Bạn đọc viết:

Tiền vẫn chảy, nhưng đường vẫn ngập

(Dân trí) - Tháng Sáu năm nào trời chả mưa, đường phố chả ngập lụt và thể nào lãnh đạo ngành thoát nước cũng lên tivi giải thích và thanh minh. Quen đến nỗi không cần bật tiếng cũng biết ông ấy đang nói gì.

Tiền vẫn chảy, nhưng đường vẫn ngập  - 1
Đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy (Hà Nội) ngập
 
Mưa tháng Sáu ngọt ngào và lãng mạn đã làm tốn biết bao giấy mực của thi ca nhạc hoạ. Mưa ở nông thôn, mưa ra thành phố, mưa trong đất liền rồi mưa trên biển, nhiều khi cao hứng lên mưa ngay ở trong lòng người. Nhưng đấy là chuyện của những đôi lứa yêu nhau và mấy ông văn nghệ sỹ.
 
Còn với cư dân đô thị lớn như Hà Nội và Sài Gòn thì mưa tháng sáu thực sự là một nỗi kinh hoàng và mệt mỏi. Chỉ cần một trận mưa thôi, “phố bỗng thành dòng sông uốn quanh” như lời bài hát của Trịnh Công Sơn. Đẹp, thơ mộng đâu không thấy, chỉ thấy sau cơn mưa là tắc đường, ngập lụt, chậm giờ đón con, muộn giờ đến công sở... Thiệt hại vô cùng lớn về thời gian và tiền bạc.
 
Tháng Sáu năm nào trời chả mưa, đường phố chả ngập lụt và thể nào lãnh đạo ngành thoát nước cũng lên tivi giải thích và thanh minh. Quen đến nỗi không cần bật tiếng cũng biết ông ấy đang nói gì. Đầu tiên là chắc chắn sẽ là tại cơ sở hạ tầng yếu kém, sau đó là thiếu tiền đầu tư, ý thức người dân kém và có khi tại cả trời mưa to quá.
 
Chẳng hạn như cơn mưa lớn hôm vừa rồi được giải thích là hệ thống thoát nước thành phố chỉ đáp úng được với lượng mưa có cường độ 36mm/h, nếu mưa to quá vượt quá công suất... đành phải bó tay (?) 

Kinh nghiệm khôn ngoan cho việc giải thích một việc gì đó là  đưa ra càng nhiều các thuật ngữ chuyên ngành càng tốt. Thế nhưng, người dân có quyền biết số tiền hàng trăm triệu USD đầu tư cho dự án thoát nước giai đoạn 1 được sử dụng như thế nào mà đường phố bao năm rồi vẫn trong tình trạng cứ mưa là ngập? Ngành thoát nước cần bao nhiêu tiền nữa đây? Đến bao giờ thì hết ngập lụt?

Đối với Hà Nội vẫn chưa có câu trả lời tức là không biết đến bao giờ, còn với thành phố Hồ Chí Minh  nghe đâu dự kiến đến năm 2020 mới giải quyết triệt để và phải cần tới dăm bảy tỷ đô la. Tiền vẫn chảy nhưng đường vẫn ngập là tình trạng chung cho các dự án thoát nước hiện nay. Không chỉ ngập nước mà còn có cả ngập lụt các dự án và những lời bao biện cho những yếu kém trong quản lý. 

Nói đi phải nói lại, với việc ngập úng không thể đổ tất cả lỗi cho ngành thoát nước gánh chịu. Cũng giống như nhiều lĩnh vực khác, việc thoát nước đang phải chịu hậu quả to lớn của lịch sử để lại khi cả hệ thống thoát nước đã lạc hậu và cũ kỹ, công tác quy hoạch thành phố yếu  kém, không có sự phối hợp của các cơ quan quản lý xây dựng, đất đai để hàng loạt sông hồ, cống thoát nước bị lấn chiếm.

Đối với một “lỗi hệ thống” như thế này thì biết bắt đầu giải quyết từ khâu nào đây.  Chính vì vậy, mọi sự khắc phục chỉ là vá víu và tạm thời, ngập hay không ngập tất cả nhờ trời mà không có sự chủ động từ phía con người.

Đây có lẽ là bài học lớn đối với việc quy hoạch và xây dựng thủ đô mở rộng. Đừng để con cháu sau này lại phải chịu cảnh ngập lụt như thế này mà không biết giải quyết thế nào. Đối với việc ngập úng đô thị mà chính những người có trách nhiệm không biết phải làm gì, thì người dân chỉ còn biết lạy trời đừng mưa nữa.
 
Nhưng trời ở cao, xa lắm và trời đâu chỉ có mưa vào tháng Sáu.

Đinh Thế Hưng