Bài 9:
Tiếp tục khởi tố lãnh đạo ngành tài nguyên “dính chàm” tại dự án du lịch Tây Yên Tử
(Dân trí) - Sau khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam 2 bị can nguyên là cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) liên quan sai phạm tại dự án du lịch Tây Yên Tử, Công an tỉnh Bắc Giang vừa tiếp tục ra quyết định khởi tố bị can với Trưởng phòng TN&MT huyện Sơn Động. Đáng chú ý là trước đó, Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang đã có công văn khẳng định không hề có sai phạm nào trong vụ việc đền bù này.
Thêm lãnh đạo ngành tài nguyên môi trường bị khởi tố
Trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo UBND huyện Sơn Động xác nhận Công an tỉnh Bắc Giang vừa ra quyết định khởi tố bị can, cho tại ngoại với ông Ngọc Minh Phụng, Trưởng phòng TN&MT. Ông Phụng bị khởi tố về hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến sai phạm trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án xây dựng Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử.
Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam 2 bị can nguyên là cán bộ Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) tỉnh Bắc Giang vì "Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất".
Hai bị can bị bắt gồm: Thân Đức Thanh, nguyên Trưởng phòng và Nguyễn Văn Lực, nguyên cán bộ Phòng Đo đạc, Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường.
Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định 2 bị can trên có nhiều sai phạm khi tham gia triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án xây dựng Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử, xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động. Hiện Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Công an Bắc Giang đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án.
Liên quan đến lùm xum trong việc lập hồ sơ phương án bồi thường giải phóng mặt bằng khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử (phương án đợt 8) tại xã Tuấn Mậu khi người dân kêu cứu và tố cáo UBND huyện Sơn Động, cá nhân phó chủ tịch huyện Giáp Văn Tâm buộc dân phải trả lại số tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng không đúng quy định pháp luật, Báo Dân trí đã có loạt bài điều tra nhiều kỳ.
Vụ việc tại huyện Sơn Động đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận bởi trong khi địa phương này cho rằng ông Tâm có công phát hiện sai phạm thì Sở TN&MT Bắc Giang có văn bản khẳng định không hề có sai phạm nào cả.
Cụ thể: Theo như thông tin chính thức từ UBND huyện Sơn Động, thì ông Giáp Văn Tâm, Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Động, Chủ tịch hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng dự án đã chủ động phát hiện sai phạm dẫn đến việc liên tục có các quyết định yêu cầu người dân phải hoàn trả tiền đền bù đã nhận. Thậm chí, cơ quan công an đã vào cuộc và người dân nhiều lần bị triệu tập để điều tra khiến tinh thần hết sức hoang mang và cuộc sống bị đảo lộn.
Tuy nhiên, điều hết sức bất ngờ là ngày 6/8/2018, Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang đã có Công văn số 1922/TNMT-KHTC do ông Ngô Văn Xuyên, Phó giám đốc ký gửi Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang khẳng định không hề có sai phạm nào trong vụ việc đền bù này.
Đáng chú ý là trước đó, Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang đã có công văn khẳng định không hề có sai phạm nào trong vụ việc đền bù này.
Từ đó, Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang đề nghị UBND huyện Sơn Động xem xét hủy bỏ các quyết định số 32/QĐ- UBND, Quyết định số 33/QĐ-UBND ngày 19/01/2018, giữ nguyên Quyết định số 451/QĐ-UBND ngày 10/11/2017, đồng thời giao trách nhiệm cho Hội đồng Bồi thường GPMB huyện Sơn động và Trung tâm kỹ thuật TNMTxem xét giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn tại, khẩn trương tiến hành lập các thủ tục về thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường, GPMB các đợt tiếp theo.
Được biết, ông Giáp Văn Tâm, Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Động là Chủ tịch Hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với dự án này, đã ký, ban hành các văn bản, quyết định và trực tiếp chỉ đạo, thực hiện công tác kiểm soát, rà soát và chi trả bồi thường tại huyện Sơn Động.
Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang còn đang phải đối mặt với vụ án sổ đỏ “ma” đặc biệt nghiêm trọng
Từ một mảnh đất được cấp nhiều sổ đỏ, nguyên cán bộ VKSND tỉnh Bắc Giang Trịnh Thị Thanh cùng chồng là Đỗ Đức Kiên đã lừa đảo chiếm đoạt nhiều tỷ đồng.
Cặp vợ chồng siêu lừa này báo mất sổ đỏ rồi làm thủ tục đề nghị xin cấp lại sổ đỏ. Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang ra quyết định huỷ sổ đỏ được báo mất và cấp lại cuốn sổ đỏ mới. Tuy nhiên, sau đó, vợ chồng Thanh Kiên mang sổ đỏ mới thế chấp vay ngân hàng và dùng cuốn sổ đỏ cũ đã bị Sở TN&MT Bắc Giang huỷ bán cho bà Vũ Thanh Hương. Đặc biệt, hợp đồng chuyển nhượng này được văn phòng công chứng Thiên Long công chứng ngày 26/9/2017, số công chứng 2614/2017/HĐGD, quyển số 01/TP/CC-SCC/HĐGD.
Ngày 22/11/2017, bà Vũ Thanh Hương (bên nhận chuyển nhượng) đã tiếp tục được Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang cấp sổ đỏ cho mảnh đất này. Trong khi, trước đó, chính cơ quan này đã ra quyết định huỷ cuốn sổ đỏ cũ mà vợ chồng Thanh Kiên báo mất.
Vụ lừa đảo không dừng lại ở đó mà đến ngày 04/01/2018, ông Đỗ Đức Kiên, bà Trịnh Thị Thanh tiếp tục dùng Giấy chứng nhận mới (được cấp lại do mất) lập hợp đồng chuyển nhượng cho ông Nguyễn Văn Hiếu, bà Tạ Minh Nguyệt được Văn phòng công chứng số 1 tỉnh Bắc Giang công chứng ngày 04/01/2018, số công chứng: 15/2018, quyển số 01/TP/CC-SCC/HĐGD. Ngày 05/01/2018, ông Nguyễn Văn Hiếu nộp hồ sơ đăng ký nhận chuyển nhượng thửa đất nêu trên.
Trụ sở Văn phòng công chứng Thiên Long tại TP Bắc Giang.
Vậy trách nhiệm của Văn phòng công chứng Thiên Long và các cán bộ lãnh đạo liên quan thuộc Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang thế nào trong vụ án lừa đảo này?
Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhận định: Theo Điều 2 Luật Công chứng, tính hợp pháp của văn bản công chứng được xây dựng từ hồ sơ hợp lệ, hợp pháp của người đến đề nghị công chứng. Công chứng viên trực tiếp xử lý vụ việc công chứng phải có trách nhiệm kiểm tra giá trị pháp lý của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với việc mua bán bất động sản. Trường hợp có nghi ngờ thì công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định; trường hợp không làm rõ được thì có quyền từ chối công chứng.
Trường hợp văn phòng công chứng không kiểm soát, không phát hiện ra sổ đỏ đã bị thu hồi, chấm dứt giá trị pháp lý mà vẫn thực hiện việc sang tên thì đó là lỗi trực tiếp của Công chứng viên thực hiện việc công chứng. Trường hợp Công chứng viên biết giấy tờ đó là giả hoặc tiếp nhận ý chí của người thực hiện hành vi công chứng về việc lừa đảo thì không loại trừ khả năng công chứng viên sẽ là người đồng phạm với vai trò giúp sức của Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Với cơ quan cấp cuốn sổ đỏ “ma”, cá nhân có quyền hạn trực tiếp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có lỗi khi sổ đỏ do chính mình, cơ quan mình đã hủy bỏ hiệu lực mà vẫn tiếp tục được giao dịch sang tên cho bên thứ ba khi mua bán chuyển nhượng.
Nếu biết tình trạng sổ đỏ đã bị chấm dứt hiệu lực mà vẫn ký văn bản pháp lý cho phép sang tên hoặc tiếp nhận ý chí của người thực hiện hành vi công chứng về việc lừa đảo thì nhiều khả năng người này là đồng phạm giúp sức của Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Nếu do lỗi vô ý thiếu kiểm tra, giám sát, không tuân thủ đúng quy trình, thực hiện không hết chức năng nhiệm vụ thì có cơ sở xem xét về tội danh được quy định tại Điều 360. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Ở đây, hậu quả thiệt hại đã rất rõ khi cả hai cuốn sổ mới và cũ đều còn tồn tại và lại được chính cơ quan cấp sổ thực hiện việc sang tên hợp pháp cho bên mua khiến hậu quả gây thiệt hại nhiều tỷ đồng cho người mua bị lừa đảo.
Với sự việc đã rõ ràng như vậy, theo tôi, Công an tỉnh Bắc Giang cần vào cuộc khởi tố ngay vụ án cấp sổ đỏ “ma” tại Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang để tránh bỏ lọt tội phạm và đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật”.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế