"Tiếng Anh chỉ nên coi là công cụ, vì cốt lõi là trình độ chuyên môn"

PV

(Dân trí) - "Tiếng Anh chỉ nên coi là một loại công cụ, bởi bản chất cốt lõi của mỗi người vẫn là trình độ chuyên môn. Một cá nhân giỏi ngoại ngữ nhưng chuyên môn, năng lực yếu kém thì có doanh nghiệp nào nhận?".

Thời gian qua, một số địa phương phê duyệt kế hoạch và phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025, trong đó có thêm vài nội dung không đúng quy định về việc tuyển thẳng, ưu tiên cho thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (IELTS, TOEFL...) hay đạt học sinh giỏi cấp tỉnh.

Cụ thể, Thông tư số 28/2009/BGDĐT, sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 15/2017/TT-BDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, không có quy định cho phép tuyển thẳng hay cộng điểm thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế vào lớp 10 công lập không chuyên. Tuy nhiên nhiều địa phương vẫn "vượt rào" bằng các chính sách riêng được UBND cấp tỉnh phê duyệt.

Bởi vậy, Bộ Giáo dục & Đào tạo mới đây đã có văn bản yêu cầu một số địa phương điều chỉnh, chỉ đạo, phê duyệt lại kế hoạch và phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT, đảm bảo đúng quy định của pháp luật và thông báo công khai đến các đối tượng liên quan.

Nêu lên tiếng nói về vấn đề trên bằng bài viết "Tuyển thẳng lớp 10 bằng IELTS: Nới rộng bất bình đẳng trong giáo dục" trên Dân trí, thạc sĩ, dịch giả Bùi Minh Đức chia sẻ: "Tuyển thẳng trong ký ức của tôi với thời đi học phổ thông là một điều gì đó rất xa vời, thường được nhắc đến với các thí sinh thi học sinh giỏi quốc gia hay những kỳ thi quan trọng, mang tính đại diện cho cả một tỉnh thành, đất nước.

Khi đọc thông tin các tỉnh tuyển thẳng hay ưu tiên các thí sinh có bằng IELTS trong kỳ thi vào 10 tại nhiều tỉnh thành, tôi tự hỏi Tại sao lại là IELTS? tại sao là IELTS mà không phải một kỳ thi học sinh giỏi khác? một kỳ thi năng lực tiếng Anh khác? Tại sao một kỳ thi năng lực tiếng Anh chuẩn hóa lại được thần thánh hóa như vậy? Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các tỉnh thành ngừng việc tuyển thẳng, ưu tiên thí sinh với bằng IELTS vào lớp 10 là một quyết định hợp lý ở thời điểm hiện tại".

Tiếng Anh chỉ nên coi là công cụ, vì cốt lõi là trình độ chuyên môn - 1

Độc giả Dân trí cho rằng với tình trạng hiện nay, khi lớp học còn dột, sách vở cho các cháu còn không có thì việc đưa IELTS vào giáo dục chỉ làm sướng một vài bộ phận nhỏ chứ không có tác dụng cải thiện hệ thống giáo dục nước nhà (Ảnh minh họa).

Dưới bài viết, ông Đức đưa ra hàng loạt luận điểm thể hiện quan điểm của bản thân, trong đó nhấn mạnh việc IELTS chỉ là một trong số hàng trăm chứng chỉ thông thường khác, vậy nên đừng cư xử với nó như một thứ "khác thường". Quan điểm này nhận được sự ủng hộ của nhiều độc giả Dân trí.

Bày tỏ sự đồng ý với tác giả, anh Nam Vu viết: "Là người tự nhận đam mê tiếng Anh, có trình độ và học tiếng Anh tốt, tôi cực lực phản đối sử dụng IELTS là công cụ tuyển chọn học sinh, những ý trên của tác giả tôi hoàn toàn đồng ý. Cá nhân tôi nhận thấy tiếng Anh nói riêng, và ngôn ngữ nói chung là một phần rất quan trọng trong giáo dục, nhưng không phải là yếu tố quyết định đánh giá năng lực của học sinh.

Tôi đã từng làm gia sư cho những em học sinh mà gia đình có điều kiện, các em hoàn toàn có thể đạt được 6.0 - 7.0 IELTS. Các em nghe nói, vốn từ rất tốt, nhưng kiến thức ngữ văn của em ngô nghê đến phát ngượng. Các em cần phải có bổ trợ rất nhiều các năng lực suy nghĩ và vốn kiến thức khác nữa. Mà điều này chỉ có thể tích nạp từ các môn học khác".

Đưa ra một phép so sánh trực quan và gần gũi, chủ tài khoản Hiep bình luận: "Trong một xã hội phát triển đa diện, đa dạng, nhưng IELTS lại được lấy làm thước đo chung? Mỗi con người sinh ra đều có tài năng của riêng mình, đừng lấy việc leo cây đánh giá một con cá và cũng đừng dùng kỹ năng bơi lộ để chê bai một con khỉ. Cứ IELTS là xịn, vậy những người giỏi ngôn ngữ khác như tiếng Trung chẳng hạn, thì sao? Giỏi gì cũng là giỏi, vì thế cần có cách đánh giá đa diện".

Còn với độc giả Trịnh Bảo Ngọc, chị sử dụng từ "méo mó" để nói về cách mọi người nhìn nhận về tiếng Anh thời điểm này: "Tiếng Anh tuy quan trọng nhưng bỏ tất cả đi để học tiếng Anh như thế này thì quá là méo mó. Liệu đất nước có phát triển không khi nhân lực chỉ biết nói tiếng Anh và không quan tâm kiến thức khác? Lúc đó thì toàn ngồi bốc phép với nhau chăng? Ai sẽ phụ trách AI (Trí tuệ nhân tạo), ai làm xe điện, ai phát triển công nghiệp, công nghệ? Có khi đến nông nghiệp cũng chẳng ai muốn làm kỹ sư nữa".

Tương tự, độc giả Hoàng Linh cũng cho rằng tiếng Anh là thứ rất cần thiết, nhưng chỉ nên đặt góc nhìn và quan điểm về nó như một loại công cụ, thay vì thần thánh hóa và trao quá nhiều quyền lực cho các chứng chỉ liên quan tới ngôn ngữ này như hiện nay. Người này viết: "Trong thời buổi hội nhập, tiếng Anh là vô cùng quan trọng. Không chỉ giúp chúng ta kết nối, nó còn mang lại cho ta nhiều cơ hội được học hỏi, nâng cao năng lực bản thân, đẩy mạnh phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, suy cho cùng, nó cũng chỉ nên dừng lại ở một loại công cụ để giao tiếp, bởi bản chất cốt lõi của mỗi con người vẫn phải là trình độ chuyên môn. Thử hỏi rằng một cá nhân (không theo chuyên ngành ngoại ngữ) với chứng chỉ IELTS mức 7.0 hay 8.0, nhưng kiến thức chuyên môn rỗng tuếch, năng lực yếu kém thì liệu có doanh nghiệp, tổ chức nào muốn tiếp nhận và sử dụng lâu dài hay không? Hơn nữa, nếu đi sâu vào chuyên môn, tiếng Anh chuyên ngành (Kỹ thuật, xây dựng, pháp lý...) mới là thứ chúng ta cần tập trung hướng tới và có tính ứng dụng cao trong công việc sau này".

Không chỉ lo ngại về "cán cân tri thức" bị xô lệch bởi tư tưởng "thần thánh hóa" IELTS, nhiều độc giả còn lo lắng về việc lạm dụng loại chứng chỉ ngoại ngữ này sẽ dẫn tới việc gia tăng khoảng cách giàu - nghèo và làm trầm trọng hơn nữa những sự bất bình đẳng trong xã hội.

Bày tỏ quan ngại của bản thân, độc giả Hoang Huy lấy ví dụ như tại các trường học trên miền núi, làng bản, nhiều điểm trường còn không có giáo viên dạy tiếng Anh. Nếu tình trạng hiện nay tiếp tục diễn ra và trở nên trầm trọng hơn, khi nào các em mới có cơ hội được thoát nghèo, đặc biệt khi cơ hội tiếp cận tiếng Anh cơ bản còn chưa có.

Tương tự, độc giả Dương Quang Hưng chỉ ra bất cập nhất ở chỗ con nhà nghèo không có tiền học tiếng Anh sẽ phải nhường chỗ cho con nhà giàu vào lớp 10, còn bạn đọc Dương Tùng thì cho rằng chính sách của một số tỉnh như hiện nay giống như "Vui cho vài người, buồn cho ngàn người". Độc giả này cho rằng với tình trạng hiện nay, khi lớp học còn dột, sách vở cho các cháu còn không có thì việc đưa IELTS vào giáo dục chỉ làm sướng một vài bộ phận nhỏ chứ không có tác dụng cải thiện hệ thống giáo dục nước nhà.

Trong khi đó, anh Quang Luuthanh lại thẳng thắn chỉ ra vấn đề nằm ở sự thổi phồng quá đà của nhiều trung tâm ngoại ngữ hiện nay: "Câu chuyện cần thiết và đưa IELTS vào xét tuyển là bởi sự thổi phòng của các trung tâm ngoại ngữ, luyện thi IELTS. Những chính sách như hiện nay đã góp sức "nuôi béo" các trung tâm này, vừa lãng phí, vừa tạo ra sự bất bình đẳng trong xã hội".

Hoàng Diệu