Những vấn đề pháp lý từ vụ chủ quán bánh mỳ Phượng ở Hội An bị kiện

PV

(Dân trí) - Theo luật sư, nạn nhân cần xác định chính xác người bị kiện, nội dung yêu cầu bồi thường, thẩm quyền giải quyết của Tòa án và cung cấp tài liệu khởi kiện kèm theo đơn để Tòa án xem xét thụ lý.

Như đã đưa tin, ngày 19/12, lãnh đạo Tòa án nhân dân TP Hội An xác nhận, nhiều nạn nhân vụ ngộ độc bánh mì Phượng nộp đơn kiện bà Trương Thị Phượng vì gây ra vụ ngộ độc tập thể hồi giữa tháng 9 vừa qua.

Trước đó, trong các ngày 11 và 12/9, nhiều người sau khi sử dụng bánh mỳ tại quán có triệu chứng sốt cao, nôn mửa, đau bụng, đi phân lỏng nhiều lần và kéo dài. Kết luận của cơ quan chức năng chỉ ra có tổng cộng 313 người bị ngộ độc thực phẩm bởi vi khuẩn Salmonella. UBND tỉnh Quảng Nam sau đó đã ra các quyết định xử phạt hành chính tổng số tiền 96 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 3 tháng đối với quán Bánh mỳ Phượng.

Trường hợp này, các nạn nhân bị ngộ độc có quyền khởi kiện yêu cầu bà Phượng bồi thường những chi phí nào? Những vấn đề nào cần được chứng minh, làm rõ để Tòa án xem xét thụ lý hồ sơ khởi kiện? là những điều mà độc giả còn băn khoăn.

Những vấn đề pháp lý từ vụ chủ quán bánh mỳ Phượng ở Hội An bị kiện - 1

Viện Pasteur Nha Trang phát hiện vi khuẩn Bacillus cereus sinh độc tố trong các mẫu nguyên liệu của tiệm bánh mì Phượng gồm chả heo, rau xà lách, rau răm, hành, dưa leo (Ảnh: Công Bính).

Sáu vấn đề cần lưu ý khi khởi kiện

Theo dõi vụ việc, luật sư Nguyễn Văn Tuấn (Giám đốc Công ty Luật TGS, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá, dưới góc độ xã hội, đây là sự việc đáng tiếc, gây tổn hại về sức khỏe, tiền bạc cho nhiều người và làm ảnh hưởng tới uy tín của một trong những quán ăn được ưa thích hàng đầu tại thành phố Hội An. Còn dưới góc độ pháp lý, việc các nạn nhân nộp đơn khởi kiện lên TAND TP Hội An là động thái phù hợp nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, ông Tuấn cho biết việc nộp đơn khởi kiện không đồng nghĩa Tòa án mặc nhiên sẽ thụ lý hồ sơ của các nạn nhân. Để có đủ cơ sở pháp lý cho yêu cầu khởi kiện của bản thân, các nạn nhân cần chứng minh một số vấn đề sau:

Thứ nhất, nạn nhân cần xác định rõ quyền khởi kiện của bản thân và chứng minh được rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình đã bị xâm phạm bởi các hành vi có lỗi của bà Phượng, gây thiệt hại về sức khỏe, tài sản cho bản thân. Khi đó, họ có quyền khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu giải quyết theo quy định của pháp luật. Nếu chủ thể đó không thể tự mình khởi kiện thì có thể thông qua người đại diện theo ủy quyền.

Thứ hai, cần xác định rõ tư cách đương sự, mà cụ thể là người bị khởi kiện trong trường hợp này là bà Phượng hay cơ sở kinh doanh Bánh mỳ Phượng;

Thứ ba, cần xác định chính xác mối quan hệ tranh chấp trong trường hợp này là gì. Xác định đúng quan hệ tranh chấp thì sẽ áp dụng đúng pháp luật để vụ việc được giải quyết nhanh chóng, hạn chế tình trạng áp dụng không đúng, vụ việc có thể phải giải quyết lại từ đầu, gây mất thời gian, công sức và chi phí của các đương sự.

Thứ tư, phải xác định thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Chủ thể phải dựa trên quy định của pháp luật để xác định vấn đề này có thuộc thẩm quyền của Tòa án hay không và chính xác Tòa án nào có thẩm quyền thụ lý giải quyết để tránh việc chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án khác gây lãng phí thời gian và tiền bạc.

Thứ năm, các nạn nhân cần chuẩn bị, thu thập những chứng cứ, tài liệu xác định có hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại, yếu tố lỗi của phía bà Phượng; bản kê những thiệt hại thực tế xảy ra kèm theo các hóa đơn viện phí, hồi phục sức khỏe và các giấy tờ tài liệu khác liên quan đến vụ việc gửi kèm theo đơn khởi kiện.

Thứ sáu, về đơn khởi kiện, hình thức đơn khởi kiện phải rõ ràng, đầy đủ; nội dung cần trình bày được những vấn đề cơ bản theo quy định tại Khoản 2 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Trường hợp người khởi kiện là cá nhân phải kí tên hoặc điểm chỉ còn nếu người khởi kiện là cơ quan, tổ chức thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải kí tên và đóng dấu vào phần cuối đơn.

Về yêu cầu bồi thường, ông Tuấn nhìn nhận đây là vụ việc gây ra thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm cho các nạn nhân. Do đó, các nạn nhân cần căn cứ Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015 và đưa ra đề xuất bồi thường với những khoản bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc điều trị và phục hồi chức năng; Thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút do vụ ngộ độc; Chi phí cho phần thu nhập bị mất của người chăm sóc trong thời gian điều trị và các khoản thiệt hại khác do luật định.

Những vấn đề pháp lý từ vụ chủ quán bánh mỳ Phượng ở Hội An bị kiện - 2

Ngày 17/12, tiệm bánh mì Phượng mở cửa trở lại, tuy nhiên ngày 18/12, chủ tiệm đóng cửa (Ảnh: Công Bính).

Ngoài ra, người gây thiệt hại còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho nạn nhân. Mức bồi thường do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì hạn mức tối đa bằng 50 lần mức lương cơ sở, tức 90 triệu đồng.

Chung nhận định, luật sư Trương Văn Tuấn (Trưởng Văn phòng luật sư Trạng Sài Gòn, Đoàn Luật sư TPHCM) cũng cho rằng để củng cố cho yêu cầu khởi kiện, các nạn nhân cần nộp kèm chứng cứ chứng minh cho những yêu cầu khởi kiện của mình là có căn cứ và hợp pháp, cụ thể bao gồm những tài liệu như: Hóa đơn nằm viện, hóa đơn thuốc men, bảng lương trong những ngày phải nghỉ do sự cố ngộ độc thực phẩm hay hóa đơn tàu xe, đi lại.

Trong trường hợp tòa án thụ lý, các nạn nhân có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, căn cứ quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015 và bồi thường tổn thất về tinh thần với mức tối đa theo luật định (trong trường hợp không thể thỏa thuận) là 90 triệu đồng.

Giải quyết ra sao nếu nạn nhân là du khách nước ngoài?

Trong số hàng trăm nạn nhân bị ngộ độc, có không ít người là du khách nước ngoài. Đối với những trường hợp này, luật sư Trương Văn Tuấn cho biết theo Điều 465 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, người nước ngoài có quyền khởi kiện đến Tòa án tại Việt Nam để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm phạm. Khi tham gia tố tụng, người nước ngoài có quyền, nghĩa vụ tố tụng như công dân Việt Nam.

"Như vậy, những người nước ngoài bị ngộ độc hoàn toàn có quyền khởi kiện đến Tòa án tại Việt Nam để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm phạm. Các quyền và nghĩa vụ của họ sẽ được đảm bảo tương tự công dân Việt Nam.

Trong trường hợp không thể có mặt tại Việt Nam để tham gia tố tụng, những người nước ngoài bị ngộ độc nên ủy quyền lại cho cá nhân khác ở Việt Nam để thuận tiện hơn trong quá trình giải quyết vụ án. Nếu họ không có yêu cầu, Tòa án sẽ không xem xét trách nhiệm bồi thường của phía bà Phượng đối với những người này", luật sư phân tích.

Hoàng Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm