TikToker miệt thị người nghèo, tạo video "bẩn" có thể bị xử phạt thế nào?

Hải Hà

(Dân trí) - Theo luật sư, hành vi câu view rẻ tiền với những nội dung bẩn, phản cảm trái đạo đức xã hội chuẩn mực đạo đức, lấy người nghèo để làm trò đùa có thể bị phạt tới 20 triệu đồng

Như đã đưa tin, TikToker Nờ Ô Nô (còn được biết đến với tên gọi Tuấn Brice) chuyên review các quán ăn, có hơn 670.000 lượt follow, đã bị khóa tài khoản vĩnh viễn vì vụ tạo video "bẩn", miệt thì người nghèo.

Theo đó, trong clip "Người nghèo ăn gì - Nờ Ô Nô cho ăn đó", nằm trong series "Một ngày tử tế" của TikToker này với nội dung gặp những hoàn cảnh vô gia cư, hỏi họ thích ăn gì và sẽ tặng. Tuy nhiên, anh đã có cách nói chuyện với bà cụ bằng những từ mà cư dân mạng xem là quá khó nghe và không thể nào chấp nhận được như: "Hello (xin chào) bà già nghèo khổ giữa trời đông cô đơn", "Nghèo mà còn chê đồ ăn, vậy thôi khỏi ăn, giờ hỏi lại có ăn hay không?", "Phở rẻ vậy mà không có tiền mua ăn nữa…", "Chúc bà nhiều sức khỏe, vượt qua mùa đông nghèo khổ, bớt nghèo lại đi nha, không ai giúp hoài đâu nha",…

TikToker miệt thị người nghèo, tạo video bẩn có thể bị xử phạt thế nào? - 1

Video "Người nghèo ăn gì - Nờ Ô Nô cho ăn đó" gây bức xúc (Ảnh: Chụp màn hình).

Sau khi bị cộng đồng mạng phẫn nộ, nam TikToker đã đăng clip giải thích và cho rằng, những câu nói đó chỉ mang tính "cho vui". Các hành động của mình đều chứng minh bản thân là người có học thức, rất tôn trọng người lớn.

Với hành động của mình, TikToker Nờ Ô Nô bị cư dân mạng kêu gọi tẩy chay trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok. Nhiều người còn thắc mắc, việc miệt thì người nghèo nói riêng và người khác nói chung trên các nền tảng mạng xã hội có thể bị xử phạt ra sao?

Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết: Việc giúp đỡ người nghèo là một hành động thể hiện tinh thần tương thân tương ái phù hợp với truyền thống đạo đức, thuần phong mỹ tục của người Việt Nam. Tuy nhiên, người làm từ thiện cũng phải hiểu, người nghèo khó rất cần sự chia sẻ, giúp đỡ của cộng đồng, nhưng việc giúp đỡ họ cũng cần được thực hiện với sự tôn trọng chứ không phải như sự ban ơn hay thậm chí là bố thí…

Hành vi câu view rẻ tiền với những nội dung bẩn, phản cảm trái đạo đức xã hội chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục, mong muốn nổi tiếng theo cách thị phi, lấy người nghèo để làm trò đùa cợt. Đó là hành vi rất đáng trách, đáng lên án, do đó cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc, xử lý thật nghiêm đối với người này.

Theo đó, hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân người khác là hành vi bị cấm theo quy định tại Điều 8 của Luật An ninh mạng năm 2018 và là hành vi vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội theo quy định tại Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 14/2022/NĐ - CP và Tiktoker này có thể bị phạt tiền lên tới 20 triệu đồng.

Luật sư nhấn mạnh rằng, mọi hành vi hoạt động trên mạng xã hội đều dưới sự quản lý của pháp luật. Chính vì vậy, các cá nhân, tổ chức cần hết sức thận trọng, cân nhắc khi đăng tải những hình ảnh, video lên mạng xã hội. Hãy nên nhớ rằng mạng xã hội là con dao hai lưỡi, một mặt có thể giúp bạn có thêm nhiều thông tin, làm bạn được nhiều người biết tới thậm chí là nổi tiếng nếu bạn có content "sạch" và ngược lại thông tin không phù hợp với pháp luật thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, không những thế, những người vi phạm còn bị xã hội tẩy chay, lên án.