Tìm nụ cười thân thiện trên xe buýt

Tình cảm và sự quan tâm giữa người và người thường thể hiện bằng nụ cười và những lời thăm hỏi. Nhưng buồn thay, chưa bao giờ tôi tìm thấy thái độ thân thiện đó ở trên những tuyến xe buýt…

Tôi thường đi tuyến xe buýt Kim Mã-Sơn Tây. Quả thật tuyến xe này đã đem đến cho những người dân sinh sống, học tập và làm việc ở Hà Nội hay Sơn Tây những lợi ích to lớn, vừa tiết kiệm thời gian vừa giảm chi phí đi đường; chỉ cần 15.000 đồng cộng với hơn một giờ đồng hồ là có thể đi từ đầu bến đến cuối bến. Và khi những lợi ích ấy được hiển hiện rõ mười mươi thì người dân dần dần từ chối các chuyến xe khách để ồ ạt lên chuyến xe buýt này.

 

Vì có chồng là bộ đội đóng quân ở Sơn Tây, khi tìm hiểu lộ trình của xe buýt, tôi cũng rất vui mừng vì đã tìm được tuyến xe phù hợp cho những chuyến “tranh thủ ngược- xuôi” của hai mẹ con. Xuất phát từ bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) dù xe buýt vẫn còn khoảng trống để đứng nhưng vì phải bế con nhỏ nên tôi rất vất vả.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Người phụ xe cũng thấy được điều ấy, cho nên phải lên tiếng: “Một người trẻ trung đứng lên nhường chỗ cho bà mẹ-trẻ em”. Nhưng chỉ nói vậy mà không can thiệp cụ thể. Thế là mọi người làm ngơ, hình như điều nhắc nhở đó là dành cho người khác, còn họ-dù là chàng trai hay cô gái- cứ thản nhiên ngồi vô tư, mặt lạnh như tiền, không hề tỏ thái độ. Mà đấy là điều nằm trong nội quy treo phía trước của hầu hết các tuyến xe buýt đã quy định phải nhường chỗ cho phụ nữ mang thai, người tàn tật, cụ già và trẻ nhỏ. Thế nhưng những người trẻ tuổi không tự giác thực hiện nội quy đi xe và người có trách nhiệm trên xe cũng chỉ nhắc nhở một lời chung chung, còn có ai thực hiện hay không thì kệ.

                                                                       

Dù câu thông báo ấy không quá nhỏ nên bất kỳ ai ngồi trên xe buýt cũng có thể nghe thấy. Nhưng dường như trọng lượng của nó nhẹ như bấc, cho nên người phụ xe nói xong thì nó bay vèo ra cửa sổ và không ai có thịnh tình “phúc đáp”. Chiếc xe chuyển bánh. Tôi không thể đứng vững khi phải bế con. Điều ấy cũng chẳng ảnh hưởng gì đến thiên hạ cả dù đó là một thanh niên trai tráng hay một người phụ nữ trẻ trung che kín mặt. Dường như đối với tất cả mọi người trên xe, việc một phụ nữ bế con nhỏ đứng chông chênh chẳng khiến ai phải bận tâm.

 

Đặt giả thiết, nếu có một người đứng dậy và nhường chỗ, điều đó cũng đồng nghĩa với việc người đó phải chấp nhận đứng suốt quãng đường dài hơn 50 km. Và tinh thần “hy sinh” vì người khác hầu như tự nó đã mai một trong cơ chế thị trường thì phải. Điều người ta suy nghĩ lúc này có lẽ là yêu cầu của người phụ xe không phải dành cho mình. Với lại người xưa vẫn có câu: “ăn có mời, làm có khiến”, người ta có chỉ đích danh mình đâu, chẳng tội gì phải thể hiện sự năng nổ trong lúc này để tự chuốc lấy sự mỏi gối chùn chân qua 50 km chứ có phải ít đâu…

 

Thế là cảnh bà mẹ - trẻ em phải cố gắng trụ vững để bồng bế nhau trên suốt chặng đường dài hầu như không động lòng đến ai, cả người chịu trách nhiệm trên xe lẫn hành khách. Họ vẫn thản nhiên giữ bộ mặt vô cảm, không ai có nụ cười thân thiện hoặc một lời thăm hỏi…

 

Cũng trong một chuyến đi xe buýt, tôi nghe được câu chuyện của một sinh viên năm thứ nhất trường ĐH Thương mại. Cậu ta bảo: đi xe buýt đối với sinh viên là một giải pháp hữu hiệu cho túi tiền lúc nào cũng “viêm”. Nhưng vì lượng sinh viên đi quá đông nên văn hoá xe buýt giờ đây lộn xộn lắm, bắt đầu từ các điểm dừng, những buổi đi học phải chen chân nhau lên xe là điều rất bình thường. Có chuyến xe buýt chỉ dừng lại đúng 5 giây trong khi dòng sinh viên lũ lượt. Và điều gì đến sẽ phải đến nên có lần một sinh viên vừa nhảy lên được bậc xe, chưa kịp đưa hết người vào trong thì cánh cửa đóng sập. Và người ở trong, còn balô “con cóc” ở ngoài. Thế là bao nhiêu sách vở cho ngày học hôm ấy văng xuống đường. Chiếc xe buýt cứ vù vù lao đi. Cậu sinh viên có van nài mấy bác tài xế cũng chịu vì xe đã xuất bến. Còn chiếc ba lô đứt quai kia cứ thả sức lăn lông lốc giữa lòng đường… không biết rồi sẽ rơi vào tay ai.

 

Qua những chuyến xe buýt như vậy, câu sinh viên ấy buồn lòng mà nhận xét: sao mà con người Việt Nam mình trên xe buýt sao lại kém thân thiện đến thế. Hầu hết mọi người khi ngồi hay đứng cũng đều mang vẻ mặt lạnh như tiền chẳng thèm ngó ngàng hay trò chuyện với ai. Thậm chí, có những người phụ nữ vẫn giữ nguyên chiếc khăn bịt kín mặt trong khi xe buýt đã được bật điều hoà! Cậu sinh viên than phiền: “Trên xe buýt, nhiều khi em muốn nghe một câu nói thân tình hay nhìn thấy một nụ cười thân thiện mà chưa bao giờ có được hạnh phúc nhỏ nhoi đó”.

 

Hoàng Hoa

 

 

LTS Dân trí - Qua hai câu chuyện nhỏ nói trên, chúng ta thấy “Văn hoá ứng xử trên xe buýt” tưởng đơn giản nhưng lại thật phức tạp vì đấy là văn hoá ở nơi công cộng, văn hóa của mọi người. Nếu như mỗi người có ý thức cởi mở, thân thiện, biết quan tâm đến người khác một chút… thì chắc rằng cuộc đời nay sẽ đẹp hơn và mọi người sẽ cảm thấy thoái mái hơn. Chắc chắn khi đó, người phụ nữ cùng với con nhỏ của mình hay cậu sinh viên kia không còn mất công tìm kiếm nụ một nụ cười thân thiện trên xe buýt …

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm