Tình huống pháp lý hay trong vụ kiện giao kết công nghệ
(Dân trí) - Công ty Hải Âu kiện Công ty CMC ra tòa vì mua phần mềm hơn 800 triệu đồng nhưng không dùng được.
Báo Dân trí nhận được đơn của Công ty Hải Âu, phản ánh việc họ bỏ ra trên 800 triệu đồng thuê Công ty CMC cung cấp phần mềm nhưng không dùng được...
Bà Nguyễn Thị Lê Na, đại diện của Công ty cổ phần tập đoàn Hải Âu (trụ sở tại 72 Miếu Đầm, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội - gọi tắt là Hải Âu) cho biết, ngày 30/8/2018, Hải Âu ký hợp đồng với Công ty TNHH giải pháp phần mềm CMC (tầng 14 tòa nhà CMC, Duy Tân, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội - gọi tắt là CMC).
Nội dung hợp đồng là CMC cung cấp cho Hải Âu bản quyền phần mềm và dịch vụ triển khai phần mềm hệ thống thông tin quản lý doanh nghiệp Sap Business one. Tổng giá trị hợp đồng là 802.912.500 đồng.
Tuy nhiên, bà Lê Na cho biết, sau khi đặt bút ký vào hợp đồng trên, tiến độ hợp đồng và dịch vụ hỗ trợ bị chậm trễ.
Cụ thể, theo hợp đồng, ngày khởi động dự án được tính là ngày chuyển tiền thực thi hợp đồng (11/10/2018), thời gian kéo dài của dự án là không quá 4 tháng. Thế nhưng, tới tận 16/10/2019, CMC mới bàn giao tài liệu cho Hải Âu.
Phía Công ty Hải Âu cho rằng phần mềm không thể sử dụng được vì không nhận dữ liệu, nhập liệu không ra báo cáo hoặc liên tục báo lỗi. Thậm chí nhiều khi không thể mở được phần mềm để sử dụng.
Bà Lê Na cho biết, Hải Âu đã nhiều lần liên hệ với CMC để được hỗ trợ thì gặp khó khăn trong việc tiếp cận tổng đài chăm sóc khách hàng, có những lỗi đến một tuần vẫn chưa được phía đối tác tiếp nhận, phản hồi, Công ty Hải Âu chỉ còn cách gửi email để trình bày.
Ngày 27/11/2019, trong cuộc gặp chính thức 2 bên, 2 doanh nghiệp không thống nhất được tiếng nói chung, phía Hải Âu đã nộp đơn lên tòa.
Tiếp tục thưa kiện
Ngày 28/9/2022, Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy đã xét xử sơ thẩm vụ kiện này, đồng thời bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là công ty Hải Âu bao gồm: Hoàn trả số tiền 649,7 triệu đồng đã thanh toán theo hợp đồng, phí chịu phạt là 8% giá trị hợp đồng theo cam kết và số tiền 209,3 triệu đồng chi phí thuê sever - quản trị doanh nghiệp để vận hành phần mềm lỗi.
Ngày 14/11, Hải Âu nộp đơn kháng cáo vì không đồng tình với kết luận của tòa sơ thẩm.
Ngày 19/5, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội xử phúc thẩm vụ việc này và nhận định, trong hợp đồng hai bên có thỏa thuận thực hiện kế hoạch theo từng giai đoạn. Hai bên đã tiến hành đào tạo theo kế hoạch công việc gửi cho nhau, có ngày tháng năm triển khai chi tiết, có ký nhận đều ghi mức độ công việc là hoàn thành.
Như vậy, thời gian thực hiện hợp đồng nếu có chậm vài ngày, nhưng nguyên đơn vẫn chấp nhận thực hiện cùng với bị đơn, thì không coi là vi phạm dẫn tới phải chấm dứt hợp đồng.
Tại phụ lục 2 của hợp đồng nêu rõ, chi phí đầu tư bản quyền phần mềm và dịch vụ triển khai (một lần) đã ghi rõ số tiền với mỗi user (người dùng) là bao nhiêu, loại chuyên nghiệp hay loại hạn mức giá tiền cũng khác nhau, cụ thể là chi phí mua 5 user là 263.250.000 đồng.
Theo đó, Công ty CMC cam kết cung cấp cho Công ty Hải Âu sử dụng truy cập tối đa 100 user cùng lúc và có thể sử dụng đầy đủ tính năng của phần mềm. Điều này được hiểu đây là cam kết của Công ty CMC trong trường hợp Công ty Hải Âu cần sử dụng với những user khác nhau (thì sẽ có giá tiền khác nhau), chứ không phải Công ty CMC buộc phải cung cấp miễn phí cho Công ty Hải Âu.
Căn cứ Biên bản xác nhận bàn giao hệ thống Sap Business one vào vận hành được hai bên ký ngày 15/4/2019, có nội dung: "Công ty CMC đã hoàn thành triển khai và đưa vào vận hành phần mềm quản lý doanh nghiệp SAP B1 tại Công ty Hải Âu" và "Hai bên cùng nhất trí nghiệm thu Biên bản xác nhận bàn giao hệ thống SAP business one đưa vào vận hành".
Nội dung xác nhận này phù hợp với yêu cầu đặt ra tại giai đoạn 5: đưa hệ thống vào vận hành. Án sơ thẩm xử không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ.
Từ những phân tích trên và theo đề nghị của vị đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội, Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Ngày 8/8, Hải Âu gửi đơn đề nghị giám đốc thẩm lên Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đề nghị xem xét lại Bản án phúc thẩm số 94/2023/KDTM-PT ngày 19/5/2023 của Tòa án Nhân dân TP Hà Nội về việc "tranh chấp hợp đồng cung cấp bản quyền phần mềm" giữa nguyên đơn là Công ty Hải Âu và bị đơn là Công ty CMC".
Đại diện Hải Âu cho rằng tại phiên sơ thẩm và phúc thẩm, Tòa án Nhân dân quận Cầu Giấy và Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đã không xem xét, đánh giá toàn diện tài liệu, chứng cứ trong vụ án để giải quyết tranh chấp.
Tòa kết luận việc CMC chậm hỗ trợ là do Hải Âu chưa thanh toán số tiền còn lại, cũng do bên Hải Âu không tuân thủ quy định về thanh toán nên CMC mới chậm hỗ trợ. Tuy nhiên, Hải Âu cho rằng, vì CMC chưa xong phần mềm nên Hải Âu chưa thanh toán số tiền còn lại.