doanh nghiệp. Điều đó không ai cấm và trên thực tế, nó đã mang lại hiệu quả truyền thông quảng bá nhất định.

Tất nhiên, những kỷ lục được xác lập đều phải thỏa mãn các tiêu chí theo quy định với sự thẩm định của gần 100 thành viên hội đồng xác lập kỷ lục. Với những kỷ lục này, người viết không khỏi băn khoăn: có gì ở những thứ to nhất, dài nhất ấy? Bởi, không ít kỷ lục sau khi được tung hô tại lễ công bố thì người dân cũng quên luôn bởi chẳng để lại ấn tượng nào đặc biệt.

To nhất, dài nhất và những kỷ lục chẳng biết để làm gì - 3
Chiếc bánh pizza hình vuông lớn nhất Việt Nam thực chất được ghép từ 40 chiếc bánh nhỏ (ảnh Kyluc.vn)

Những kỷ lục được xác lập, được tung hô phải chăng chỉ thỏa mãn được sự hiếu kỳ ở một thời điểm hay chỉ là cuộc đua để sở hữu những cái "nhất", để thỏa mãn thói háo danh của một bộ phận không hề nhỏ, mà những cái "nhất" ấy có hay không có cũng chẳng ảnh hưởng đến ai.

Gần 3.000 kỷ lục Việt Nam đã được xác lập nhưng có bao nhiêu trong số đó đã đóng góp được và đóng góp như thế nào vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước? Bao nhiêu kỷ lục đã quảng bá được đời sống văn hóa và con người Việt Nam ra với quốc tế?

Quy định chặt chẽ hơn về các tiêu chí đánh giá, tập trung nhiều hơn về mặt hàm lượng nội dung và chiều sâu văn hóa của một công trình, một vật phẩm, một sản phẩm để công nhận kỷ lục là điều hết sức cần thiết. Đừng biến danh hiệu kỷ lục thành một cuộc đua vô nghĩa của thói háo danh!