Cô đồng bổ cau xem bói "đúng nhận, sai cãi" có thể bị xử phạt thế nào?

Khả Vân

(Dân trí) - Hiện nay không ít các cá nhân đã lợi dụng mạng xã hội để tổ chức hoạt động bói toán nhằm thu lợi bất chính, gây hoang mang lo lắng cho người dân và thực chất đây là hoạt động mê tín dị đoan.

Các cơ quan chức năng thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương đang vào cuộc xác minh, làm rõ hành vi của "cô đồng" T.H. - người nổi tiếng trên mạng xã hội nhiều ngày qua bằng cách xem bói qua hình thức bổ cau. Cô này vừa ngồi bổ cau, vừa nói về "lá số tử vi" của người khác với câu kết "đúng nhận, sai cãi".

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, người phụ nữ trên sử dụng tài khoản mạng xã hội Tiktok với tên "cô đồng T.H", trú phường Hiến Thành, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.

Cô đồng bổ cau xem bói đúng nhận, sai cãi có thể bị xử phạt thế nào? - 1

Cô đồng T.H trở nên nổi tiếng nhờ các video bổ cau, xem bói (Ảnh chụp màn hình).

Mặc dù hoạt động trên mạng xã hội từ lâu, nhưng gần đây, bà T.H mới được nhiều người biết đến qua những video vừa bổ cau, vừa xem bói đăng tải trên TikTok và Facebook.

Không chỉ xem số mệnh, dự đoán về công việc, tình duyên, người phụ nữ còn nói về gia thế, thậm chí chỉ đích danh họ tên các thành viên trong gia đình của người hỏi.

Bình luận về sự việc, độc giả Dân trí cho rằng còn rất nhiều những cô đồng xem bói, cúng bái kiểu như thế này và đề nghị nhà nước nên có những khuyến cáo và phát ngôn chính thống cũng như chế tài xử phạt thích đáng.

"Rất nhiều người tiền mất tật mang, bao gia đình tan nát vì những thứ này", độc giả Nguyễn Hoàng viết.

"Chiêu trò làm kinh tế của những kẻ lười lao động bằng cách lừa bịp. Tại sao lại tin được và tại sao mọi người cứ mù quáng về bói toán nhỉ?", độc giả Trương Thắng.

Cơ quan chức năng đã vào cuộc, vậy với những hành vi đó "cô đồng" "đúng nhận, sai cãi" này có thể chịu đối diện hình thức xử lý như thế nào là điều khiến nhiều người quan tâm.

Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội cho biết, hành nghề mê tín, dị đoan được hiểu là: Hành vi dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác.

Mê tín, dị đoan được hiểu là sự mù quáng, tin vào thần thánh, ma quỷ, định mệnh… không có cơ sở khoa học. Nhà nước ta cho phép và tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân nhưng nghiêm cấm mọi hoạt động mê tín dị đoan nhằm đảm bảo trật tự xã hội và nếp sống văn minh xã hội chủ nghĩa.

Hiện nay không ít các cá nhân đã lợi dụng mạng xã hội để tổ chức hoạt động bói toán nhằm thu lợi bất chính, gây hậu quả xấu và làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, gây hoang mang lo lắng cho người dân và thực chất đây là hoạt động mê tín dị đoan. 

Vì vậy, đối với vụ việc của cô đồng T.H tại Kinh Môn, Hải Dương đang xuất hiện khá nhiều trên các nền tảng mạng xã hội, cần phải có sự nhanh chóng vào cuộc của cơ quan chức năng để xác minh, làm rõ việc xem bói bằng hình thức bổ cau và kịp thời xử lý nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Đối với những người có hành vi hoạt động mê tín dị đoan thì tùy vào tính chất, mức độ mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Cụ thể, người có hành vi tổ chức hoạt động mê tín dị đoan có thể bị xử phạt hành chính do vi phạm quy định về tổ chức lễ hội. Theo đó, người nào tổ chức hoạt động mê tín dị đoan có thể bị phạt tiền từ 15.000.000 - 20.000.000 đồng theo điểm đ Khoản 7 Điều 14 Nghị định 38/2021/NĐ-CP

Bên cạnh đó, trường hợp người dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hành nghề mê tín dị đoan theo Điều 320 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Trường hợp phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì có thể bị phạt tù lên đến 10 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 - 50.000.000 đồng theo Khoản 3 Điều 320 BLHS.

Cần nâng cao mức xử phạt để đảm bảo tính răn đe

Luật sư Tiền khuyến cáo, tử vi và bói toán chỉ nhằm tác động vào trạng thái tâm lý gọi chung là sự xác nhận chủ quan, sự ngộ nhận, đánh lừa nằm ở bộ não của chính chúng ta. Thực tế, không ít người mê xem bói đã bị kẻ xấu lợi dụng. Nhẹ thì bị rơi vào trạng thái lo lắng, thấp thỏm, bất an và sợ hãi. Nặng thì bị lừa gạt đến thân bại danh liệt, tiền mất tật mang.

Để ngăn chặn, hạn chế vấn nạn này thì các cơ quan chức năng và người dân cần nâng cao công tác phòng chống mê tín dị đoan. Cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cho người dân về hậu quả của việc mê tín dị đoan, đồng thời cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để phát hiện những trường hợp có hành vi quảng cáo mê tín dị đoan, hay các "thầy bói" có hành vi buôn thần bán thánh để nhanh chóng xử lý vi phạm, tránh những hậu quả không lường trước. 

Qua vụ việc trên có thể thấy việc hành nghề mê tín dị đoan vẫn còn xảy ra nhiều trên thực tế tuy nhiên cơ quan chức năng vẫn chưa kịp vào cuộc. Phải chăng quy định của pháp luật chưa đủ răn đe mà người có hành vi mê tín dị đoan lại ngang nhiên tuyên truyền trên mạng xã hội?

Như vậy, ngoài việc đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền, phổ biến về phòng chống mê tín dị đoan, pháp luật có thể nâng cao mức phạt để tăng tính răn đe đối với trường hợp vi phạm.