Những "kỷ lục" đáng buồn về văn hóa giao thông ở Hà Nội

Trọng Trinh

(Dân trí) - Bạn muốn biết văn hóa giao thông ở Hà Nội hiện đang ở ngưỡng nào, chỉ cần ra một ngã tư uống cốc trà đá vỉa hè, rồi quan sát trong khoảng đôi ba nhịp đèn xanh đỏ là có được câu trả lời rõ ràng nhất.

Người đàn ông thoát chết thần kỳ khi chui gầm xe tải vì vượt đèn đỏ (video: Lái xe Tạ Tiến Cường).

Mới đây, theo kiểm đếm của phóng viên Báo điện tử Dân trí tại một ngã tư ở trung tâm Thành phố Hà Nội. Chỉ trong vòng chưa đầy 2 phút đã có tới 87 phương tiện giao thông gồm ô tô, xe máy, xe đạp thi nhau vượt đèn đỏ. Sau khi thông tin này được đăng tải, nhiều bạn đọc phải thốt lên rằng "nếu có Kỷ lục Guinness ghi nhận về số người vượt đèn đỏ khi tham gia giao thông ở một quốc gia, có lẽ Việt Nam nắm chắc phần thắng!".

Câu chuyện người tham gia giao thông ở Hà Nội vượt đèn đỏ diễn ra ở bất cứ ngã tư nào có đèn tín hiệu giao thông. Thành phần vượt đèn đỏ cũng đa dạng và phong phú, từ người già, trung tuổi, thanh niên, học sinh, người đi bộ. Đương nhiên, đi kèm với mỗi lần vượt đèn đỏ, người ta sẽ có một lý do để biện minh cho hành động thiếu văn hóa này.

Với ô tô, vượt đèn đỏ sẽ bị xử phạt nặng nếu như bị lực lượng chức năng cụ thể là Cảnh sát giao thông phát hiện và bắt giữ phương tiện. Trong quá trình ô tô vượt đèn đỏ mà không gây ra tai nạn giao thông, không đâm phải ai, hay không bị ai đâm vào thì đó là "phúc lớn" đối với người điều khiển.

Ô tô vượt đèn đỏ cũng là một trong những loại phương tiện bị dân tình lên án nhiều nhất bởi lẽ, ai cũng biết mức độ nguy hiểm mà ô tô gây ra cho các phương tiện giao thông khác khi không may xảy ra tai nạn.

Những kỷ lục đáng buồn về văn hóa giao thông ở Hà Nội - 1

Một người đi xe máy dừng đèn đỏ ở ngã tư bị khuất tầm nhìn,  khi đèn đỏ còn 3 giây đã vít ga đi thẳng.

Những kỷ lục đáng buồn về văn hóa giao thông ở Hà Nội - 2

Hậu quả, khi đi đến giữa ngã tư thì bị một xe tải phi thẳng vào đè lên người. Rất may mắn, người đi xe máy thoát chết kỳ diệu.

Những lý do mà cánh lái xe ô tô thường hay đưa ra để biện minh cho hành động sai trái, vi phạm nghiêm trọng luật lệ giao thông có thể kể đến như sau; không để ý tín hiệu đèn, vừa hay đến vạch thì đèn chuyển tín hiệu nên lỡ đi tiếp, gia đình, hay cá nhân đang có việc gấp và đặc biệt là vắng bóng lực lượng chức năng làm nhiệm vụ ở các điểm có đèn tín hiệu giao thông.

"Vô sừng vô sẹo" là biệt danh mà một số người dành tặng cho những thành phần tham gia giao thông bằng xe máy không bao giờ chịu dừng đèn đỏ, chịu đội mũ bảo hiểm. "Đen" lắm mới bị Cảnh sát giao thông xử phạt, chưa thấy chuyện phạt nguội người đi xe máy ở Hà Nội.

Qua các ngã tư chúng ta có thể dễ dàng nhận dạng những thành phần này. Thanh niên mới lớn hay còn gọi là "trẻ trâu", hễ ngồi lên xe máy đi ra đường thì chẳng bao giờ chịu đội lên đầu chiếc mũ bảo hiểm, điều khiển xe chạy với tốc độ cao, lạng lách đánh võng làm nhiều người khiếp vía và đặc biệt nói "không" với việc dừng đèn đỏ. Khi điều khiển xe đến những ngã tư nơi có đèn tín hiệu giao thông, mắt trước mắt sau, liếc ngang ngó dọc rồi luồn lách đủ kiểu để vượt qua.

Trên các trục đường trung tâm thành phố, nhiều nam thanh nữ tú lấp ló hình xăm, ăn mặc sang trọng, nước hoa thơm mát, đi xe Sh nhưng chẳng bao giờ thấy đội lên đầu chiếc mũ bảo hiểm. Không ít bạn đọc phải thốt lên rằng "sao khi ra đường những thành phần như thế ít khi thấy họ bị lực lượng chức năng xử lý".

Còn phải kể đến nhiều người dân nhìn hiền lành "như bụt" vậy mà cũng thi nhau bon chen vài chục giây đồng hồ để rồi tự đẩy mình vào thế khó, đến khi bị bắt, bị xử phạt thì xin xỏ đủ điều.

Văn hóa giao thông Hà Nội là một bức tranh muôn màu, ai tiện tay cầm màu nào thì vẽ lên màu đó. Người thì bảo do ý thức chưa cao, người thì bảo do hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Có nhiều người thì nghĩ "đường là của nhà mình" thích đi thế nào thì đi.

Muốn biết văn hóa giao thông ở Hà Nội hiện đang ở ngưỡng nào, có lẽ chỉ cần ra một ngã tư ngồi uống cốc trà đá trên vỉa hè, rồi quan sát trong khoảng đôi ba nhịp đèn xanh đỏ là mọi người sẽ có được câu trả lời rõ ràng nhất.

"Tôi từng tận mắt chứng kiến một vụ tai nạn giao thông thảm khốc cũng chỉ vì hành vi vượt đèn đỏ. Một người đi xe máy trên đường đi chợ bán hàng về thì phải, vì trên xe chở nhiều đồ. Tất cả mọi người đang đứng đèn đỏ tại ngã tư, ngã tư này bị khuất tầm nhìn. Khi đèn đỏ còn 3 giây nữa mới chuyển sang đèn xanh thì người đi xe máy vội tăng ga đi thẳng mà không quan sát. Lên đến giữa ngã tư thì bị một chiếc xe tải chạy cố để không phải dừng đèn đỏ đâm vào. Hậu quả người điều khiển xe máy bị xe tải cán qua người chết tại chỗ. Hình ảnh đó ám ảnh tôi suốt một thời gian dài", một bạn đọc chia sẻ.

"Ở Hà Nội chuyện vượt đèn đỏ diễn ra như cơm bữa, có lần tôi đang dừng đèn đỏ ở ngã tư Lê Văn Lương - Nguyễn Tuân, khi đó còn phải đến hơn chục giây nữa mới chuyển sang đèn xanh nhưng hàng chục người đi xe máy tăng ga vượt đèn đỏ làm cho những phương tiện đang được phép lưu thông buộc phải giảm tốc độ để nhường đường nếu không sẽ xảy ra va chạm", bạn đọc ngán ngẩm.

"Tôi từng có lần vượt đèn đỏ tại ngã tư Láng Hạ - Thái Hà dưới gầm cầu vượt. Khi lên Đội phạt nguội, lúc đầu có ý định xin... do vội, sợ lỡ cuộc hẹn. Nhưng khi được các đồng chí ở Đội đèn cho xem lại clip thì tự mình còn không chấp nhận nổi với bất cứ lý do gì, sau đó xin nộp phạt thật nhanh cho đỡ xấu hổ!". Một bạn đọc đã từng vượt đèn đỏ "ăn năn hối lỗi" khi được lực lượng chức năng cho xem lại lỗi vượt đèn đỏ của mình chia sẻ.

Có lẽ đây là "của hiếm" thể hiện ý thức tham gia giao thông của một người dân đang sinh sống ở Hà Nội. Khi nào ra đường mới thấy được người dân tham gia giao thông văn minh, một câu hỏi lớn mà có lẽ phải qua nhiều thế hệ nữa mới có được câu trả lời.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm